Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và vùng phụ cận thuộc đại ngàn Trường Sơn.
Ngày 25.11.2005, tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là loại hình văn hóa phi vật thể thứ hai của VN vinh dự nhận danh hiệu này sau nhã nhạc cung đình Huế.
Bầu sinh quyền văn hóa cộng đồng
Âm thanh cồng chiêng có sức cuốn hút đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Tây nguyên. Từ lúc sinh ra đến khi lìa đời, mỗi con người nơi đây đều gắn bó với âm vang cồng chiêng qua các nghi lễ như thổi tai, mừng lúa mới, bỏ mả, mừng nhà rông mới... Những thanh âm ngân dài không chỉ là tiếng nhạc mà còn là câu chuyện về vũ trụ, về thế giới quan của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Jarai, M'nông, Xê Đăng...

Một già làng người Jarai từng tâm sự: "Cồng chiêng là linh hồn của Tây nguyên, của người Jarai. Như cơm ăn, nước uống, không khí hít thở mỗi ngày, cồng chiêng gắn liền với đời sống buôn làng. Mỗi điệu cồng chiêng kể một câu chuyện riêng, gửi gắm bao điều trong đời sống tâm linh của chúng tôi".
Ở Tây nguyên, một bộ cồng chiêng thường có từ 2 - 13 chiếc, mỗi chiếc một âm sắc riêng, được gõ bằng dùi vào phần giữa hoặc rìa tùy từng điệu nhạc. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, người chơi, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, địa điểm tổ chức lễ hội…
Cố GS-TS Tô Ngọc Thanh, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu cồng chiêng Tây nguyên, từng nhấn mạnh: "Giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là không thể bàn cãi. Việc UNESCO công nhận di sản này không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Tây nguyên mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc VN". Theo ông, nếu chỉ nói "cồng chiêng Tây nguyên" thì chỉ nói tới một loại phương tiện, dụng cụ âm nhạc với các bài, điệu gõ của nó mà thôi. Còn nói "không gian văn hóa cồng chiêng" tức là nói tới cả bầu sinh quyển văn hóa của cộng đồng bao trùm xung quanh cái cồng, cái chiêng.
Không chỉ là nhạc cụ
Với người Tây nguyên, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng của quyền lực, sự giàu có và địa vị. Một gia đình sở hữu bộ cồng chiêng quý được xem là có vị thế trong cộng đồng. Ngày trước, để có được một bộ cồng chiêng tốt, người dân phải đổi bằng nhiều trâu, bò. Cồng chiêng trở thành gia bảo, truyền từ đời này sang đời khác.

Mặc dù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn và phát huy. Thế hệ trẻ ít tiếp xúc với cồng chiêng, sự xâm nhập của văn hóa hiện đại cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến loại hình nghệ thuật này đứng trước nguy cơ mai một.
Để bảo tồn di sản quý giá này, nhiều chương trình đã được triển khai. Các trường học ở Tây nguyên đưa cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa. Lễ hội cồng chiêng được tổ chức thường xuyên nhằm quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN) đã từng có nhiều chuyến điền dã, góp phần quan trọng xây dựng bản tổng phổ về cồng chiêng Tây nguyên để trình hồ sơ lên UNESCO.
"Sự đặc sắc của cồng chiêng Tây nguyên đấy là thang âm riêng của nó. Tôi đã lưu giữ thang âm riêng của cồng chiêng Tây nguyên bằng phương pháp khoa học. Qua những lớp học chỉnh chiêng ở Kon Tum và Gia Lai thời gian qua, chúng tôi đã "kéo" học viên của mình về với những âm thanh đó và nhiều người trong số họ cũng ngạc nhiên, bị cuốn hút lạ kỳ. Thang âm riêng đó phải được trả về với cộng đồng để thiết lập lại "trật tự âm thanh", như chính nguyên bản của nó", nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, cồng chiêng Tây nguyên đang tìm cách thích nghi để tồn tại. Viện Âm nhạc VN đã số hóa hơn 500 điệu cồng chiêng, góp phần bảo tồn di sản này cho thế hệ mai sau. Cồng chiêng không chỉ có ý nghĩa đối với người dân Tây nguyên mà còn trở thành cầu nối văn hóa giữa VN với bạn bè quốc tế. Nhiều đoàn nghệ thuật cồng chiêng Tây nguyên đã được mời biểu diễn tại các sự kiện văn hóa lớn trên thế giới, mang âm vang đại ngàn đến với công chúng toàn cầu.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, âm vang của cồng chiêng Tây nguyên vẫn tiếp tục vọng mãi. Đó là nhờ nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các cấp chính quyền và đặc biệt là tình yêu sâu sắc của đồng bào Tây nguyên dành cho di sản văn hóa độc đáo của mình.
Lễ hội cồng chiêng Tây nguyên được tổ chức hằng năm, luân phiên giữa các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Lễ hội nhằm quảng bá du lịch, văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn hóa các tỉnh Tây nguyên nói chung. Tại đây, không gian lễ hội sẽ được tái hiện đúng với sắc màu của các dân tộc, phát huy giá trị truyền thống vốn có.
Vào mỗi năm, lễ hội cồng chiêng sẽ được tổ chức kết hợp với những nghi lễ, lễ hội đặc trưng của từng tỉnh, thành, dân tộc. Khi tiếng cồng chiêng ngân vang, đó không chỉ là âm thanh của kim loại, mà là tiếng nói của rừng núi, hơi thở của đại ngàn, là linh hồn bất diệt của một nền văn hóa đặc sắc mà UNESCO đã công nhận là di sản của nhân loại. (còn tiếp)
Theo Trần Hiếu (TNO)