Trường học đạt chuẩn quốc gia: “Đòn bẩy” nâng cao chất lượng giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh là 68%. Để hiện thực hóa chỉ tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Nỗ lực từ cơ sở

Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá) là đơn vị điển hình của huyện Chư Sê trong xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xã hội hóa giáo dục. Thầy Phạm Hoàng Tùng-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Với 7 điểm trường ở 2 bậc học, ngân sách nhà nước khó có thể đầu tư đồng bộ và đầy đủ. Vì vậy, nhà trường đã tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, phấn đấu đảm bảo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Với sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân, nhà trường đã đầu tư xây dựng 3 giếng khoan trị giá 200 triệu đồng, 3 nhà vệ sinh trị giá 50 triệu đồng và 500 m2 sân bê tông với kinh phí 185 triệu đồng tại các điểm trường.

Ngoài ra, 4 năm qua, nhà trường còn kết nối với 2 trường học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để hỗ trợ cặp sách, dụng cụ học tập và sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh tiểu học, đảm bảo 100% học sinh người dân tộc thiểu số có sách giáo khoa trước thềm năm học mới.

Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 8-2022. Ảnh: ĐVCC

Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 8-2022. Ảnh: ĐVCC

“Với sự nỗ lực không ngừng, tháng 8-2022, Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT; phấn đấu đến khi kiểm định lại vào năm 2027 sẽ đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”-thầy Tùng nêu quyết tâm.

Tương tự, với 3 điểm trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%, thế nhưng, những năm qua, Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) luôn nỗ lực trong dạy và học, quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm 2023.

Theo Hiệu trưởng Hoàng Thị Kim Ngân, một “cú hích” kịp thời để nhà trường tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch, đó là năm 2021, trường được thành phố quan tâm đầu tư trên 12 tỷ đồng để xây dựng 1 dãy nhà 4 tầng gồm 12 phòng học. Công trình được hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 4-2022. Nhờ đó, năm học 2022-2023, toàn bộ học sinh đã tập trung về học tập tại điểm trường chính.

Hiện nay, trường có tổng diện tích 2.739,3 m2 với 20 phòng học kiên cố; trong đó có 17 phòng học văn hóa, 3 phòng học bộ môn và phòng chức năng. Khuôn viên, khu nhà vệ sinh, nhà để xe, hệ thống nước sạch, sân chơi, thư viện… cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động giáo dục. Trang-thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn theo quy định. Học sinh phần đông là người dân tộc thiểu số nhưng luôn có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập.

“Trường hiện đã hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo tự đánh giá và đề nghị Sở GD-ĐT tổ chức thẩm định, đánh giá ngoài, làm cơ sở để được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm 2023”-cô Ngân thông tin.

Từ lâu, tập thể sư phạm Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) luôn mơ ước về một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, song đành “lực bất tòng tâm” bởi cơ sở vật chất không đảm bảo tiêu chuẩn. Tổng diện tích của trường chỉ có 3.600 m2, trong khi quy mô đào tạo lên đến 800 học sinh; các phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập đều không có.

Trước thực trạng ấy, tháng 6-2021, tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XI đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới Trường THPT Nguyễn Khuyến nhằm tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu về dạy và học, đảm bảo đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Công trình được khởi công xây dựng trên diện tích gần 3 ha tại tổ 3 (phường An Phước) và dự kiến nghiệm thu, bàn giao trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024. Tổng kinh phí đầu tư là 28 tỷ đồng với quy mô gồm: dãy nhà hiệu bộ 2 tầng; dãy nhà 3 tầng gồm phòng học lý thuyết, bộ môn, thư viện cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.

Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang là điều kiện để thầy và trò Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian đến. Ảnh: Mộc Trà

Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang là điều kiện để thầy và trò Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê) phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian đến. Ảnh: Mộc Trà

Phó Hiệu trưởng phụ trách Ngô Tùng Thuệ phấn khởi nói: “Thầy và trò nhà trường sẽ bắt đầu năm học tại cơ sở mới khang trang, sạch đẹp. Từ nay, trường sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục và từng bước phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng trường chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD-ĐT”.

Quyết tâm đạt chỉ tiêu

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên toàn tỉnh đạt 68%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngày 29-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng xây dựng kế hoạch, đưa nội dung xây dựng trường chuẩn vào nghị quyết của HĐND và vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; xây dựng cơ chế đầu tư và ưu tiên bố trí các nguồn lực để triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, trước những thách thức và khó khăn trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhiều địa phương, đơn vị vẫn có những cách làm sáng tạo, hiệu quả thông qua lồng ghép nhiều chương trình, dự án hoặc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nằm trong lộ trình. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã có 449/759 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 59,16%). Trong đó, bậc mầm non có 151/265 trường, tiểu học có 132/209 trường, THCS có 144/234 trường và THPT có 22/51 trường.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xem là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: H.T

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được xem là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: Sở sẽ chỉ đạo các phòng GD-ĐT kiểm tra, đôn đốc các trường mầm non, phổ thông đã đăng ký đạt chuẩn quốc gia trong năm 2023 và những năm tiếp theo khẩn trương rà soát, tự đánh giá theo 5 tiêu chuẩn đánh giá trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD-ĐT. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia cũng tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra.

Liên quan đến công tác xã hội hóa giáo dục trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê Phạm Xuân Phúc thông tin: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cùng với Phòng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức và tự huy động các nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục như: tặng ti vi, giếng khoan, mái che cho bể bơi, nhà vệ sinh ở các điểm trường làng, hỗ trợ ngày công để trang trí cảnh quan trường học... Tổng giá trị được quy đổi ra tiền mặt trong 2 năm học 2021-2022 và 2022-2023 là hơn 3,3 tỷ đồng.

Theo ông Phúc, công tác xã hội hóa đã góp phần không nhỏ đến kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện. Tính đến tháng 7-2023, toàn ngành GD-ĐT huyện Chư Sê có 35/49 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2; đồng thời, được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (chiếm 74,47%). Với quyết tâm phấn đấu nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện lên 43/49 (chiếm 87,76%) vào năm 2025, Phòng GD-ĐT huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hỗ trợ cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho các trường.

Hàng năm, Phòng GD-ĐT TP. Pleiku cũng tích cực tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về các nội dung, chiến lược và lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra từng công việc, từng tiêu chuẩn đối với các bậc học trong suốt quá trình xây dựng, công nhận và duy trì trường đạt chuẩn.

Bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng GD-ĐT thành phố-cho hay: Giai đoạn 2021-2023, TP. Pleiku đã trích ngân sách hơn 244,4 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị cho các nhà trường. Tính đến nay, toàn thành phố có 47/83 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 57,83%), tăng 7 trường so với đầu năm 2021. Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học duy trì và nâng cao chất lượng của các trường đạt chuẩn quốc gia; nâng số lượng trường đạt chuẩn qua từng năm gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 9 trường đạt chuẩn quốc gia.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Để hoàn thành chỉ tiêu được giao của Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND các địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các cơ sở giáo dục đã đăng ký xây dựng đạt chuẩn quốc gia; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn theo đúng lộ trình. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.