Tôi đọc gần 200 trang sách khổ 12x20 cm trong một đêm. Có lúc nước mắt tự lăn, có lúc lại bật cười rúc rích không thể kìm được. Tôi cảm “Rừng đói” theo cách riêng của một người học sử, làm sử và nghiên cứu văn hóa.
“Rừng đói” hút tôi từ dòng chữ đầu tiên in trên trang bìa gấp: “Cuốn sách này tôi viết tặng những người lính sinh viên đã ra trận cùng tôi năm 1972”. Kết thúc cuốn sách là 34 cái “trích ngang” về những người thật trong tiểu đoàn lính sinh viên cùng vài nét để người đọc hình dung về cuộc sống của các anh hôm nay hoặc nơi anh nằm lại trên chiến trường cùng những lời “gan ruột” của tác giả: “Những cái tên tôi kể trong cuốn truyện này là họ tên thật. Cả những người đã hy sinh và những người còn sống…”.
Như vậy, dù là tiểu thuyết, nhưng “Rừng đói” cũng là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá, hiếm gặp để những người quan tâm có thể tham khảo cho giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm trong lịch sử dân tộc.
Bìa tiểu thuyết “Rừng đói”. Ảnh: N.T.K.V |
Với “Rừng đói”, tác giả đã giãi bày về đời sống bi hùng, sinh động của tiểu đoàn lính sinh viên lên đường ra chiến trường năm 1972. Họ nằm trong số những con người mà từ lâu tôi đã vô cùng ngưỡng mộ. Tư liệu từ nhiều nguồn cho biết, để cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam giành thắng lợi, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã huy động rất nhiều tân binh.
Trong số những người lên đường ra trận vào mùa hè “nóng bỏng” ấy, có gần 10 ngàn sinh viên và giảng viên trẻ của 30 trường đại học, cao đẳng trên toàn miền Bắc. Trong số các anh, có nhiều người sau cuộc chiến là thầy dạy tôi ở giảng đường đại học; có người là “anh thầy” của tôi (tôi hay gọi đùa thế vì họ kiên quyết không cho tôi gọi bằng thầy).
Nhân vật trong “Rừng đói” vốn là sinh viên của các ngành: Cơ điện, Y khoa, Sư phạm, Nông nghiệp cùng 2 giảng viên trẻ của các trường đại học đóng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Việt Bắc). Khi vào bộ đội, họ được biên chế vào một tiểu đoàn. Trong tiểu đoàn này, về cơ bản, biên chế của mỗi đại đội là sinh viên của một trường đại học.
Không gian của “Rừng đói” là chiến trường B3 (Tây Nguyên) trong những năm 1972-1975. Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn lính sinh viên trên chiến trường không phải là đi “chiến đấu thống nhất non sông” như lý tưởng đã thôi thúc các anh khi giã từ giảng đường, mà là sang bên kia sông Pô Kô-nơi quân giải phóng mượn đất bạn Campuchia mở đường 559-để... “mót sắn” (do những đơn vị đi trước cắm hom), gọt, phơi khô sắn… chuyển về cứu đói cho bộ đội “bên nhà”.
Có lẽ “cứu đói cho bộ đội bên nhà” là động cơ để các anh lính sinh viên vượt qua mọi khó khăn, nhất là chiến đấu với chính cái đói.
Qua từng dòng, từng trang viết, Nguyễn Trọng Luân cho người đọc thấm thế nào là đói. Những người đi “mót sắn” cứu đói cũng đói “rã họng”. Các anh không chỉ đói ăn, mà còn đói muối, đói thuốc rê…
Rồi cũng từ đói mà sau khi hết cả quần đùi, áo lót, bắt đầu “lòi” ra những thứ quý giá nhất “chẳng giống ai” vốn được các chàng trai sinh viên lãng mạn, cất kỹ dưới đáy ba lô mang vào chiến trường như ảnh các bạn gái cùng lớp, ảnh các diễn viên điện ảnh, ca sĩ nổi tiếng Ái Vân, Thanh Loan, Thu Hiền… cũng lần lượt bị đồng đội tìm cách “moi” ra, biến thành “vật ngang giá” để đem vào làng đổi gà, đổi gạo…
Lần qua từng trang, bên cạnh những khốc liệt bám đuổi người lính thời chiến, người đọc có lúc lại bật cười khi gặp đoạn tác giả mô tả về nỗi khổ của anh đại đội trưởng trình độ lớp 7 phải lãnh đạo đám lính sinh viên lắm lời, nhiều lý; tiểu đội lính “tồng ngồng” gùi sắn qua sông Pô Cô trong đêm… Cũng có những trang sách khiến tôi rơi nước mắt vì phải vĩnh biệt một chiến sĩ sinh viên, khi mãi mãi nằm lại rừng thẳm Campuchia lúc nồi cháo đồng đội nấu cho anh còn chưa kịp chín…
Trong “Rừng đói”, người Gia Lai còn gặp những địa danh như: Pô Cô, khu 5 (nay là huyện Chư Prông), Đức Cơ, Phú Nhơn… Bên cạnh những mất mát, hy sinh của người lính thời chiến, tác giả Nguyễn Trọng Luân đã cho người đọc hiểu thêm một góc nhìn khác về chiến tranh, về những người “lính sinh viên” lên đường năm 1972 và cuộc sống của họ, về những địa danh thật gần gũi với Gia Lai và của Gia Lai.