Kế thừa và lan tỏa mạch nguồn văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những thanh âm và sắc màu của Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) khẳng định dòng chảy văn hóa không ngừng được kế thừa và tiếp nối mạnh mẽ. 

Không chỉ tôn vinh bản sắc, sự kiện này còn thắp lên ngọn lửa tự hào trong lòng những người trẻ, kết nối quá khứ và hiện tại trong nhịp sống hôm nay.

Tôn vinh bản sắc, kết nối cộng đồng

500 nghệ nhân, vận động viên đến từ 17 xã, thị trấn của huyện Đak Đoa đã hội tụ về Công viên Đồi thông (thị trấn Đak Đoa) trong 2 ngày cuối tuần vừa qua để tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Ngày hội mở ra một không gian đa sắc màu với chuỗi hoạt động phong phú như trình diễn cồng chiêng qua các nghi lễ truyền thống (lễ mừng chiến thắng, mừng lúa mới, bỏ mả); biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, dân vũ…

ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-huyen-dak-doa-la-dip-de-ton-vinh-van-hoa-ket-noi-cong-dong-cac-dan-toc.jpg
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa là dịp để tôn vinh văn hóa, kết nối cộng đồng các dân tộc. Ảnh: M.C

Đoàn nghệ nhân xã Kdang gây ấn tượng mạnh với màn trình diễn nghệ thuật đi cà kheo kết hợp với cồng chiêng, xoang. Trên những đôi cà kheo chạm khắc hoa văn truyền thống, các nghệ nhân uyển chuyển trình diễn ăn ý cùng nhịp chiêng, tái hiện không khí “Mừng chiến thắng”-một bài chiêng cổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Poc-Già làng Ktăng (xã Kdang) hồi nhớ: Hơn 30 năm trước, ông và các nghệ nhân trong làng từng biểu diễn bài chiêng này để phục vụ một cảnh quay trong bộ phim “Chiếc vòng bạc”.

Qua năm tháng, “Mừng chiến thắng” vẫn được các thế hệ gìn giữ, tập luyện và biểu diễn tại nhiều sự kiện. Dù đã hàng chục năm, mỗi lần cất chiêng lên, ông vẫn thấy phấn khích, vui mừng.

Bài chiêng thể hiện ý chí bất khuất của cộng đồng trong hành trình chinh phục khó khăn. Mỗi khi có dịp lễ lớn, bà con lại biểu diễn bài chiêng “Mừng chiến thắng” để hòa vào niềm vui chung đó.

Niềm vui càng thêm trọn vẹn khi năm nay, người dân được sử dụng bộ cồng chiêng mới do Nhà nước cấp, thay cho bộ chiêng cũ đã nứt vỡ, sai âm sau nhiều thập kỷ sử dụng.

“Bà con vui lắm. Ngày hội cũng là dịp để các làng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”-ông Poc phấn khởi nói.

Lan tỏa và tiếp nối

Ngày hội năm nay ghi dấu sự hiện diện đông đảo và nổi bật của thế hệ trẻ. Không chỉ góp sức trẻ trong những đội hình trình diễn cồng chiêng hay xoang, lớp thanh-thiếu niên còn tự tin làm chủ sân khấu với các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc và hát dân ca. Họ thổi luồng sinh khí mới vào những bài chiêng, điệu hát cổ xưa hay phối hợp ăn ý khi trình diễn nhạc cụ dân tộc.

Dựa trên kết quả các phần thi: trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, kéo co, giã gạo, Ban tổ chức đã trao giải toàn đoàn cho các đội tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa. Theo đó, thị trấn Đak Đoa giành giải nhất, xã Hà Bầu giành giải nhì và giải ba thuộc về xã Kdang.

Những làn điệu ru con mộc mạc, êm đềm nơi núi rừng Tây Nguyên mang sức sống mới qua giọng hát trẻ trung của các em nhỏ.

Em H’Thoa (đoàn nghệ nhân xã Glar) mới chỉ học lớp 5 nhưng đã tự tin hát bài “Chờ mẹ dệt vải”. H’Thoa còn thuộc nhiều bài dân ca khác như “Ru em”, “Chim bôr tôk gọi em”, “Đám mây thành kẹo bông”.

“Lâu nay, em chỉ thấy người lớn hát ru, hát dân ca mà ít thấy các bạn trẻ. Do đó, em cũng muốn thử sức. Những bài hát này rất dễ thuộc, khi hát em cảm thấy gần gũi với gia đình. Em nghĩ khi cảm nhận được những bài dân ca này, các bạn sẽ càng thêm yêu quý văn hóa của dân tộc Bahnar”-H’Thoa chia sẻ.

man-hoa-tau-nhac-cu-dan-toc-cua-the-he-tre-xa-ha-bau-huyen-dak-doa.jpg
Màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc của thế hệ trẻ xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa. Ảnh: M.C

Còn Đanh-chàng trai Bahnar đến từ xã Hà Bầu đã mang đến ngày hội những giai điệu dịu dàng trong bài dân ca “Ru con”. Đanh kể: “Từ nhỏ, em đã được nghe mẹ hát những làn điệu dân ca lúc làm rẫy hay khi làm việc nhà. Mỗi lần cất lên những bài hát mà mẹ từng hát, em lại nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ”.

Ngoài giọng hát ngọt ngào, Đanh còn trình diễn cồng chiêng, đàn t’rưng và nhiều nhạc cụ truyền thống khác.

Không gian ngày hội thêm phần sâu lắng khi một số bài dân ca được các nghệ nhân trẻ phối khí cùng nhạc cụ truyền thống như đàn t’rưng, k’lông pút, cồng chiêng…

Các bạn trẻ chọn những bài hát ru, những bài dân ca cổ biểu diễn minh chứng cho vẻ đẹp bất tận và sức sống của kho tàng âm nhạc dân gian trong đời sống hôm nay.

Nghệ nhân Ưu tú Alip-người nhiều năm làm giám khảo tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa-nhận xét: “Dù cuộc sống thay đổi nhưng những giá trị tinh thần cốt lõi vẫn được các thế hệ thực hành, gìn giữ. Ngày hội là bức tranh sinh động phản chiếu dòng chảy bền bỉ của văn hóa dân tộc qua thời gian”.

Điều khiến nghệ nhân vui mừng nhất, đó chính là tinh thần kế thừa diễn ra mạnh mẽ khi lực lượng nghệ nhân trẻ chiếm số lượng đông đảo tại ngày hội năm nay.

Bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa-cho biết: Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa và kết nối cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.

Đây còn là cơ hội để bà con giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống giữa thời đại hội nhập.

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null