Để rồi, sau gần 1 năm nỗ lực, từ ngày 12 đến 15-11-2009, sự kiện văn hóa trọng đại này chính thức được diễn ra tại phố núi Pleiku, với sự tham gia của 63 đội cồng chiêng đại diện cho 6 quốc gia trong khu vực, cùng hàng chục hoạt động bổ trợ khác.
Lúc ấy, tôi là Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nên trách nhiệm khá nặng. Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, trong văn bản gửi Gia Lai, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) chưa làm rõ chủ thể tổ chức sự kiện này. Tuy nhiên, địa phương mong muốn rằng, tỉnh là đơn vị tổ chức để sự kiện này trở thành thương hiệu của Gia Lai (trong khi Đắk Lắk đã có lễ hội cà phê), Bộ VH-TT và DL cử người giúp về chuyên môn và lo một phần kinh phí. Đề nghị này của tỉnh được Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL lúc đó đồng thuận.
Cái tên ban đầu được đề xuất cho sự kiện là “Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ nhất tại Gia Lai (ngày... tháng... năm 2009)”. Với tên gọi này, tỉnh dự kiến, cứ 3 hoặc 5 năm, Festival sẽ được tổ chức 1 lần. Nhưng trong quá trình làm, cả Bộ VH-TT và DL và tỉnh đều nhận thấy việc tổ chức một sự kiện lớn như vậy không dễ, không biết đến khi nào mới có thể làm được lần tiếp theo nên gần đến ngày diễn ra, tên của sự kiện được chốt lại là “Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai”.

Để có lực lượng tham gia trình diễn cồng chiêng, UBND tỉnh và Bộ VH-TT và DL thống nhất phương án: Bộ sẽ mời và đảm bảo kinh phí cho các đoàn nước ngoài tham gia; còn mời và đảm bảo kinh phí cho các đoàn trong nước là nhiệm vụ của tỉnh. Lúc đó, chúng tôi thật sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời đoàn.
Với các tỉnh Tây Nguyên, cồng chiêng là gì ai cũng rõ rồi, song với các tỉnh ở ngoài khu vực thì lại khác. Còn nhớ, khi tôi gọi điện cho đồng nghiệp ở TP. Cần Thơ đặt vấn đề mời 1 đoàn nghệ nhân Khmer tham gia Festival cồng chiêng, ngay lập tức anh ấy trả lời: “Người Khmer làm gì có cồng chiêng mà tham gia sự kiện”.
Nghe xong, chưa kịp để đồng nghiệp chào tạm biệt, tôi cố hỏi vớt: “Vậy nhạc cụ cổ truyền của người Khmer có những món gì?”. Anh ấy kể ra nhiều thứ mà chẳng có gì “dính” đến cồng chiêng, trong thất vọng, tôi nỗ lực lần cuối: “Anh ơi, vậy trong dàn ngũ âm của người Khmer có những thứ gì?”.
Nghe đến đoạn mô tả, trong dàn nhạc này có cái “kông thom”, hình tròn như cái vung, làm bằng đồng, khi chơi, người ta gắn nó lên một giá đỡ rồi dùng dùi đánh…, tôi mừng rỡ nói: “Tốt rồi, vậy nhờ anh chuẩn bị cho “món” ấy tham gia với chúng tôi nhé. Tôi cứ gạ trước vậy, rồi sẽ tham mưu tỉnh làm văn bản mời sau”.
Cứ thế, Gia Lai đã phát hiện được 22 dân tộc có cồng chiêng ở 24 tỉnh, thành; đã mời được 34 đội cồng chiêng với gần 1.000 nghệ nhân của 23 tỉnh từ mọi miền đất nước. Riêng trong tỉnh có 24 đội cồng chiêng với hơn 1.000 nghệ nhân ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố góp mặt. Suốt 3 ngày diễn ra Festival, âm thanh nhạc chiêng từ 58 đoàn trong nước và 5 đoàn quốc tế (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines) từ TP. Pleiku đã theo các “cánh sóng”, vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Trình diễn cồng chiêng chỉ là 1 trong 15 hoạt động chính trong khuôn khổ của Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai. Có nhiều chuyện “bếp núc” khác, giờ nhớ lại, với tôi vẫn là dấu ấn nghề nghiệp khó quên. Trong số này, tôi nhớ nhất chuyện bàn về tên gọi của 1 lễ hội truyền thống, dự kiến sẽ được tái hiện ở Khu du lịch sinh thái Về Nguồn (đường vào huyện Ia Grai). Tên gọi của lễ hội này là “Lễ hội Mừng chiến thắng của người Bahnar”. Đây là lễ hội có hiến sinh trâu.
Vì vậy, trong một cuộc họp bàn về lễ hội này, sau khi nghe bộ phận chuyên môn trình bày, 1 đồng chí lãnh đạo có chức vụ cao trong cuộc họp phấn khích: Lễ hội hay quá, lại có đâm trâu thì mình gọi nó là Lễ hội đâm trâu đi cho hoành tráng. Trong khi rất nhiều người tham dự cuộc họp gật gù tán thưởng thì 1 cán bộ chuyên môn xin phát biểu đại ý là: Người Bahnar không gọi là đâm trâu mà gọi là sa kơpô, có nghĩa là ăn trâu; còn tên của lễ này là “Mừng chiến thắng”.
Vì đây là lễ hội mang tầm quốc tế, có nhiều người nước ngoài tham dự nên đề nghị giữ nguyên tên gốc, không nên gọi là “Lễ hội đâm trâu” để tránh gợi ra hành động mà người nước ngoài cho là dã man. Sau những tranh luận gay gắt, có cả nước mắt của người yếu thế đã rơi, cuối cùng, tên lễ hội cũng được giữ là “Lễ hội Mừng chiến thắng”.
Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai khép lại đã 16 năm. Nhiều người hẳn chưa quên tháng 11 năm ấy, TP. Pleiku đã tưng bừng trong không khí của các lễ hội, rộn rã trong âm thanh của cồng chiêng và các hoạt động trình diễn; nghiêm túc trong các hội thảo quốc tế, quốc gia.
Sau những chuyện “bếp núc” vui buồn thì kết quả vẫn là dư âm đẹp về một Festival hoành tráng, đa dạng các hoạt động, thu hút đông đảo lực lượng nghệ nhân, thể hiện những nét đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng… và mong nó có cơ hội trở về.