Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Sinh động nghi lễ truyền thống

Người Jrai vùng hạ lưu sông Ba có một nền văn hóa lâu đời và đậm bản sắc dân tộc. Đời sống tinh thần của bà con vô cùng phong phú với nhiều nghi lễ truyền thống gắn với tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Vì vậy, tại Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số toàn huyện, với việc phục dựng các lễ cúng như cầu mưa, bỏ mả, mừng lúa mới… các đoàn nghệ nhân đã mang đến một không gian văn hóa đa sắc màu, giúp người dân và du khách có những trải nghiệm thú vị.

Trong cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, đoàn nghệ nhân xã Ia Rmok chọn phục dựng lễ cúng cầu mưa với ước mong Yàng ban mưa xuống tưới mát ruộng đồng, mang lại những vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Thực hiện nghi lễ là Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok). Mặc dù đã qua gần 90 mùa rẫy nhưng ông Bhung vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh.

doan-nghe-nhan-xa-ia-rmok-phuc-dung-le-cung-cau-mua-tai-ngay-hoi-anh-vu-chi.jpg
Đoàn nghệ nhân xã Ia Rmok phục dựng lễ cúng cầu mưa tại Ngày hội Ảnh: V.C

Ông Bhung cho hay: Bà con Jrai vùng hạ lưu sông Ba bao đời nay luôn gắn bó với cây lúa nước. Trước đây, khi chưa có hệ thống thủy lợi, nghi lễ cúng cầu mưa có vai trò đặc biệt quan trọng trong tâm thức của bà con dân làng. Để chuẩn bị lễ cúng, dân làng cùng nhau đóng góp kinh phí mua lễ vật. Tùy điều kiện kinh tế, lễ vật có thể nhiều ít khác nhau nhưng không thể thiếu 1 con heo, 5 ghè rượu, 5 chén cơm, 5 đĩa thịt heo, 5 tô rượu, 1 chén muối và 1 chén gạo.

Khi lễ vật đã chuẩn bị xong, ông Bhung bắt đầu bài cúng: “Hỡi Yàng, hôm nay bà con xã Ia Rmok chuẩn bị lễ vật gồm 1 con heo, 5 ghè rượu, cơm, thịt, gạo, muối dâng lên Yàng. Xin Yàng về nhận và ban cho mưa xuống, để lúa đầy bồ, thóc đầy kho, dân làng ai ai cũng ấm no, hạnh phúc… Ơi Yàng”.

Nói rồi, ông đứng lên, cầm 1 bát nước đầy, đi xung quanh mâm lễ vật, dân làng nối theo sau. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên, ông Bhung vẩy nước ra khắp nơi làm phép.

Cũng xuất phát từ mong muốn có những vụ mùa bội thu, đoàn nghệ nhân xã Ia Hdreh đã trình diễn lễ cúng mừng lúa mới. Đây là nghi thức nông nghiệp cổ truyền độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và vạn vật. Lễ cúng được tổ chức sau khi dân làng thu hoạch xong mùa màng với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc, mời thần linh về cùng ăn mừng với dân làng.

Trực tiếp tham gia phục dựng lễ cúng, nghệ nhân Ksor But chia sẻ: “Để phục dựng lễ cúng, bà con đã cùng nhau chuẩn bị 1 con gà, 3 chén cơm, 2 ghè rượu và 1 gùi lúa mới; trong đó, cơm được nấu từ chính những hạt thóc mới thu hoạch về.

Sau phần lễ là phần hội. Tiếng chiêng được tấu lên rộn ràng, những ché rượu cần được mở ra, rót đầy các chén để mọi người cùng chuyền tay nhau uống cạn. Khi men rượu đã say nồng, già trẻ, trai gái cùng nhau ca hát, nhảy múa xung quanh cây nêu suốt 3 ngày 3 đêm trước khi tiếp tục lên nương trỉa lúa cho vụ mùa tới”.

Tôn vinh hạt gạo

Cùng với việc phục dựng các nghi lễ truyền thống, nét mới trong ngày hội năm nay là phần thi trưng bày mâm cơm truyền thống. Cùng với những món ăn thường có trong lễ hội như cơm lam, gà nướng là nhiều món ăn dân dã gắn với ký ức của bao thế hệ người dân Tây Nguyên.

Chị Ksor H’Juin (buôn Ngol, xã Uar) chia sẻ: Đến với ngày hội, đoàn xã Uar trưng bày mâm cơm truyền thống với 10 món ăn dân dã như cơm trộn bắp, canh bắp, lá mì, cá um lá chuối, cá rô phi trộn lá lộc vừng non, thịt ba chỉ trộn lá teng leng, hoa chuối nhồi thịt bò, cá suối kẹp tre, cà xóc đu đủ…

“Đây đều là những món ăn gắn liền với đời sống của đồng bào. Khi cuộc sống còn khó khăn, những món ăn tuy đơn giản nhưng giàu chất dinh dưỡng, tận dụng từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên và đảm bảo an toàn thực phẩm đã giúp bà con có được những bữa cơm ấm bụng”-chị H’Juin bộc bạch.

doan-nghe-nhan-xa-chu-rcam-phuc-dung-le-cung-bo-ma-tai-ngay-hoi-anh-vu-chi.jpg
Đoàn nghệ nhân xã Chư Rcăm phục dựng lễ cúng bỏ mả tại ngày hội. Ảnh: V.C

Gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp, phần thi giã gạo chày đôi thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Jrai. Chị Ksor H’Bôk (buôn Nông Siu, xã Ia Rmok) cho hay: Khi xưa, người Tây Nguyên tuốt lúa bằng tay. Lúa rẫy tuốt về thì đổ luôn vào kho giữa rừng.

Trong năm, gùi dần lúa về nhà giã lấy gạo ăn. Vì vậy, việc giã gạo hầu như là công việc thường xuyên, quanh năm. Người phụ nữ Jrai dùng chiếc cối giã được làm từ một khúc gỗ lớn, khoét thành bộng sâu. Chày được làm bằng gỗ kơ nia. Khi giã, bà con cho lúa vào cối, dùng đầu chày nhỏ giã cho bong vỏ trấu, sau đó trở đầu to để giã bong cám sạch gạo. Để có được những hạt gạo trắng ngần đòi hỏi người giã gạo phải dùng lực vừa đủ, đều tay.

Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức ngày hội-đánh giá: Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và thể hiện những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Krông Pa. Ngày hội năm nay có nhiều hoạt động liên quan đến phục dựng nghi lễ truyền thống, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, cùng với đàn hát dân ca, việc trình diễn thời trang truyền thống của các nhóm cư dân cũng được quan tâm. Trình tấu, chỉnh chiêng, giã gạo, đan lát, tạc tượng… tiếp tục là những điểm nhấn quen thuộc của sự kiện. Các môn thể thao truyền thống dân gian cũng được tổ chức.

Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, ngày hội đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Có thể bạn quan tâm

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

(GLO)- Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Làng Mông trên cao nguyên

Làng người Mông trên cao nguyên

(GLO)- Tính đến thời điểm này, những hộ gia đình người Mông đã sinh sống được 42 năm trên cao nguyên Gia Lai. Vùng đất mà họ chọn là xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Theo thời gian, dấu ấn người Mông ngày càng in đậm trên mảnh đất này.

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.