Gìn giữ giọng nói đặc trưng làng biển - Bài 2: Sắc thái văn hóa tinh thần của ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997), quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình này cũng tác động nhiều mặt đến đời sống người dân, nhất là cộng đồng ngư dân ven biển. Khi không gian sống và không gian sinh tồn thay đổi mạnh mẽ thì vấn đề gìn giữ tiếng nói địa phương để bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân cũng gặp không ít khó khăn.

Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà được tổ chức hằng năm, luân phiên giữa 3 phường Mân Thái, Nại Hiên Đông và Thọ Quang nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa. Ảnh: Đ.L

Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà được tổ chức hằng năm, luân phiên giữa 3 phường Mân Thái, Nại Hiên Đông và Thọ Quang nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa. Ảnh: Đ.L

Phai nhạt giọng nói làng biển

Trở lại làng cá Nại Hiên Đông - nơi có số lượng ngư dân bám nghề lớn nhất nhì thành phố, chúng tôi được nghe ông Đặng Văn Nhật, tổ trưởng tổ sản xuất Thành Đạt, phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà) kể về hoạt động đánh bắt hải sản bằng giọng “ăn sóng nói gió” chất phác, thật thà của người con vùng biển. Hiện ông Nhật vẫn sử dụng những từ ngữ quen thuộc hằng ngày khi nói chuyện với chúng tôi như “nghề lưới vây”, “đánh lưới”, “bành dây”, “đi bạn”... Đây là những từ ngữ ông được nghe ông bà, cha mẹ mình dùng giao tiếp hằng ngày ngay từ tấm bé và theo ông cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, chỉ những người trong nghề mới hiểu rõ, còn lớp trẻ bây giờ đã chuyển sang dùng ngôn ngữ phổ thông nhiều hơn do tiếp xúc với môi trường làm việc, học tập bên ngoài. Dẫu vậy, điều ông trăn trở nhất vẫn là tình trạng khan hiếm lực lượng lao động đánh bắt hải sản. “Hiện tôi làm chủ tàu công suất 740CV đánh bắt cá vùng khơi xa. Nghề này vất vả lại cần sức khỏe nên lớp trẻ bây giờ đều chọn cho mình công việc nhẹ nhàng hơn", ông Nhật tâm tình.

Lực lượng đánh bắt hải sản giảm làm cho môi trường giao tiếp và sử dụng từ ngữ liên quan đến nghề đi biển ở địa phương cũng mai một dần. Dưới góc độ ngôn ngữ, Thạc sĩ Hoàng Thị Mai Sa, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, thực trạng giọng nói và các từ ngữ người dân hay dùng dần biến mất hoặc không còn phát âm giống ngày xưa chính là quy luật phát triển của từ địa phương, bao gồm từ nghề nghiệp. Từ ngữ vốn dĩ thay đổi dựa trên xu hướng phát triển của nghề nghiệp. Do không được sử dụng thường xuyên, khái niệm “tử ngữ” thể hiện cho sự biến mất của những từ nghề nghiệp.

Mặt khác, quá trình đô thị hóa ở các làng biển thuộc thành phố Đà Nẵng diễn ra sớm nhất trong khu vực các tỉnh, thành miền Trung. Việc cộng cư, di dân diễn ra trong cộng đồng làng biển làm thay đổi chất giọng xảy ra một cách tự nhiên nhất. “Chúng ta cần hiểu rằng, khi các nghề nghiệp truyền thống phát triển sẽ giúp cho ngôn ngữ, giọng nói phát triển theo. Từ đó mà tiếng lóng tiếp tục ra đời và được người dân sử dụng. Ngôn ngữ nghề nghiệp là sự sáng tạo của riêng một cộng đồng. Việc biến mất của một số từ nghề nghiệp, giọng địa phương để lại nhiều sự tiếc nuối. Qua đó cho thấy nguy cơ mất đi một số nghề truyền thống là rất cao. Việc thay đổi như vậy tạo ra một “bức tranh buồn” đối với ngôn ngữ làng biển về lâu về dài”, Thạc sĩ Hoàng Thị Mai Sa nhấn mạnh.

Đặc thù nghề nghiệp liên quan đến biển luôn cần nguồn nhân lực trẻ, đồng thời có sự tiếp nối qua nhiều thế hệ. Thực tế hơn 10 năm qua, không gian sống của các làng biển ở Đà Nẵng có xu hướng giảm dần tính tương tác, tiếp xúc giữa các ngư dân. Nếu trước đây, từng cụm dân cư nhỏ cùng sống san sát nhau để làm nghề biển thì hiện nay đã không còn hình ảnh đó. Giọng nói làng biển phai mờ chính bởi yếu tố này. Theo sự phát triển xã hội, ngôn ngữ là biểu hiện cao, sáng tạo của văn hóa. Chúng ta dùng giọng nói địa phương như là cách định danh về một sự việc nhất định. Một điều thấy rõ rằng, khi chúng ta làm tốt việc sưu tầm, gìn giữ ngôn ngữ, giọng nói các làng biển ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê hay Liên Chiểu… sẽ đóng góp thêm những “viên gạch nhỏ” cho việc xây nên bức tranh chung về văn hóa làng biển vùng duyên hải miền Trung.

Cần bảo tồn văn hóa tốt đẹp của địa phương

Lần theo những làn điệu, câu hát mang âm hưởng dân gian làng biển, chúng tôi tìm gặp NSND Phan Văn Quang, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, khi ông vừa mới tham gia một chương trình biểu diễn hò bả trạo. Ông Quang cho biết, người dân vùng biển rất đam mê hát tuồng vì tuồng hay làm lễ cúng, trong đó lễ là tâm linh, hội là giải trí, mà nghệ thuật tuồng thì có cả hai điều này. “Những câu nói, thành ngữ mang đặc trưng của ngư dân ven biển hiện vẫn còn được sử dụng trong lời ca tiếng hát của bả trạo, hát bài chòi... Vốn từ của ngư dân trong lễ Cầu ngư, trong đó có hát bả trạo là gốc, trên cơ sở đó, tác giả chuyển thành thơ và biến tấu thành giai điệu hát bài chòi, hò, văn cúng... Nghệ sĩ biểu diễn chỉ tái hiện lại các sinh hoạt cũng như tâm linh tập tục của dân ngư, tuy nhiên tư liệu kịch bản phải là cái gốc mà ngư dân sinh hoạt. Khi khôi phục và tái hiện, người nghệ sĩ biểu diễn sẽ hư cấu hoặc tăng tính thẩm mỹ lên vì đây là nghệ thuật nhưng phải dựa trên cái gốc của nó để một tác phẩm hội đủ các yếu tố chân, thiện, mỹ”, NSND Phan Văn Quang giải thích.

Qua việc tìm hiểu từ ngữ nghề biển trong đời sống văn hóa người dân thể hiện trong lời ăn tiếng nói, trong ca dao, hò vè có thể hiểu được những sắc thái văn hóa tinh thần của ngư dân Đà Nẵng. Những lời ca, tiếng hát đó là sự gắn bó với biển, với nghề, thể hiện tình yêu với cuộc sống, lao động. Đó cũng là nét duyên, sự lạc quan yêu đời cho dù luôn luôn phải đối mặt với sóng gió biển khơi. Tuy “ăn sóng nói gió” nhưng trong ứng xử hằng ngày vẫn rất mặn nồng, giản dị. Chia sẻ về điều này, bà Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ngôn ngữ địa phương của ngư dân ven biển Đà Nẵng có những nét riêng. Về ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ phương tiện và công cụ khai thác hải sản thì có nhiều từ đã phổ biến và hầu như ai cũng biết là thuyền, ghe, tàu, lưới, câu. Nhưng cũng có rất nhiều từ ngữ chỉ ngư dân mới biết như: lưới rùng, trủ, câu giàn, rập… Đối với nghề nước mắm cũng vậy, có nhiều công cụ như: thùng nhựa, can, chai thì phổ biến, còn những dụng cụ như: chụt, lù thì không phải ai cũng hiểu được”.

Để gìn giữ văn hóa địa phương, thứ nhất, ở cấp độ cá nhân, mỗi người trẻ nên trang bị cho mình kiến thức về ngư nghiệp, các thuật ngữ khi đi biển. Chúng ta học từ cha chú, anh em trong gia đình. Thứ hai, ở góc độ trong gia đình nên cùng chia sẻ, trao truyền tình yêu với biển cho lớp người đi sau. Thứ ba, ở các ngôi làng cần thường xuyên tổ chức, tuyên truyền và duy trì lễ hội truyền thống, các hội thi văn nghệ. Cơ hội để bà con trong làng giao lưu rất có lợi cho việc bảo tồn tiếng nói địa phương”.

Thạc sĩ Hoàng Thị Mai Sa, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)

Thực tế cho thấy, tùy vào từng giai đoạn thì có những từ gọi tên các hoạt động khác nhau. Trong cách thức khai thác cũng tùy vào từng đối tượng đánh bắt mà có cách thức tiến hành khác nhau. Điều này thể hiện sự trải nghiệm qua lao động hằng ngày của người dân vùng biển. Đối với nghề nước mắm thì những từ gọi tên của từng công đoạn sản xuất cũng rất đặc biệt mà nếu như người ngoài nghề nghe thì thường không hiểu như: náo đảo giang phơi, pha đấu, khuấy đảo bã chượp...

Theo bà Đinh Thị Trang, văn hóa dân gian làng biển bao gồm rất nhiều khía cạnh như: lễ hội, tín ngưỡng, ngôn ngữ (lời ăn tiếng nói, ca dao, tục ngữ), các tri thức dân gian, làng nghề… Do đó, để bảo tồn văn hóa dân gian làng biển cần tiến hành sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn hóa dân gian, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp tùy theo những thành tố văn hóa khác nhau. Ví dụ các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên của người dân, là cầu nối cố kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân thì cần được duy trì tổ chức đều đặn, để người dân luôn là chủ thể của những hoạt động này; đồng thời trùng tu, tôn tạo các di tích gắn liền với các lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân...

“Đối với phát triển làng nghề nước mắm, thành phố cần đầu tư cơ sở vật chất, thương hiệu và lực lượng sản xuất, vì phần nhiều những người tham gia làm nghề là những người lớn tuổi, còn lực lượng kế thừa rất ít; bên cạnh đó, quan tâm phát triển thương hiệu làng nghề trở thành sản phẩm ẩm thực không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Ngoài ra, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân và động viên người trẻ tiếp nối nghề đi biển của ông cha, bởi nghề biển không chỉ đơn giản là nghề nghiệp sinh nhai của người dân mà nó còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, bà Trang nhấn mạnh.

Theo ĐOÀN LƯƠNG - TRƯỜNG AN (ĐNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.