Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch:

Tuyệt đối không chạy theo thành tích trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 6-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (2021-2023).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Duy Định chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia phải thực chất, không chạy theo thành tích. Ảnh: Mộc Trà
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia phải thực chất, không chạy theo thành tích. Ảnh: Mộc Trà

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 68% trường học đạt chuẩn quốc gia. Sau 3 năm, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, năm 2021, Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh công nhận 51 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (công nhận mới 30 trường, công nhận lại 21 trường), đạt và vượt chỉ tiêu do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao (54,33%). Năm 2022, Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh công nhận 52 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (công nhận mới 35 trường, công nhận lại 17 trường), đạt và vượt chỉ tiêu do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao (59,16%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh xem xét công nhận 15 trường đạt chuẩn quốc gia (4 trường công nhận mới, 11 trường công nhận lại); phấn đấu đến cuối năm trình UBND tỉnh xem xét công nhận mới cho 28 trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu được giao (63.4%).

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã được các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 449/759 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 59,16%). Trong đó, bậc mầm non có 151/265 trường (chiếm 56,98%), Tiểu học có 132/209 trường (chiếm 63,16%), THCS có 144/234 trường (chiếm 61,54%) và THPT có 22/51 trường (chiếm 43,14%).

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Các trường học đạt chuẩn đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; thực hiện hiệu quả đề án ngoại ngữ, tin học, tăng cường tổ chức bán trú cho học sinh, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú nhằm tăng cường giáo dục đạo đức và các kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. 100% trường đạt chuẩn quốc gia được trang bị máy tính kết nối mạng Internet để phục vụ việc quản lý, giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.

Việc huy động xã hội hóa cơ bản được thực hiện bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với các đối tượng, khuyến khích sự góp công sức của người dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học. Công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo đã dần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay…

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như: Việc công nhận lại trường chuẩn và giữ chuẩn gặp rất nhiều khó khăn vì các quy định mới của Bộ GD-ĐT yêu cầu cao hơn. Hầu hết các trường đạt chuẩn trước đây theo tiêu chuẩn cũ nên các điều kiện cơ sở vật chất không còn đáp ứng với tiêu chuẩn mới dẫn đến tình trạng nợ một số tiêu chí, tiêu chuẩn; nhiều trường đã quá thời hạn công nhận lại (cá biệt có trường quá hạn 5-7 năm) nhưng chưa đề nghị đánh giá công nhận lại.

Mặt khác, với nguồn kinh phí được đầu tư còn hạn chế, nhiều địa phương cũng gặp khó về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quỹ đất của một số trường để xây dựng bổ sung cơ sở vật chất còn thiếu. Nhiều trường có số lượng trẻ, học sinh trên lớp vượt quá nhiều so với quy định; tình trạng thừa-thiếu cục bộ, mất cân đối về đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học vẫn tồn tại. Công tác đánh giá, kiểm tra, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia chưa kiên quyết, còn cho nợ tiêu chí…

Hội nghị cũng lắng nghe một số địa phương chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; từ đó, bàn thảo và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại diện lãnh đạo các địa phương tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Đại diện lãnh đạo các địa phương tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định rõ quan điểm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là phải đảm bảo thực chất bằng định lượng, tuyệt đối không chạy theo số lượng để đạt thành tích. Theo đó, đơn vị trường học đó phải đạt chuẩn về cơ sở giáo dục, về giáo viên, cán bộ quản lý và cả về chất lượng đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng với Sở GD-ĐT rà soát lại việc cụ thể hóa Quyết định số 138/QĐ-UBND ngày 29-1-2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai cũng như thực trạng qua gần 2 năm triển khai thực hiện đúng tinh thần đi vào thực chất. Trong đó, chú trọng phân tích việc đảm bảo được cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các em học sinh, đảm bảo chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đối với các tiêu chí phụ còn lại, Sở GD-ĐT và các địa phương cũng cần rà soát để chia sẻ với nhau theo hướng tối thiểu. Cụ thể: Thống nhất công tác y tế trường học sẽ giao cho Trạm Y tế ở địa phương đó đảm đương; UBND tỉnh sẽ giao Sở Nội vụ tham mưu chỉ đạo chung và tính toán cơ chế, chính sách phù hợp. Tạm thời 1 kế toán sẽ làm kế toán trường học cho 1 địa bàn cấp xã; đối với các trường có tổ chức bán trú hoặc nội trú thì phải có kế toán riêng; nếu trường nào đã có kế toán hợp đồng, đề nghị lãnh đạo UBND cấp huyện chỉ đạo tiếp tục cho tuyển dụng để tham mưu công tác quản lý, điều hành tài chính cho đơn vị. Đối với các vị trí khác, đề nghị Sở GD-ĐT rà soát, tổng hợp lại để có hướng dẫn thống nhất chung trên toàn tỉnh.

Sau hội nghị, UBND cấp huyện rà soát và có báo cáo UBND tỉnh về dự kiến kết quả đạt được về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trong năm 2023 và kế hoạch trong giai đoạn còn lại của đơn vị, địa phương. Đồng thời, rà soát toàn bộ các trường học đã được công nhận chuẩn đang trong giai đoạn công nhận lại và có kế hoạch trong lộ trình 5 năm đạt chuẩn nếu có khả năng, không nên chạy theo thành tích. Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-10. Ngoài ra, Sở GD-ĐT và các địa phương phối hợp với các trường rà soát lại các tiêu chí đang còn thiếu, còn nợ báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30-10.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Liên quan đến vấn đề sắp xếp biên chế, hiện nay, UBND tỉnh đang trình HĐND tỉnh về việc phân bổ 1.244 chỉ tiêu biên chế giáo viên được Bộ Chính trị giao. Vì vậy, các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch tuyển dụng. Ngay sau kỳ họp HĐND thông qua, UBND tỉnh sẽ ký nhanh quyết định về phân bổ. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện và Sở GD-ĐT sẽ tiến hành tuyển dụng ngay giáo viên. Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn về mặt chuyên môn và tham mưu UBND tỉnh về nội dung này; đồng thời, phối hợp với Sở GD-ĐT đi kiểm tra việc bố trí, sắp xếp không đúng vị trí việc làm để kịp thời chấn chỉnh ngay…

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát về trường lớp, phân bổ và sáp nhập trường lớp theo kế hoạch của tỉnh; giao Sở GD-ĐT tổng hợp toàn bộ các vấn đề liên quan báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-10 để đăng ký 1 buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác sáp nhập trường lớp, tiêu chuẩn chính trị của giáo viên…

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm thu đầu năm học và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của các nhà trường; quản lý công sản từ xã hội hóa giáo dục theo đúng pháp luật; ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư cho lĩnh vực giáo dục… và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh về danh mục kêu gọi đầu tư các dự án lĩnh vực giáo dục. Tỉnh cũng sẽ rà soát một số chính sách liên quan đến giáo dục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.