Mặn hơn muối…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nắng 40 độ C tưởng như vắt kiệt sức người, nhưng với diêm dân đó là lúc họ ra đồng ruộng, từng hạt muối được chắt lọc công phu xen lẫn những giọt mồ hôi chát mặn. Với họ, nắng chính là đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng để vụ muối thêm bội thu.

Càng nắng càng mừng

12 giờ trưa, trời nắng hoa mắt, ông Đào Văn Hồng (SN 1965, trú xóm 4, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng vợ ra đồng muối. Ông đội chiếc khăn tay vắt qua đầu, vừa chống nắng, vừa lau mồ hôi. Vợ ông, bà Trần Thị Lan (SN 1967) đội nón, bịt hai ba lớp khẩu trang, khăn kín mít. Giữa nắng nóng, gió thổi rát ràn rạt, khuôn mặt lão diêm dân đen bóng. Mồ hôi ướt đẫm, vừa nhỏ xuống đã mất hút vào ruộng cát.

“Nghề muối vất vả lắm. Nếu chăm chỉ, nghề này cũng giúp diêm dân có thêm đồng ra đồng vào, tuy không dư dả nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đặc thù của nghề là làm giữa trời nắng. Nắng càng to, càng gắt, dân chúng tôi càng mừng, hạt muối làm ra cũng vì thế mà đẹp, mặn mòi và trắng tinh khôi”, ông Hồng chia sẻ.

Diêm dân xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tranh thủ trời nắng để sản xuất muối

Diêm dân xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An tranh thủ trời nắng để sản xuất muối

Từ lúc 5 tuổi, ông Hồng đã quần quật trên đồng muối phụ giúp bố mẹ công việc cào muối. Lớn hơn, chàng trai diêm dân mới đủ sức khoẻ để trải qua quá trình như tưới nước biển xuống ruộng cát, phơi, cào cát, nén cát đổ nước vào để chắt thành nước khắt (nước làm ra muối).

Trên mảnh đất bằng phẳng, dưới cái nắng bỏng rát, người đàn ông thành thục với công việc truyền thống. Ông dùng cày xới đất lên, sau đó phơi cho khô hẳn rồi lại dùng bừa để đất nhỏ tơi, mịn như bột. Đất ấy được cho vào giát rồi nện chặt, múc nước mặn đổ vào. Nước mặn chảy qua giát thành nước khắt, được đưa vào trữ trong các giếng để phơi dần.

“Dưới sức nóng của mặt trời, những ô nước có đủ độ mặn sẽ kết tinh thành hạt muối. Nói thì nghe chừng đơn giản nhưng để làm ra được hạt muối phải trải qua nhiều công đoạn, phơi lưng ngoài đồng, quần quật cả ngày. Mỗi năm, nghề làm muối kéo dài được 4 - 5 tháng, bắt đầu từ tháng 2 âm lịch. Năm nào hạn hán, nắng to, mùa làm muối có thể kéo dài đến tháng 7 âm lịch. Không chạy đua với trời không được”, ông Hồng cho hay.

Gần 70 tuổi, lưng đã còng, bà Trần Thị Hòa vẫn bám ruộng làm muối

Gần 70 tuổi, lưng đã còng, bà Trần Thị Hòa vẫn bám ruộng làm muối

Ông Đào Văn Hồng thu hoạch muối giữa nắng nóng như đổ lửa

Ông Đào Văn Hồng thu hoạch muối giữa nắng nóng như đổ lửa

Xa xa, bà Trần Thị Hòa (SN 1954, trú xóm 4, xã Quỳnh Thuận) ngồi nương theo bóng râm trước kho muối uống nước. Mồ hôi đẫm trán, chảy xuống mặt, cổ. Gần 70 năm làm cư dân làng muối, đồng nghĩa với việc bà Hòa đã đi qua gần 70 mùa hè khắc nghiệt, nhưng chưa bao giờ bà thử đo nhiệt độ cánh đồng muối lúc ban trưa, chỉ biết rằng, mồ hôi đổ càng nhiều, nắng càng rát mặt thì càng thu hoạch được nhiều muối.

Bà bảo: “Người cứ gọi là quắt cả lại...”. Bà Hòa có 4 người con thì không ai theo nghề làm muối. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, lưng đã còng, người đàn bà ấy vẫn lặng lẽ ra đồng mỗi ngày, phơi mình dưới cái nắng cháy da, vắt kiệt mồ hôi để làm muối. Nghề muối vất vả, cực nhọc, giá muối lại quá thấp nên những người như bà, không có việc gì làm mới phải bám trụ. “Nghề muối bao nỗi gian truân, khi trời nắng to, người ta nghỉ ngơi mình lại ra đồng làm liền tay, liền chân”, bà lão rầu rầu.

Trông trời, trông đất…

Giữa trưa nắng oi ả, trên cánh đồng muối xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, hàng trăm diêm dân đang hối hả làm việc. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm vì cháy nắng, bà Hồ Thị Huệ (SN 1970) cho hay, nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bà và những diêm dân khác luôn thấp thỏm canh nắng, canh mưa, túc trực ngoài ruộng. “Được mùa cũng nhờ ông trời, thất bát cũng tại ông trời. Có những năm, vào mùa muối mới thu hoạch được vài đợt thì mưa như trút nước, phút chốc những cánh đồng muối trở thành biển nước trắng xóa, mênh mông, bà con diêm dân chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn”, bà Huệ tâm sự.

Hơn 40 năm làm nghề muối, bà Huệ cho biết, để làm ra được một mẻ muối phải trải qua nhiều công đoạn nhọc nhằn, vất vả, trần ai. “Nghề muối phụ thuộc vào những “con nắng”, việc tiêu thụ lại bấp bênh. Nhưng giờ nếu không làm muối thì chúng tôi cũng không biết làm gì, vì không có đất nông nghiệp, không có nghề phụ”, bà Huệ thở dài.

Sản xuất muối vất vả, cực nhọc, thu nhập thấp nên trên những cánh đồng muối chỉ còn người lớn tuổi bám trụ

Sản xuất muối vất vả, cực nhọc, thu nhập thấp nên trên những cánh đồng muối chỉ còn người lớn tuổi bám trụ

Khoảng 15 giờ, muối kết tinh, thời điểm này, diêm dân hối hả bắt tay vào công đoạn thu hoạch. Từng ô muối trắng tinh như những “hạt ngọc” được diêm dân cẩn thận gom lại. Theo nhiều diêm dân, giá muối nhiều năm nay vẫn chưa thoát khỏi sự phập phù, lên xuống. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn cứ luẩn quẩn.

“Người ta nói vui nghề muối làm một ngày ăn cả năm nhưng giá cả như hiện nay thì diêm dân không đủ sống. Vì thế mà lớp trẻ khi học hết phổ thông, nếu không học đại học, cao đẳng thì đều vào miền Nam lập nghiệp, trên cánh đồng muối bây giờ chỉ còn bóng dáng của những người già. Biết là làm muối thu nhập không cao, nhưng tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn không nỡ bỏ, vì muốn giữ nghề truyền thống của cha ông”, ông Hồ Văn Sơn (SN 1965) chia sẻ.

Hạt muối trắng mặn mòi là kết tinh hương vị của biển cả và những giọt mồ hôi chát mặn của diêm dân. Bao đời nay, họ vẫn oằn mình cõng nắng, cõng cả những vất vả của cuộc sống trên vai. Với họ, làm muối không chỉ có thu nhập mà còn để lưu giữ nghề truyền thống...

Ông Bùi Xuân Điện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ muối Thắng Lợi (xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) cho biết, đơn vị có diện tích sản xuất muối lớn với hơn 110ha, 818 xã viên. Mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 12.000 tấn muối. “Nghề muối thu nhập không cao, ưu thế là tận dụng được lao động, nhất là lao động già yếu, phụ nữ… Còn thanh niên trai tráng hay những người trong độ tuổi lao động đi tìm công việc khác, có thu nhập hơn. Với giá muối hiện tại, trong điều kiện nắng to, sức lao động thanh niên tính ra chỉ kiếm được từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày thì bám vào nghề muối sống sao được?”, ông Điện chua chát.

Với hơn 600ha làm muối, Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích làm muối lớn nhất tỉnh Nghệ An, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 50 nghìn tấn muối. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất muối, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách hỗ trợ diêm dân như cải tiến chắt lọc, hỗ trợ bạt ni lông để thay đổi phương thức từ sản xuất muối phơi cát truyền thống sang sản xuất muối phơi bạt. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ từ sản xuất, chế biến nhưng nghề sản xuất muối truyền thống đang đứng trước nguy cơ mất dần lao động.

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.