Từ một dấu xưa trên đường sắt xuyên Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giữa hanh hao nắng gió một ngày đầu thu trên dải đất khu Nam Trung bộ, tôi dừng lại bên huyết mạch giao thông đường bộ và đường sắt xuyên Việt khi đang chạm đến chân Đèo Cả ở phía Nam Phú Yên.

Nơi đây có đường sắt uốn lượn giữa một bên vách núi, bên vực sâu nối liền với biển rồi có mấy đoạn chui qua những hầm Baboneau, Bãi Gió, Vũng Rô 1, Vũng Rô 2... đã được khai thác từ tháng 9/1936 và hầm đường bộ Đèo Cả thông xe hạ tuần tháng 8/2017. Ở đó có lý trình km 1221 trên tuyến đường sắt xuyên Việt - một di tích đánh dấu sự kiện lịch sử đường sắt xuyên Đông Dương (Transindochinois).

Đầu máy hơi nước Pacific vận hành trên tuyến đường sắt Transindochinois. Ảnh: Tư liệu.

Đầu máy hơi nước Pacific vận hành trên tuyến đường sắt Transindochinois. Ảnh: Tư liệu.

1. Đường sắt Transindochinois là ý tưởng của Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan (6/1891-12/1894), nhưng khi người kế nhiệm Paul Doumer nắm quyền (2/1897-10/1902) mới triển khai thực hiện. Thời đó, đường sắt và xe điện ở Đông Dương do các Công ty tư nhân đấu thầu xây dựng, riêng đường sắt Transindochinois từ khi hình thành thuộc quyền sở hữu của Công ty Chemins de Fer de l'Indochine (CFI) do chính phủ Pháp điều hành và được xác định là mạng lưới đường sắt nhà nước, không nhượng quyền cho tư nhân (Réseaux non concedes) với tổng chiều dài 1.730km, được xây dựng 5 giai đoạn với thời gian gần 40 năm.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, những đoạn ray sắt cuối cùng được lắp đặt tại km1221 cách ga Hảo Sơn về phía Nam hơn 400m - nay thuộc địa phận thôn Hảo Sơn Nam, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) vào ngày 2/9/1936, đánh dấu mốc lịch sử hoàn thành tuyến đường sắt Transindochinois.

Đường sắt qua Đèo Cả. Ảnh: Hữu Toàn.

Đường sắt qua Đèo Cả. Ảnh: Hữu Toàn.

Trong “Đất Phú trời Yên” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2018, nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ viết: “Việc xây dựng đường sắt xuyên Việt đề ra từ năm 1897 thời Toàn quyền Paul Doumer. Qua 39 năm xây dựng, từng đoạn ngắn từ Bắc vào và từ Nam ra, ngày 7/1/1936, đường ray đặt tới Tuy Hòa”. Còn trong bài viết “Tuyến đường sắt Đông Dương vào nửa đầu thế kỷ XX” trên tạp chí “Xưa và nay” số 534, tháng 12/2021, tác giả Nguyễn Văn Giác nhắc lại hai sự kiện đáng nhớ nhất tại lý trình km1221 trên tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Thứ nhất là ngày 2/9/1936, Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin và Hoàng đế Bảo Đại không chỉ tham gia sự kiện nối ray tuyến đường sắt Đông Dương mà hai vị quan chức này còn cầm cờ lê siết bulon tại thanh ray cuối cùng nối liền hai đầu Bắc - Nam.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương vào đầu tháng 9/1936, ông René Robin cùng gia đình là những hành khách đầu tiên trải nghiệm hành trình Hà Nội - Sài Gòn trên chuyến tàu đặc biệt với thời gian 42 giờ. Và đó cũng là chặng đầu tiên của René Robin trong hành trình trở về Pháp. Thứ hai là cũng tại nơi này vào ngày 1/10/1936, lễ khánh thành toàn tuyến đường sắt Transindochinois đã diễn ra với sự chứng kiến của tạm quyền Toàn quyền Đông Dương A. Silvestre cùng Hoàng đế Bảo Đại và Thống đốc Vân Nam Long Yun.

Tại sự kiện này, một tấm bia đá nguyên khối được lắp đặt bên đường sắt tại km1221, trên một mặt bia đá có khắc nổi dòng chữ tiếng Pháp: “Nơi đây, đường sắt Transindochinois do ông Paul Doumer khởi xướng để tạo ra tính thống nhất của Đông Dương, đã hoàn thành ngày 2/9/1936 bằng việc kết nối đường ray từ biên giới Trung Quốc vào đường ray từ Sài Gòn ra”. Mặt bia còn lại ghi danh một số người Pháp và người Việt Nam tham gia giai đoạn cuối cùng trên tuyến đường sắt Transindochinois.

Đó là Eugène Jean Louis René Robin - Thống đốc toàn quyền Đông Dương, Gassier - Tổng thanh tra công chánh, Lefèvre - kỹ sư trưởng kiến thiết đường sắt, Cousin - Chánh kỹ sư kiến thiết đường sắt, Bourgocin - kỹ sư trưởng kiến thiết đường sắt, Michelin - trưởng ty kiến thiết, Terilleau - trưởng ty đặt đường ray, Đoàn Đình Đệ - Chánh tham tá công chánh hạng 3, Nguyễn Hoàng - tham tá công chánh hạng 1, Trần Văn Thụy - tham tá công chánh hạng 3, Nguyễn Đại - đội trưởng đội đặt đường, Vũ Văn Tân - đội trưởng đội đặt đường, Nguyễn Lập - giám thị. Hai bên hông bia còn có chữ nổi, ghi danh các ga Đông Hà, Quảng Trị, Hà Nội, Vinh, Nha Trang, Đại Lãnh, Hảo Sơn. Dưới chân bia có khắc hai dòng chữ “Sài Gòn 509km” ở bên trái và “Hà Nội 1221km” ở bên phải.

Tuyến đường sắt Transindochinois hoàn thành đã giúp cho hành trình Hà Nội - Sài Gòn dài 1.730km rút ngắn còn 40 giờ. Hành khách đi lại trên những chuyến tàu do các đầu máy hơi nước như Pacific, Decapod, Ten-wheel vận hành. Trên các đoàn tàu có những toa xe sắp xếp chỗ ngồi hạng nhất, nhì và ba; toa xe ngủ nghỉ và nhà hàng buffet cùng dịch vụ bưu điện, ký gửi hành lý.

Bia đá lắp đặt tại km 1221 trên tuyến đường sắt Transindochinois ngày 1/10/1936. Ảnh: Tư liệu.

Bia đá lắp đặt tại km 1221 trên tuyến đường sắt Transindochinois ngày 1/10/1936. Ảnh: Tư liệu.

Do chiến tranh nên tấm bia đá tại km1221 ở phía Nam ga Hảo Sơn gãy vỡ từ lúc nào không rõ, chỉ còn lại ba tảng rời. 80 năm sau sự kiện lịch sử khánh thành toàn tuyến đường sắt Transindochinois, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tiến hành phục dựng tấm bia đá mới từ ngày 1/10/2016. Tấm bia phục dựng kích cỡ 2mx1m, mặt phía Nam khắc những dòng chữ bằng tiếng Pháp như nội dung bia đá gốc, mặt phía Bắc là bản dịch tiếng Việt. Cạnh đó là ba tảng gãy vỡ của bia đá cũ cũng được đặt lại.

Đứng bên tấm bia phục dựng lại, ông Nguyễn Thanh Phong, trú ở phố Nguyễn Chí Thanh, phường 7, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Việc phục dựng lại tấm bia ghi dấu sự kiện lịch sử nối liền tuyến đường sắt xuyên Đông Dương tại Hảo Sơn là rất cần thiết, mà lẽ ra phải được thực hiện từ rất sớm. Có một điều không riêng tôi mà nhiều du khách đều nhận biết tấm bia cũ là loại đá có màu đen, dường như được lấy từ đèo Cả, còn tấm bia phục dựng lại là đá granite màu xám lốm đốm màu hạt hoa trong khi những dòng chữ chạm khắc được sơn vàng dễ bay màu, khó đọc; chụp ảnh không rõ nét. Nếu phục chế tấm bia theo kích cỡ, loại đá và chạm khắc như bản gốc sẽ giúp cho du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin và chụp ảnh rõ nét hơn”.

2. Từ nơi phục dựng tấm bia đá đánh dấu sự kiện lịch sử đường sắt Transindochinois năm xưa, du khách theo đường Quốc lộ 1A lên đỉnh đèo Cả sẽ bắt gặp cảnh quan hùng vĩ bên những cung đường uốn lượn quanh co trên lưng dãy núi Trường Sơn vươn ra phía biển. Ngước lên đỉnh núi sẽ thấy Đá Bia, còn gọi là Thạch Bi Sơn - một danh thắng quốc gia có nhiều huyền tích nằm ở độ cao 706m so với mặt nước biển. Đó là khối đá khổng lồ cao 76m, sừng sững vươn lên bầu trời. Tương truyền trong hành trình mở cõi về phía bờ Nam, Vua Lê Thánh Tông sai lính khắc chữ trên Đá Bia vào mùa xuân Tân Mão - 1471, coi đó là cột mốc lịch sử chủ quyền quốc gia Đại Việt phân định ranh giới với Chiêm Thành.

Có thuyết dẫn giải nội dung văn bia: “Chiêm Thành quá thử, binh bại, quốc vong. An Nam quá thử, tướng tru, binh chiết”. Nghĩa là: “Chiêm thành vượt qua nơi này, quân thua, nước mất. An Nam vượt qua nơi này, tướng chết, quân tan”. Có thuyết cho rằng văn bia khắc ghi: “Dĩ Nam Chiêm Thành. Dĩ Bắc dân triều mệnh Việt Nam”. Nghĩa là: “Từ đây trở về phía Nam của Chiêm Thành, trở về phía Bắc dân phụng mạng lệnh của Việt Nam”. Cũng có thuyết lý giải văn bia chỉ khắc ghi hai chữ “Hồng Đức” là niên hiệu của Vua Lê Thánh Tông.

Tác giả bên một phế tích khác của đường sắt Transindochinois ở phía trước ga Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: Thanh Phong.

Tác giả bên một phế tích khác của đường sắt Transindochinois ở phía trước ga Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ảnh: Thanh Phong.

Năm 1836, Vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế. Khoảng giữa thế kỷ 19, ông Phan Thanh Giản - quan đại thần triều Nguyễn đi qua đèo Cả, ngước nhìn lên Đá Bia, tưởng nhớ đến Vua Lê Thánh Tông nên ông đã viết bài thơ chữ Hán, được dịch nghĩa: “Mảnh đá đầu non dựng. Tầng cao ngất một phương. Chia bờ nêu cột Hán. Đuổi giặc trú xe Đường. Chữ triện mây lu nét. Công thần sử dọi gương. Chạm bia người đã vắng. Lữ khách chạnh lòng thương”.

Mùa đông năm 1946, khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã để lại cho đời bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng nhất trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất trong thế kỷ 20. Trong đó có những câu thơ vang vọng. “Đèo Cả!/ Đèo Cả!/ Núi cao ngút!/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương!/ Dặm về heo hút/ Đá Bia mù sương/ Bên quán “Hồng Quân”/ Người ngựa mỏi/ Nhìn dốc ngồi than/ thương ai lên đường… Tóc râu trùm vai rộng/ Không nhận ra người làng/ Ngày thâu vượn hú/ Đêm canh gặp hùm lang thang/ Rau khe cơm vắt/ Áo phai màu chiến trường...".

Từ Quốc lộ 1A lên tới Đá Bia có con đường dài 2.280m len lỏi giữa cây rừng, nhiều đoạn có bậc thang xây dựng từ năm 2000, thu hút nhiều nhóm du khảo, leo núi trải nghiệm. Hơn 10 năm qua, mỗi năm Phú Yên đều tổ chức giải Việt dã chinh phục đỉnh cao núi Đá Bia.

Từ đỉnh đèo Cả nhìn xuống phía Đông là vịnh biển Vũng Rô xanh màu ngọc bích nằm giữa dãy núi hình vòng cung. Trong chiến tranh, nơi ấy từng là điểm đến của 4 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Giữa năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận Khu di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô. Cách vịnh Vũng Rô về phía Bắc một chặng đường ngắn trên Quốc lộ 29 là di tích danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện. Năm 1890, Varella - một sĩ quan Hải quân Pháp đề xuất xây dựng ngọn hải đăng Mũi Điện là điểm cực Đông trên đất liền Tổ quốc đón ánh bình minh sớm nhất mỗi ngày.

Ở phía Nam đèo Cả là xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Vùng đất này nằm lọt thỏm giữa vòng cung dãy núi nối liền đèo Cả với đèo Cổ Mã. Phía trước là biển xanh bốn mùa lộng gió. Nhiều người ví Đại Lãnh như một nàng tiên ngủ quên chưa được đánh thức tiềm năng du lịch. Tha thẩn phía trước ga Đại Lãnh, tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy một phế tích khác của đường sắt Đông Dương còn sót lại đang nằm trong đống đất đá. Đó cũng là một tấm bia đá màu đen xám, phía trên có chạm khắc chữ nổi Dai Lanh, ở giữa là hình tròn, bên dưới là con số chạm chìm 1936 rất sắc nét, đang bị bỏ quên!

Chợt nghĩ, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai vào năm 2026-2027, nhưng những di tích như điểm nối đường ray tại km1221 trên tuyến đường sắt Transindochinois ở phía Nam ga Hảo Sơn năm xưa và nhiều di tích khác cần được bảo tồn, phục dựng để khắc ghi sự kiện lịch sử một thời mở lối giao thông đường sắt và tri ân các bậc tiền nhân.

Theo Phan Thế Hữu Toàn (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.

Trên hòn đảo tiền tiêu

Trên hòn đảo tiền tiêu

Hòn đảo ấy án ngữ phía biển đông, nơi vọng gác tiền tiêu trong thời chống Mỹ trong những năm tháng gian nan và oai hùng. Bây giờ hòn đảo ấy đã yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt.

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Chính thu. Tôi ngược quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn trở lại vùng đất Chi Lăng lịch sử. Quê tôi vốn là mảnh đất hiểm trở với dãy núi Kai Kinh sừng sững nhưng lại là thỗ nhưỡng màu mỡ tạo nên những trái na đặc sản nức tiếng.

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.