Rà soát, điều chỉnh danh mục dự án kêu gọi đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2022 đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng lại danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh cho phù hợp, trong đó, các dự án phải gắn với thế mạnh của tỉnh, của từng địa phương hoặc lĩnh vực còn thiếu.

Nhiều dự án kêu gọi không thành công

Theo báo cáo của HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh đã ban hành 7 quyết định phê duyệt danh mục kêu gọi đầu tư với 430 dự án và đã có 217 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đến tháng 3-2023, toàn tỉnh có 228 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, tại các huyện, thị xã, thành phố có 192 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 78.994,64 tỷ đồng (100 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 92 dự án đang triển khai); tại Khu Công nghiệp Trà Đa và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 36 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.284,9 tỷ đồng.

Theo nhận xét của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt tại cuộc họp tổng kết đợt giám sát tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2018-2022 (diễn ra cuối tháng 3-2023): “Số lượng các dự án triển khai trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt chiếm tỷ lệ thấp, dự án đưa vào danh mục nhiều nhưng không kêu gọi được đầu tư, không hiệu quả”.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan Nhà máy chế biến hoa quả của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: H.D

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan Nhà máy chế biến hoa quả của Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: H.D

Minh chứng là trong giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh chỉ có 217/430 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, số dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi đầu tư thành công còn ít so với danh mục dự án kêu gọi đầu tư (Đức Cơ 0/12 dự án, Mang Yang 6/31 dự án, Đak Pơ 3/15 dự án, An Khê 9/25 dự án, Chư Păh 14/35 dự án, Đak Đoa 9/29 dự án, Chư Sê 4/14 dự án…). Do nhiều nguyên nhân mà có những dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của địa phương nhiều năm song vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-dẫn chứng: “Huyện đã đưa các dự án chợ vào danh mục kêu gọi đầu tư. Nhưng qua nhiều năm, các dự án này vẫn chưa thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nào”.

Một số dự án đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát nhưng chậm triển khai các bước tiếp theo, cũng không thông báo lại cho chính quyền địa phương; đồng thời, do vướng một số quy định nên không thể hủy kết quả sơ tuyển của chủ đầu tư khiến dự án kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực. Điển hình như Dự án Trung tâm sản xuất hạt giống, rau sạch ứng dụng công nghệ cao và Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Gào, TP. Pleiku.

Cũng có một số dự án sau khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng nhà đầu tư triển khai không đảm bảo tiến độ như: Dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột (làng Nang, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) chưa triển khai, chưa thuê đất và dừng hoạt động; Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn và Nhà máy chế biến phân vi sinh (huyện Chư Prông) đến hết quý I-2023 vẫn chưa triển khai xây dựng.

Xây dựng lại danh mục kêu gọi đầu tư

Nhằm nâng cao hiệu quả các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 254/NQ-HĐND về kết quả giám sát tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2018-2022. Trong đó, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, phải rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2018-2022 đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng lại danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh cho phù hợp, trong đó, các dự án phải gắn với thế mạnh của tỉnh, của từng địa phương hoặc lĩnh vực còn thiếu. Các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018-2022 nhưng quá hạn thời gian, không đề nghị gia hạn thì đề nghị thu hồi, kể cả dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư và dự án ngoài danh mục kêu gọi đầu tư.

Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao (xã Gào, TP. Pleiku) bỏ hoang nhiều năm nhà đầu tư không triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: Hà Duy

Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao (xã Gào, TP. Pleiku) bỏ hoang nhiều năm nhà đầu tư không triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ảnh: Hà Duy

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho hay: “Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát danh mục dự án thu hút đầu tư đã được phê duyệt và danh mục dự án bổ sung mới. Qua rà soát các danh mục dự án thu hút đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở đề xuất giữ lại 17 dự án để tiếp tục thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025 gồm: 14 dự án lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; 1 dự án lĩnh vực nông-lâm nghiệp; 2 dự án lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và du lịch.

Đồng thời, loại bỏ 199 dự án ra khỏi danh mục gồm: 31 dự án lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; 64 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; 53 dự án lĩnh vực công nghiệp năng lượng; 40 dự án lĩnh vực nông-lâm nghiệp; 11 dự án lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và du lịch. Sở cũng đề xuất bổ sung 48 dự án mới để thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025 gồm: 33 dự án lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; 2 dự án lĩnh vực nông-lâm nghiệp và 13 dự án lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và du lịch”.

Cũng theo ông Hòa, lý do loại bỏ 199 dự án là bởi vướng mắc về nguồn gốc đất hoặc không khả thi vì chưa thể giải phóng mặt bằng; các dự án năng lượng tái tạo chưa được phê duyệt danh mục dự án Quy hoạch điện VIII; các dự án công nghiệp chế biến không thuộc diện bổ sung vào danh mục thu hút đầu tư theo Điều 1, Mục I-Phần B của Công văn số 2631/SKHĐT-DN ngày 18-8-2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình đăng ký, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

“Trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố và căn cứ theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản công..., đồng thời đảm bảo sau khi danh mục được phê duyệt phải triển khai được ngay, không còn khó khăn, vướng mắc, Sở đã tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét công bố 14 danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025. Với 51 danh mục dự án còn lại, Sở sẽ phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương xác định hình thức thực hiện dự án, báo cáo xin chủ trương thống nhất của UBND tỉnh để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).