Chính phủ Israel trước nguy cơ tan rã

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị tại Israel đối với đề xuất mới của Mỹ về xung đột tại Dải Gaza có nguy cơ khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sụp đổ.

Trưởng cố vấn của Thủ tướng Israel về chính sách đối ngoại Ophir Falk hôm qua (2.6) đưa ra những phản ứng mới đối với đề xuất mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 31.5 về việc chấm dứt xung đột Hamas - Israel. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden vạch ra kế hoạch gồm 3 giai đoạn, trong đó phần đầu tiên là thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, Israel sẽ rút lực lượng khỏi khu vực đông dân ở Gaza và chuyển hàng viện trợ đến dải đất này. Các giai đoạn sau là rút quân hoàn toàn, ngừng bắn lâu dài và tái thiết Dải Gaza. Các con tin sẽ được thả theo từng giai đoạn.

Thủ tướng Israel: Không có ngừng bắn ở Gaza cho đến khi Hamas bị tiêu diệt

Ông Netanyahu bị cảnh báo

Trả lời báo Sunday Times, ông Falk cho biết có rất nhiều chi tiết trong thỏa thuận cần được tính toán, bao gồm việc sẽ không có ngừng bắn lâu dài cho đến khi toàn bộ mục tiêu của Israel được hoàn thành. Vị cố vấn lặp lại quan điểm trước đó của Thủ tướng Netanyahu rằng điều kiện chấm dứt chiến sự của Israel vẫn không thay đổi, đó là thả toàn bộ con tin và tiêu diệt Hamas. Mặc dù vậy, ông Falk lưu ý Israel vẫn không bác bỏ đề xuất của Tổng thống Biden khi nói "đó không phải là thỏa thuận tốt nhưng chúng tôi thật sự muốn toàn bộ con tin được thả".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) đến quốc hội dự họp hôm 20.5. Ảnh Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) đến quốc hội dự họp hôm 20.5. Ảnh Reuters

Đã có những chia rẽ tại Israel liên quan đề xuất mới. Hai Bộ trưởng Bezalel Smotrich và Itamar Ben-Gvir, lãnh đạo hai đảng cực hữu tại Israel, cảnh báo sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền của ông Netanyahu để khiến chính phủ tan rã nếu vị thủ tướng chấp nhận thỏa thuận, chấm dứt chiến sự trong khi chưa tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Ngược lại, lãnh đạo đối lập Yair Lapid hứa sẽ đảm bảo an toàn cho chính phủ nếu ông Netanyahu đồng ý với thỏa thuận.

Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz, lãnh đạo một đảng khác trong liên minh cầm quyền, cũng cảnh báo rút ra nếu ông Netanyahu không đưa ra quyết định chiến lược trước ngày 8.6. Theo tờ The Times of Israel, chính phủ sẽ không sụp đổ nếu chia tay đảng của ông Gantz, song lời cảnh báo của vị bộ trưởng gia tăng áp lực lên Thủ tướng Netanyahu trong bối cảnh người dân Israel không ngừng biểu tình đòi giải cứu con tin và lãnh đạo chính phủ từ chức.

Có gì trong kế hoạch ngừng bắn Gaza 'tốt nhất' ông Biden vừa giới thiệu?

Các bên trung gian hối thúc

Trong một tuyên bố chung hôm 1.6, các bên trung gian gồm Ai Cập, Mỹ và Qatar kêu gọi Hamas và Israel hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin theo những nguyên tắc được Tổng thống Biden vạch ra. Reuters đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với những người đồng cấp của 3 nước trong khu vực gồm Ai Cập, Qatar và UAE để vận động ủng hộ đề xuất; trong khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hy vọng diễn biến mới sẽ dẫn đến thỏa thuận giữa các bên cho hòa bình lâu dài. Hamas đã phản ứng tích cực với động thái của Mỹ nhưng nhấn mạnh sẽ không thể có thỏa thuận nào cho đến khi Israel rút quân toàn bộ và ngừng bắn.

Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ

Người phát ngôn Yahya Saree của Houthi hôm qua thông báo trên mạng xã hội X rằng lực lượng này đã phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower

và một tàu khu trục của Mỹ cùng với 4 tàu thương mại tại biển Đỏ và biển Ả Rập. Houthi tuyên bố đó là vụ tấn công thứ hai nhắm vào tàu sân bay Mỹ trong 24 giờ và nói rằng hành động này nhằm đáp trả sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel. Trong một thông báo sau đó, quân đội Mỹ cho hay đã ngăn chặn một UAV và 2 tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi tại biển Đỏ. Các tên lửa được phóng về phía tàu khu trục USS Gravely nhưng bị đánh chặn thành công.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".