Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…

Giờ đây, diêm dân Bạc Liêu vẫn cố “chung tình” với muối, nghề được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, dù không còn dễ sống với nghề như xưa.

Giữ lửa cho nghề

Trước đây, nói đến Bạc Liêu nhiều người nghĩ ngay đến “vương quốc” của muối, bởi nơi đây vốn nổi tiếng với nghề làm muối lâu đời. Muối Bạc Liêu từng được gọi với những tên như muối Ba Thắc - từ cổ chỉ vùng đất Nam sông Hậu, rồi muối Long Điền - vùng đất sản xuất muối nhiều nhất Bạc Liêu. Nghề làm muối của Bạc Liêu từng rất phát triển, sản phẩm cấp cho cả xứ Nam Kỳ và Campuchia, Lào.

Diêm dân trên đồng muối

Diêm dân trên đồng muối

Hiện, muối Bạc Liêu không ngừng được khẳng định thương hiệu và đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian, giá trị kinh tế từ hạt muối mang lại giảm dần, lại vất vả hơn nhiều nghề khác, nên các thế hệ sau cứ xa dần với đồng muối, như bao diêm dân của các xứ muối khác trên dải đất Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm muối, tỉnh Bạc Liêu đã lên kế hoạch cho hành trình vực dậy danh tiếng muối Ba Thắc.

Về thăm xứ biển Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), sẽ có dịp được nghe câu ca vọng cổ “cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển càng yêu Gành Hào” trong bài vọng cổ “Biển cạn” của soạn giả Ngô Hồng Khanh. Không phải ngẫu nhiên hạt muối mặn mòi xứ biển lại đi vào thơ ca một cách thấm đượm đến vậy, khi nghề muối nơi đây đã có lịch sử hơn trăm năm, trở thành nghề thủ công truyền thống, truyền đời. Có gia đình nơi đây đã truyền nghề làm muối tới đời thứ 6.

Tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival muối cuối năm nay và cũng là lần đầu tiên của cả nước

Tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival muối cuối năm nay và cũng là lần đầu tiên của cả nước

Vừa chuẩn bị cải tạo ruộng muối, diêm dân Trần Việt Trung (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) cho biết, ông là đời thứ 3 của gia đình làm muối, và đang cố gắng truyền lại cho đời con và cháu. “Làm muối nói giàu cũng chưa tới, nhưng nghèo cũng không phải. Dẫu vậy, nghề truyền thống này gặp thách thức lớn nhất là giá cả và đầu ra, bởi khi được mùa lại rớt giá và khi được giá là năm mất mùa. Do vậy, diêm dân thu nhập không ổn định, không ít người bỏ ruộng, bỏ đồng muối tìm việc khác ít vất vả thu nhập lại ổn định hơn”, ông Trung nói.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm muối, diêm dân Hồ Văn Niên (ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông) tâm sự, cha ông xưa truyền dạy, con người xứ ta không thể sống thiếu gạo và muối. Bao lớp ông cha khổ cực mở mang, khai sáng ra nghề làm muối, đời con cháu cố bám trụ...

Giữ nghề di sản

Để tạo ra được hạt muối, diêm dân phải trải qua một quá trình đầy gian nan, vất vả. Bước vào mùa vụ, khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 hằng năm, diêm dân bắt đầu xổ hết lượng nước còn tích trữ trên đồng muối do mùa mưa để lại. Sau đó tiến hành sên (nạo) vét lại các con mương dẫn nước bị bồi lắng, chờ một khoảng thời gian để đồng muối khô mới lấy nước biển vào chảng (đồng) chứa. Tại đồng chứa, nước biển được lưu lại một thời gian cho bay bớt hơi nước để tăng độ mặn, sau đó mới đưa nước lên sân phơi, chờ muối kết tinh và thu hoạch.

Với các công đoạn này, để làm ra hạt muối, diêm dân phải lao động cật lực gần hai tháng rưỡi. Nếu không may trời đổ mưa lớn, xem như phần công sức cực nhọc đó mất trắng, diêm dân phải bỏ công sức làm lại từ đầu. Nghề làm muối cực nhọc vậy, nhưng nhiều diêm dân nơi đây quyết không bỏ nghề, bởi đó là nghề truyền thống, đã gắn bó với gia đình nhiều thế hệ.

Diêm dân vất vả làm ra hạt muối nhưng giá cả bấp bênh

Diêm dân vất vả làm ra hạt muối nhưng giá cả bấp bênh

Để bảo tồn và phát triển muối Ba Thắc xưa (hay Long Điền nay), năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chỉ dẫn địa lý cho muối Bạc Liêu. Tiếp đó, cuối năm 2020, nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho nghề làm muối.

Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/12/2024, tại Bạc Liêu, với chủ đề Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam. Sự kiện do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Đây là Festival đầu tiên về muối tại Việt Nam. Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu sẽ có 10 hoạt động chính như: Trải nghiệm đồng muối; khánh thành dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải (huyện Đông Hải); tổ chức tua tham quan các điểm du lịch, di tích lịch sử địa phương; các hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại cho hạt muối…

Với đồng muối rộng gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng trung bình đạt trên 27.000 tấn/năm. Muối Bạc Liêu không chỉ được tin dùng rộng rãi trong nước, còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây là thành quả của sự kết tinh hương vị của biển cả và cả những giọt mồ hôi của diêm dân trên những cánh đồng. Dù nghề muối vẫn cơ cực, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quằn mình cõng nắng, cõng cả những mặn mòi của cuộc sống trên vai.

“Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” là chủ đề của Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra cuối năm nay. Festival đầu tiên về muối sắp diễn ra, mang kỳ vọng mở hướng đi cho hạt ngọc xứ Bạc Liêu, hạt muối của Việt Nam nói chung. Viết tiếp hành trình trăm năm cho hạt muối đang được Bạc Liêu cật lực thực hiện để mở ra câu chuyện tương lai cho hạt muối và đời diêm dân.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu thực tế, nghề muối rất cơ cực, diêm dân làm cháy lưng, nhưng bán muối đen chỉ 900 đồng/kg, muối trải bạt cũng chỉ 1.200 đồng/kg. Trong khi cùng hạt muối đó, Singapore nhập về chế biến thành sản phẩm làm đẹp bán ra giá 1,8 triệu đồng/100gr (tương đương 18 triệu đồng/kg - PV). Để hiểu rằng, muốn muối trở thành mỹ phẩm phải qua công nghệ chế biến và đưa trí tuệ vào mới tạo thành.

Ông Thiều cho rằng, nếu không có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn, tìm hướng tiêu thụ tốt, và động viên diêm dân gắn bó với nghề làm muối truyền thống, chỉ trong 5-10 năm nữa sẽ không còn ai gắn bó với nghề này.

Trước mắt, diêm dân Bạc Liêu vẫn giữ tình yêu son sắt với nghề làm muối truyền thống, và hy vọng rồi đây muối Bạc Liêu sẽ không còn đối mặt với những khó khăn như hiện tại. Hạt muối sẽ được nâng cao giá trị, ổn định đầu ra để yên tâm tiếp tục gắn bó và gìn giữ nghề truyền thống bao đời trên mảnh đất đầy nắng và gió nơi xứ biển quê nhà.

Theo TÂN LỘC (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.