Bảo tồn ngôi nhà dài Ê Đê: Giữ truyền thống cho tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi hiếm hoi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc đặc trưng của các dân tộc Việt Nam, trong đó hai công trình có kích thước lớn là nhà rông Bana và nhà dài Ê Đê. Sau một thời gian dài trưng bày, sử dụng, nhà dài Ê Đê đã xuống cấp. 13 người thợ lành nghề từ Tây Nguyên đã được mời ra sửa lại ngôi nhà đúng như nguyên bản.
Phần mái của ngôi nhà được lợp bằng 20 tấn cỏ tranh.

Phần mái của ngôi nhà được lợp bằng 20 tấn cỏ tranh.

Ngôi nhà dài Ê Đê được dựng lại tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2000 trên cơ sở nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê Đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà dài 42,5m, sàn cao 1,1m và rộng 6m.

Tại Bảo tàng, ngôi nhà vẫn giữ được hướng bắc-nam theo tập quán cổ truyền Ê Đê. Đầu nhà quay về phía bắc, có cửa chính và là cửa đón khách, thông ra sàn rộng, còn đầu hồi phía nam, cuối nhà, dành cho sinh hoạt gia đình. Đây là nhà của gia đình giàu sang và thế lực, nên có các cột và xà cỡ lớn, với nhiều mô-típ điêu khắc trang trí cầu kỳ; cầu thang ở đầu nhà trước đây to và đẹp, người nhà mô tả rộng tới hơn 1m, được tạc từ một khối độc mộc.

Trong xã hội Ê Đê truyền thống, ngôi nhà dài là nơi cư trú của một đại gia đình mẫu hệ; gia đình càng đông thì nhà càng dài, xưa kia đã từng có những nhà dài trên dưới 200m. Đến những năm 70 của thế kỷ 20 vẫn thấy nhiều ngôi nhà dài 50-60m. Từ những năm 80, quá trình giải thể nhà dài và lối sống đại gia đình đã diễn ra mạnh mẽ hơn trước.

Trải qua hơn 20 năm phục vụ khách tham quan, hiện nay ngôi nhà đã xuống cấp. Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng cho biết, với thời tiết nóng ẩm, cùng với mùa nồm ở Hà Nội, tuổi thọ của ngôi nhà ước chừng chỉ được khoảng 10 năm, cùng với việc môi trường khu vực nhà dài trong Bảo tàng cũng bị ảnh hưởng do nước xả thải của các hộ dân chung quanh, dẫn đến tuổi thọ chỉ còn 6 năm.

Cầu thang với biểu tượng mẫu hệ.

Cầu thang với biểu tượng mẫu hệ.

Từ ngày 25/2, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mời nhóm thợ Ê Đê từ buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ra sửa chữa ngôi nhà dài Ê-đê. Sau gần hai tháng, nhóm thợ người Ê-đê đã sửa chữa và hoàn thành một số hạng mục của ngôi nhà dài như lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bài trí bên trong ngôi nhà.

Sau khi hoàn thành, những người thợ Ê Đê đã có cuộc chia sẻ với khách tham quan, báo giới, các nhà nghiên cứu và các sinh viên từ một số trường Đại học ở Hà Nội. Cùng dự buổi chia sẻ có Tiến sĩ Lưu Hùng, Phó Giáo sư Phạm Lợi, Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những người có quá trình dài gắn bó với việc sửa ngôi nhà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lợi cho biết, khó khăn lớn nhất mà những người thực hiện dự án sửa nhà dài Ê Đê gặp phải khi tiến hành sửa chữa là thiếu nguyên vật liệu. Những loại gỗ chính để làm nhà ở Tây Nguyên hiện nay không còn, phải mua gỗ khác thay thế. Mái nhà bằng cỏ tranh, riêng phần lợp mái của nhà dài ở Bảo tàng tốn khoảng 20 tấn, nhưng hiện tại cỏ tranh ngay cả ở Tây Nguyên cũng rất khó kiếm, không đủ để lợp nhà.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang cũng chung ý kiến khi cho biết, ngay cả ở Tây Nguyên, vì nhà truyền thống không còn nhiều, cho nên nguyên vật liệu dựng nhà cũng không còn.

“Ở chính cái nôi của ngôi nhà này đã không đủ vật liệu cung cấp cho dự án” – Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang chia sẻ.

Rất may, sau đó những người thực hiện đã tìm được những vùng cỏ tranh ở Sơn La, giáp biên giới Việt-Lào. Nhóm dự án đã phải đặt từng hộ gia đình ở đó đi kiếm cỏ tranh, và cũng phải mất một thời gian dài mới có đủ để thay toàn bộ mái ngôi nhà.

Các chuyên gia chia sẻ về ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê.

Các chuyên gia chia sẻ về ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lợi cho biết, trong một thời gian dài khảo sát và tìm hiểu, ông nhận thấy hiện nay ngôi nhà truyền thống ở Tây Nguyên đã có nhiều biến đổi. Thứ nhất là biến đổi về kích thước. Những ngôi nhà dài đang trở nên ngắn hơn, và các loại hình sinh hoạt bên trong cũng giảm bớt. Nhiều nơi, người Ê Đê đang chuyển từ nhà sàn dài sang nhà sàn ngắn, do sự phát triển về dân số, gia đình cũng như sự thay đổi phương thức sinh hoạt.

Thứ hai, là xu hướng biến đổi từ nhà sàn sang nhà trệt. Với nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hiện đại như ngày nay, các gia đình Ê Đê ngày càng chuyển sang sinh sống ở nhà trệt, nhà đất nhiều hơn. Ngay cả các gia đình hiện còn giữ nhà sàn cũng vẫn có một ngôi nhà trệt phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, còn nhà sàn chỉ dành cho một số công việc nhất định.

Các thợ thủ công từ Tây Nguyên ra sửa nhà.

Các thợ thủ công từ Tây Nguyên ra sửa nhà.

Thứ ba, như đã đề cập, là sự biến đổi về nguyên liệu, vật liệu làm nhà. Do thay đổi về môi trường, tập tục sống, cũng như việc diện tích rừng giảm, các nguyên vật liệu làm nhà sàn truyền thống ngày càng khó kiếm, cho nên việc dựng nhà cũng phải thay đổi. Hầu hết người dân có xu hướng chuyển sang nhà kiên cố, và người Ê Đê cũng không nằm ngoài xu hướng thay đổi này.

Một biến đổi nữa mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lợi đề cập đến là sự thay đổi của bên trong ngôi nhà. Nếu trước kia vật dụng chủ yếu làm bằng gỗ, tre, nứa…, thì nay đã có nhiều loại đồ dùng hiện đại, đồ điện, điện tử trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Ê Đê. Dù có sinh sống ở nhà sàn hay nhà kiên cố, người Ê Đê vẫn có đủ các vật dụng hiện đại như người Kinh.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang bổ sung, chung quanh ngôi nhà dài Ê Đê còn có cả sự biến đổi về tâm linh và tư duy của con người. Thí dụ như trước đây, khi khánh thành nhà dài, bao giờ cũng phải có lễ cúng, mời thầy cúng, mổ lợn mổ gà làm lễ. Thậm chí có cả những bài hát về ngôi nhà dài. Nhưng qua thời gian, những tập tục này cũng đã thay đổi và không còn ở nhiều nơi.

Tiến sĩ Bùi Ngọc Quang cho biết, mặc dù hiện nay có nhiều thay đổi đối với những yếu tố văn hóa truyền thống, tiêu biểu là ngôi nhà dài Ê Đê, nhưng quan điểm bảo tồn, sửa chữa của Bảo tàng luôn là giữ những yếu tố truyền thống nhất, cơ bản nhất, để cho thế hệ sau hiểu được văn hóa của cha ông.

Trong số thợ sửa nhà, có những người còn rất trẻ.

Trong số thợ sửa nhà, có những người còn rất trẻ.

Đó cũng là lý do trong số 13 người thợ Tây Nguyên ra Hà Nội sửa ngôi nhà lần này, có cả con, cháu, em của những thợ lành nghề cao tuổi. “Chúng tôi muốn con, cháu chúng tôi biết được cách cha ông mình làm ngôi nhà như thế nào. Khi tự tay làm, chúng mới hiểu và yêu ngôi nhà truyền thống của mình hơn” - ông A Đinh, trưởng nhóm thợ chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.