Và, những hạt muối ấy tựa mạch nguồn chảy mãi như tiếng lòng của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Như vị muối chung lòng biển mặn/Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.
Mỗi dịp giỗ chạp, tôi lại thấy hình ảnh quen thuộc của đĩa muối nhỏ trên mâm cúng gia tiên. Và có lẽ, hình ảnh ấy từ lâu cũng trở nên thân quen trong mỗi nếp nhà của người dân đất Việt. Điều này không quá ngạc nhiên vì những hạt muối lấp lánh ấy là bao câu chuyện cuộc đời. Hạt muối tuy nhỏ bé nhưng lại có vị trí quan trọng trong đời sống.
Người làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) làm muối trên trảng đá. Ảnh: N.T.D |
Hạt muối đâu chỉ là “muối mặn tình đời” như ta vẫn nghĩ đến. Nhắc đến muối, người ta hồi nhớ đến buổi sơ khai con người đã biết đến tinh thể rắn được cô đọng kết tinh để ứng dụng trong đời sống. Từ câu tục ngữ thấm đẫm bài học làm người “Cá không ăn muối cá ươn” đến lời ý nhị, hàm chứa ân tình “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Nguyễn Khoa Điềm) cho ta thấy, cuộc đời không phải lúc nào cũng ngọt ngào, đôi khi chúng ta phải nếm trải những nỗi buồn, thất bại và khó khăn.
Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, kết tinh từ những giọt nước biển mặn mòi, mỗi hạt muối là một phần của biển cả, mang trong mình vị mặn của nước mắt, của mồ hôi và sự biến thiên của thời gian. Khi chạm vào đầu lưỡi, hạt muối thức tỉnh giác quan, làm ta nhận ra sự hiện diện của những vị đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống.
Ngoài công dụng trong thực phẩm, thì trước đó, con người đã biết dùng muối để “bảo hiểm” cho cuộc sống vốn nhiều rủi ro. Tôi vẫn thường nghe má kể, người làng vẫn thường truyền nhau kinh nghiệm đi đâu xa nhất định có hạt muối kề bên. Khi thấy mệt và khát nước thì ngậm một hạt muối trong miệng. Nghe có vẻ phi lý vì hạt muối mặn mòi làm sao có thể đánh tan cơn khát. Nhưng thực ra, nếu ra mồ hôi nhiều, cơ thể bị mất muối thì hạt muối sẽ là vị cứu tinh trên đường xa vạn nẻo.
Vậy đó, hạt muối đã theo bao lớp người trên dặm dài xa ngái, khi tứ xứ làm ăn, khi chuyển dời đời sống, muối theo họ trên hành trình vạn nẻo.
Ở quê tôi, nhà nào cũng có một bịch muối được treo ngay trong bếp. Ngoài sự tiện lợi khi nấu nướng, muối được bảo quản trong bếp sẽ không bị chảy nước. Người làng tôi vẫn giữ thói quen cho đến cuối đời, là mỗi khi nhìn xuống mâm cơm lúc nào cũng phải có một đĩa muối trắng thì mới bưng chén cơm mà ăn được. Thời kỳ gian khổ, có bát cơm nóng rắc một chút muối đã là bữa cơm đáng giá rồi. Má tôi vẫn thường nhắc: Vị chua vị chát thì có thể thiếu được, chứ thiếu vị mặn coi như mất nửa phần đời.
Cũng vì thỏa mãn sự hiếu kỳ về hạt muối, hôm lang thang trong Thư viện tỉnh, tôi đã tìm đọc tài liệu về sự giao thương hạt muối. Mới hay, hạt muối hiện diện từ rất lâu, không chỉ ở đồng bằng mà còn ngược ngàn gắn kết với cộng đồng người Tây Nguyên. Mới biết rằng, một thời, ông cha ta băng rừng, dấu chân len lỏi và không mệt mỏi đã gùi sản vật từ miền núi xuống miền biển để cõng về những gùi muối nặng ân tình.
“Cung đường muối” cũng từ đó mà xuất hiện. Vượt núi, men theo các đỉnh đèo, di chuyển xuống đồng bằng mà giao thương hàng hóa trong những cuộc mua bán theo phương thức vật đổi vật. Hay khi đọc lại tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi đã rơi nước mắt khi ông kể về những cơn “đói muối” trên đất Tây Nguyên xưa.
Mới đây trên một nền tảng số, chúng ta nhận được sự quan tâm, chia sẻ, bàn luận từ câu chuyện của giáo sư người Pháp gốc Việt Phan Văn Trường, khi ông đề cập về chủ đề sự tự tin của người Việt. Tôi thấy thú vị và bổ ích. Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng: Người Việt từ chối tủ lạnh “văn minh” để được “hạnh phúc”.
Khoan bàn đến sự đúng-sai hay cơ sở khoa học với những luồng ý kiến khác nhau mà tôi chỉ muốn nói đến sự thú vị qua câu chuyện của ông, khi những món đồ tươi sống cổ truyền mang ngay từ chợ vào bếp mà không sợ tẩm ướp hóa chất bảo quản. Điều này cũng đúng đó chứ. Đúng hơn nếu ta ghi nhận vai trò của hạt muối trong việc ướp, bảo quản thực phẩm.
Câu chuyện của Giáo sư Phan Văn Trường không phải một đoạn cắt cúp lan truyền trên mạng mà là câu chuyện của những gì rất tự nhiên, của bao thứ vốn dĩ bình dị, thân quen như hạt muối.
Má tôi, một người đàn bà chất quê thấm đẫm vẫn giữ thói quen ăn uống cũ, nồi canh chỉ cần nêm hạt muối cũng đã ngon, chứ không nêm gia vị được đóng gói bày bán la liệt tại các chợ, siêu thị. Dường như từ buổi sơ khai, mẹ thiên nhiên đã tính toán, lo liệu cho con người hết thảy. Nên cơn cớ gì con người cứ mãi kiếm tìm những điều mà chưa chắc đời họ đã cần đến nó.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân, ta nhớ đến chỉ có một bữa cơm muối “để đời” như ông từng ăn và mô tả thì khó bắt gặp vô cùng. Ngay cả khi các đầu bếp nổi danh của phương Tây lên truyền hình nấu ăn, họ cũng luôn dùng 2 thứ gia vị chính là muối và hạt tiêu.
Nhiều lần, tôi thử đứng trước những cánh đồng muối để tìm cho được vẻ đẹp lấp lánh trong những câu chuyện về đời muối. Khi đến làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết nơi người dân làm muối trên các trảng đá cổ và cũng là nơi phát tích nghề muối có niên đại khoảng 2.000 năm.
Tôi đã ngắm nhìn những hạt muối thật lâu, những hạt muối trắng nhưng nhức thứ ánh sáng diệu kỳ trong ký ức tuổi thơ tôi. Những hạt muối đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao người và chứa đựng cả một đại dương yêu thương.
Và, những hạt muối ấy như mạch nguồn chảy mãi như tiếng lòng của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Như vị muối chung lòng biển mặn/Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”.