Nuôi dưỡng tình yêu mạch nguồn văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ IV đã khép lại song thanh âm của nó vẫn còn vang vọng giữa phố núi Pleiku cũng như trong lòng người dân và du khách.

Bao câu chuyện ngày hội cũng theo mỗi nghệ nhân về với cộng đồng cùng niềm tự hào để tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Kể chuyện làng bằng sắc màu văn hóa

Gần 800 nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có một cuộc hội ngộ ý nghĩa, mang theo bản sắc văn hóa của 6 dân tộc Bahnar, Jrai, Kinh, Tày, Nùng, Mông làm cầu nối giao lưu, gắn kết.

Trong không gian cây xanh của Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), bao câu chuyện làng được tái hiện với màu sắc sống động. Đó không chỉ là không gian sinh hoạt thường ngày với hình bóng người cha ngồi đan lát, đẽo tượng, mẹ ngồi se sợi, dệt vải mà còn mở ra không gian tâm linh thăm thẳm với các nghi thức, tín ngưỡng truyền đời.

1chot-hn.jpg
Đoàn nghệ nhân TP. Pleiku hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ảnh: H.N

Bahnar, Jrai là 2 tộc người có hệ thống lễ hội phong phú, phản ánh đậm nét đời sống của cư dân nông nghiệp. Những nghi lễ truyền thống được tái hiện như: lễ mừng chiến thắng, cúng nhà rông, mừng lúa mới, bỏ mả, cúng giọt nước, mừng thọ, lễ cưới, tạ ơn, rước nước về làng… cho thấy mảng màu văn hóa phong phú và rực rỡ.

Đến từ quê hương Anh hùng Núp, già làng Đinh Doen (xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết: Bà con làng Stơr tái hiện nghi lễ đóng cửa kho với 2 phần chính là thực hiện nghi thức cúng tại nhà kho trên rẫy và cộng đồng về nhà rông uống rượu mừng.

“Các dân tộc đến với ngày hội tuy trang phục, tiếng nói khác nhau, nhưng đều có chung tự hào với văn hóa của dân tộc mình và tinh thần đoàn kết. Ai cũng hăng hái tham gia ngày hội. Không chỉ ở đây mà về làng vẫn tiếp tục hăng hái thi đua, giữ gìn văn hóa để lần sau còn thể hiện hay hơn, tốt hơn nữa”-ông Doen vui mừng chia sẻ.

Cuộc hội ngộ giữa những nghệ nhân chỉnh chiêng cũng vô cùng xúc động. Họ đều là những bậc thầy về lĩnh vực này trong cộng đồng Bahnar, Jrai nhưng sẵn sàng lắng nghe, học hỏi lẫn nhau. Nghệ nhân trẻ Ksor Mang (thị xã Ayun Pa) được biết đến là người đa tài, nhất là ở lĩnh vực chỉnh chiêng. Nhưng trước tài nghệ của nghệ nhân Ksor Kôk (huyện Krông Pa), anh đã thốt lên: “Đó là bậc thầy của tôi”.

Hay nghệ nhân trẻ Rah Lan Thắng (TP. Pleiku) cũng ngả mũ thán phục trước tài nghệ của Nghệ nhân Ưu tú Alip (huyện Đak Đoa) khi 2 thế hệ nghệ nhân cùng chỉnh chung 1 bộ chiêng. Cồng chiêng mang giá trị đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên.

Dành cho các nghệ nhân chỉnh chiêng một không gian tại ngày hội văn hóa các dân tộc không chỉ để xem họ trình diễn tài nghệ, mà còn là sự tôn vinh xứng đáng đóng góp của đội ngũ này trong việc sửa tiếng cho những dàn cồng chiêng kỳ vĩ.

6them.jpg
Các nghệ nhân trình diễn tạc tượng nhà mồ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nếu chiều sâu văn hóa là vẻ đẹp bên trong cần hiểu mới có thể yêu thì trang phục truyền thống lại hiển lộ tất cả vẻ đẹp ra bên ngoài. Vẻ đẹp đó không chỉ biểu hiện tập trung trong sắc phục của gần 800 nghệ nhân thuộc 6 dân tộc tham gia ngày hội, mà còn cô đọng trên sàn diễn thời trang. Đây cũng là hoạt động để lại nhiều cảm xúc cho người trình diễn lẫn người xem.

Thời trang, trang phục còn kể câu chuyện ngàn năm về quá trình chinh phục, sống hài hòa với tự nhiên của con người. Mỗi bộ trang phục đều là di sản riêng của các dân tộc. Sự đa sắc màu trong trang phục cũng chính là sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Gia Lai.

Chung sức bảo tồn văn hóa

Văn hóa luôn có sự kế thừa và tiếp nối mạnh mẽ. Điều đó thêm một lần được khẳng định tại Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh lần thứ IV. Chị Đinh Thị Ben (huyện Đak Pơ) tham gia nhiều hoạt động như hát dân ca Bahnar, đi cà kheo nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống và cùng cộng đồng phục dựng lễ cúng nhà rông mới.

Chị Ben tự hào nói: “Thế hệ trẻ Bahnar sinh ra từ làng, hàng ngày đi học, đi làm qua nhà rông nên văn hóa cộng đồng đã “thấm” vào người. Mình còn được trao truyền các giá trị văn hóa từ trong gia đình, già làng và học hỏi tại cộng đồng. Cùng với các nghệ nhân tham gia ngày hội, mình thấy chỉ có sự kế thừa và nỗ lực giữ văn hóa trong cuộc sống nhiều biến đổi như ngày nay, mới giữ được những sắc màu văn hóa đặc trưng của dân tộc”.

3tcuoc-gap-go-cua-cac-nghe-nhan-chinh-chieng-tai-ngay-hoi.jpg
Cuộc gặp gỡ của các nghệ nhân chỉnh chiêng tại Ngày hội. Ảnh: H.N

Đối với các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, việc giữ được bản sắc văn hóa cũng là cố gắng không nhỏ. Chị Lê Thị Hòa là người dân tộc Tày sinh sống tại huyện Đức Cơ gần 20 năm. Đây cũng là lần đầu tiên chị tham gia sự kiện quy tụ đông đảo các dân tộc anh em như vậy trên quê hương thứ 2.

Chị bày tỏ: “Vào Gia Lai sinh sống nhưng chúng tôi vẫn luôn có ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa từ trang phục, hát then, đàn tính, chế biến ẩm thực của người Tày. Nếu không giữ gìn những nét riêng đó, thế hệ con cháu chúng tôi sẽ quên mất nguồn cội của mình. Tôi mong hoạt động giao lưu văn hóa này được tổ chức định kỳ. Đây cũng là dịp để các dân tộc từ vùng núi phía Bắc vào Gia Lai sinh sống có thể nhìn lại thành quả của quá trình gìn giữ bản sắc”.

5doan-nghe-nhan-huyen-duc-co-mang-theo-hinh-anh-quoc-mon-cua-khau-quoc-te-le-thanh-va-cot-moc-30-den-ngay-hoi-anh-hoang-ngoc.jpg
Đoàn nghệ nhân huyện Đức Cơ mang theo hình ảnh Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) và cột mốc 30 đến Ngày hội. Ảnh: H.N

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: Cuộc sống hiện đại đang thay đổi rất nhanh khiến những không gian dành riêng cho các nghi lễ truyền thống ở buôn làng ngày càng mai một. Chính vì vậy, Ban tổ chức ngày hội mong muốn tạo ra môi trường, không gian phù hợp để đồng bào có thể thực hành những nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống đó. Nhưng theo ông Tuệ, việc tái hiện nghi lễ truyền thống không phải cứ muốn là làm được.

“Điều đáng quý là những người tham gia ngày hội phần lớn là nông dân, nhưng đồng thời cũng là những nghệ nhân nên họ đã thực hành các nghi lễ một cách thành kính và thuần thục. Họ không “diễn” mà là sống cùng nghi lễ đó, vì họ có sự hiểu biết sâu sắc, cụ thể về từng chi tiết, từng quy trình. Điều đó cho thấy, trong sâu thẳm trái tim và trí tuệ của đồng bào, ký ức và tri thức về các nghi lễ vẫn còn được lưu giữ. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao khơi dậy, tạo điều kiện để họ tiếp tục duy trì và lan tỏa những giá trị ấy”-ông Tuệ nói.

1duc-co.jpg
Huyện Đức Cơ là một trong 3 đơn vị có hoạt động ấn tượng nhất tại Ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngày hội văn hóa các dân tộc năm nay hướng đến việc bảo tồn và phát huy tối đa những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của các cộng đồng dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 40 dân tộc cùng sinh sống và năm nay có sự góp mặt của gần 800 nghệ nhân thuộc 6 dân tộc.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho biết thêm: “Đây là lần thứ 4 tỉnh tổ chức sự kiện này. Chúng tôi mong muốn hoạt động này được duy trì thường niên, với sự tham gia đông đảo nhất của các dân tộc. Thông qua đó sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ: Hơn 40 dân tộc trên địa bàn tỉnh là một khối đại đoàn kết. Bà con tề tựu về đây không chỉ để biểu diễn mà là để giao lưu, học hỏi, cùng nhau phát huy các giá trị đặc sắc của từng dân tộc, để làm nên bản sắc chung, đa dạng nhưng thống nhất cho vùng đất Gia Lai”.

2hn.jpg
Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: H.N

Thanh âm đọng lại

Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh năm nay được tổ chức vào thời điểm có nhiều sự kiện lớn của tỉnh và đất nước, nhất là tinh thần khẩn trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng: Đây là thời điểm khó khăn và nhiều lo lắng với các đơn vị cấp huyện, trong đó có những người làm công tác văn hóa. Nhưng vượt lên tất cả, những người làm văn hóa đã nỗ lực đồng hành cùng các nghệ nhân để đem đến cho ngày hội những phần trình diễn ấn tượng, đặc sắc.

“Tuy thời gian tổ chức không dài, nhưng chúng ta hãy cùng nhau làm cho kho báu di sản ấy thêm lấp lánh, để không chỉ nghệ nhân, người làm công tác văn hóa mà cả cộng đồng xã hội thêm hiểu, thêm yêu và cùng nhau gìn giữ, phát huy vốn văn hóa cha ông để lại”-ông Nhung nhấn mạnh.

4tdoan-nghe-nhan-huyen-kong-chro-trinh-dien-cong-chieng-tai-ngay-hoi.jpg
Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro trình diễn cồng chiêng tại ngày hội. Ảnh: H.N

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai diễn ra trong 2 ngày 12 và 13-4 với các hoạt động chính như: tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống; trình diễn kỹ thuật chỉnh chiêng, trình diễn trang phục các dân tộc, đi cà kheo nghệ thuật, thi nhảy bao bố tiếp sức và giã gạo chày đôi và điểm nhấn là đêm hội “Âm vang đại ngàn”. Tại ngày hội, Ban tổ chức trao chứng nhận cho 3 đơn vị có hoạt động ấn tượng nhất gồm: Đak Pơ, Đức Cơ và TP. Pleiku.

Ngày hội không chỉ thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, cổ vũ, vẻ đẹp văn hóa các dân tộc cũng vượt qua rào ngôn ngữ để chạm đến trái tim bạn bè quốc tế.

Có mặt trong suốt 2 ngày diễn ra ngày hội, anh Jeff Perigois-Nhiếp ảnh gia người Mỹ-bày tỏ sự thích thú: “Tôi đã đi qua các nước Lào, Việt Nam, Campuchia chụp ảnh đời sống và phong tục ở đây. Lễ hội dân gian của các bạn quá ấn tượng. Âm nhạc cồng chiêng vang lên và chân tôi muốn nhảy theo họ. Một lễ hội giàu thanh âm và màu sắc, rất tuyệt vời”.

Còn đối với 2 bạn trẻ người Anh là Will Holland và Sophie Clifton, ngày hội mang đến cho họ những trải nghiệm sống động cùng với văn hóa bản địa. Anh Will Holland cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi được trải nghiệm ngày hội này ở TP. Pleiku-nơi tôi đang dạy tiếng Anh cho trẻ em. Còn bạn gái tôi mới qua đây nên trải nghiệm lần đầu. Lễ hội của các bạn hấp dẫn bởi rất giàu màu sắc và sự khác biệt. Đây cũng là cơ hội để tôi hiểu hơn về văn hóa của đất nước mình đang sống”.

Có thể bạn quan tâm

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.

 Linh thiêng lễ cúng Quý Xuân tại An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Linh thiêng lễ cúng Quý Xuân tại An Khê

(GLO)- Ngày 8 và 9-3 (nhằm mùng 9 và 10-2 âm lịch), Ban Nghi lễ đình An Khê tổ chức lễ cúng Quý Xuân tại An Khê trường và An Khê đình thuộc Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai).

Phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai. Ảnh: Lam Nguyên

Nghĩ suy trong mùa lễ hội

(GLO)- Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian đậm tính cộng đồng và được tổ chức khắp mọi miền đất nước. Ngoài 2 dân tộc bản địa Jrai và Bahnar, trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn có 42 dân tộc anh em khác sinh sống với bản sắc văn hóa lễ hội độc đáo.