“Rừng đói”: Thêm một góc nhìn về chiến tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Tôi đọc tiểu thuyết “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân khá muộn, khi nó được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản (quý I-2024), tức là muộn mất 8 năm so với lúc sách được ấn hành lần đầu (năm 2016).

Tôi đọc gần 200 trang sách khổ 12x20 cm trong một đêm. Có lúc nước mắt tự lăn, có lúc lại bật cười rúc rích không thể kìm được. Tôi cảm “Rừng đói” theo cách riêng của một người học sử, làm sử và nghiên cứu văn hóa.

“Rừng đói” hút tôi từ dòng chữ đầu tiên in trên trang bìa gấp: “Cuốn sách này tôi viết tặng những người lính sinh viên đã ra trận cùng tôi năm 1972”. Kết thúc cuốn sách là 34 cái “trích ngang” về những người thật trong tiểu đoàn lính sinh viên cùng vài nét để người đọc hình dung về cuộc sống của các anh hôm nay hoặc nơi anh nằm lại trên chiến trường cùng những lời “gan ruột” của tác giả: “Những cái tên tôi kể trong cuốn truyện này là họ tên thật. Cả những người đã hy sinh và những người còn sống…”.

Như vậy, dù là tiểu thuyết, nhưng “Rừng đói” cũng là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá, hiếm gặp để những người quan tâm có thể tham khảo cho giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm trong lịch sử dân tộc.

Bìa tiểu thuyết “Rừng đói”. Ảnh: N.T.K.V

Bìa tiểu thuyết “Rừng đói”. Ảnh: N.T.K.V

Với “Rừng đói”, tác giả đã giãi bày về đời sống bi hùng, sinh động của tiểu đoàn lính sinh viên lên đường ra chiến trường năm 1972. Họ nằm trong số những con người mà từ lâu tôi đã vô cùng ngưỡng mộ. Tư liệu từ nhiều nguồn cho biết, để cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam giành thắng lợi, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã huy động rất nhiều tân binh.

Trong số những người lên đường ra trận vào mùa hè “nóng bỏng” ấy, có gần 10 ngàn sinh viên và giảng viên trẻ của 30 trường đại học, cao đẳng trên toàn miền Bắc. Trong số các anh, có nhiều người sau cuộc chiến là thầy dạy tôi ở giảng đường đại học; có người là “anh thầy” của tôi (tôi hay gọi đùa thế vì họ kiên quyết không cho tôi gọi bằng thầy).

Nhân vật trong “Rừng đói” vốn là sinh viên của các ngành: Cơ điện, Y khoa, Sư phạm, Nông nghiệp cùng 2 giảng viên trẻ của các trường đại học đóng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Việt Bắc). Khi vào bộ đội, họ được biên chế vào một tiểu đoàn. Trong tiểu đoàn này, về cơ bản, biên chế của mỗi đại đội là sinh viên của một trường đại học.

Không gian của “Rừng đói” là chiến trường B3 (Tây Nguyên) trong những năm 1972-1975. Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn lính sinh viên trên chiến trường không phải là đi “chiến đấu thống nhất non sông” như lý tưởng đã thôi thúc các anh khi giã từ giảng đường, mà là sang bên kia sông Pô Kô-nơi quân giải phóng mượn đất bạn Campuchia mở đường 559-để... “mót sắn” (do những đơn vị đi trước cắm hom), gọt, phơi khô sắn… chuyển về cứu đói cho bộ đội “bên nhà”.

Có lẽ “cứu đói cho bộ đội bên nhà” là động cơ để các anh lính sinh viên vượt qua mọi khó khăn, nhất là chiến đấu với chính cái đói.

Qua từng dòng, từng trang viết, Nguyễn Trọng Luân cho người đọc thấm thế nào là đói. Những người đi “mót sắn” cứu đói cũng đói “rã họng”. Các anh không chỉ đói ăn, mà còn đói muối, đói thuốc rê…

Rồi cũng từ đói mà sau khi hết cả quần đùi, áo lót, bắt đầu “lòi” ra những thứ quý giá nhất “chẳng giống ai” vốn được các chàng trai sinh viên lãng mạn, cất kỹ dưới đáy ba lô mang vào chiến trường như ảnh các bạn gái cùng lớp, ảnh các diễn viên điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng Ái Vân, Thanh Loan, Thu Hiền… cũng lần lượt bị đồng đội tìm cách “moi” ra, biến thành “vật ngang giá” để đem vào làng đổi gà, đổi gạo…

Lần qua từng trang, bên cạnh những khốc liệt bám đuổi người lính thời chiến, người đọc có lúc lại bật cười khi gặp đoạn tác giả mô tả về nỗi khổ của anh đại đội trưởng trình độ lớp 7 phải lãnh đạo đám lính sinh viên lắm lời, nhiều lý; tiểu đội lính “tồng ngồng” gùi sắn qua sông Pô Cô trong đêm… Cũng có những trang sách khiến tôi rơi nước mắt vì phải vĩnh biệt một chiến sĩ sinh viên, khi mãi mãi nằm lại rừng thẳm Campuchia lúc nồi cháo đồng đội nấu cho anh còn chưa kịp chín…

Trong “Rừng đói”, người Gia Lai còn gặp những địa danh như: Pô Cô, khu 5 (nay là huyện Chư Prông), Đức Cơ, Phú Nhơn… Bên cạnh những mất mát, hy sinh của người lính thời chiến, tác giả Nguyễn Trọng Luân đã cho người đọc hiểu thêm một góc nhìn khác về chiến tranh, về những người “lính sinh viên” lên đường năm 1972 và cuộc sống của họ, về những địa danh thật gần gũi với Gia Lai và của Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.