Người 'giữ hồn' văn hóa Xơ Đăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều năm nay, anh A Ngự (sinh năm 1986, thôn Đăk Riếp 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) miệt mài truyền dạy kỹ thuật chế tác và biểu diễn nhạc cụ miễn phí cho đồng bào Xơ Đăng.

Sự nỗ lực của anh đã góp phần bảo tồn, lưu truyền rộng rãi văn hóa Xơ Đăng, một nền văn hóa đang có nguy cơ dần mai một.

A Ngự dạy thanh thiếu niên trong xã biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: HP
A Ngự dạy thanh thiếu niên trong xã biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: HP

Miệt mài truyền dạy

Tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, anh A Ngự được biết đến là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa đồng bào Xơ Đăng. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho âm nhạc truyền thống, A Ngự biết chế tác và chơi thành thạo 6 loại nhạc cụ truyền thống.

Đến xã Đăk Na, chúng tôi thấy tại căn nhà ngay giữa xã, một tốp thanh thiếu niên đang ngồi học đánh cồng chiêng, đàn đá, đàn t’rưng. Bên bộ cồng chiêng, A Ngự vừa tận tình chỉ dạy từng động tác, âm điệu, vừa kể lại những câu chuyện truyền thuyết gắn liền với mỗi loại nhạc cụ để học trò thấm nhuần giá trị văn hóa. Hết bài chiêng, A Ngự chuyển sang dạy đánh các nhạc cụ đàn đá, bộ xoa. Với cách truyền dạy đầy sinh động của anh, các thanh thiếu niên say sưa học tập, gương mặt thể hiện sự thích thú.

A Gia Bảo (sinh năm 2014, xã Đăk Na) say sưa lắng nghe những lời giảng, có lúc không hiểu, A Gia Bảo giơ tay hỏi. Em quan tâm đến bộ xoa - một nhạc cụ của đồng bào Xơ Đăng. Sau khi hiểu và có thể thực hành ngay, nụ cười hạnh phúc nở trên khuôn mặt A Gia Bảo. “Em rất mê chơi nhạc cụ dân tộc. Vì mê nên hay xuống nhà thầy A Ngự học. Gần 2 năm học, nay em đã thành thạo 2 loại nhạc cụ trên. Thầy A Ngự chỉ bảo em rất tận tình và tâm huyết nên giờ em đã biết chơi cơ bản 2 loại nhạc cụ là klong tap và bộ xoa. Sắp tới, em sẽ tiếp tục học chơi các loại nhạc cụ khác từ thầy A Ngự”, A Gia Bảo kể.

Trong số những học trò được thầy A Ngự truyền dạy, em A Ka Ly Sa Huy (sinh năm 2015, thôn Đăk Riếp 2, xã Đăk Na) được đánh giá là có tài năng thiên bẩm. Sau gần 2 năm theo học, Sa Huy đã chơi được 5 nhạc cụ. “Trước em rất yêu thích nhạc cụ dân tộc nhưng không ai dạy. Sau đó, thầy A Ngự biết, đã chủ động gọi em đến để chỉ dạy. Ngoài thời gian đi học, phụ giúp gia đình, em đến nhà thầy A Ngự học, tham gia biểu diễn tại các sự kiện. Thầy A Ngự truyền dạy hết mình, nhờ đó em học rất nhanh. Giờ đây, cả 5 nhạc cụ truyền thống, em đều chơi được. Em sẽ tiếp tục học để sau này lớn lên, sẽ kế thừa sứ mệnh bảo tồn văn hóa cha ông, tiếp tục truyền dạy cho người sau”, em Sa Huy nói.

Lưu giữ bản sắc dân tộc

Theo A Ngự, từ nhỏ anh vốn đã đam mê nhạc cụ dân tộc. Anh mong muốn chính anh sẽ là người lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, ngay từ năm 13 tuổi, anh đã tìm đến nghệ nhân học cách chế tác, trình diễn các nhạc cụ dân tộc. “Khi đã thành thạo các loại nhạc cụ, tôi nhận thấy số nghệ nhân biết chế tác, trình diễn ngày càng ít, trong khi lớp trẻ lại không mấy mặn mà. Điều này gây nguy cơ mai một văn hóa Xơ Đăng. Vì thế, tôi quyết định sẽ truyền dạy miễn phí cho đồng bào Xơ Đăng, dù biết việc này sẽ vất vả, tốn thời gian, công sức. Cũng may là gia đình tôi rất ủng hộ”, A Ngự nói. Để thực hiện, A Ngự lân la tìm gặp người trong làng có niềm đam mê và đặt vấn đề truyền dạy, thành phần truyền dạy cũng mở rộng từ thanh niên đến học sinh. A Ngự cũng chủ động thành lập các đội chiêng nhí tham gia các sự kiện, lễ hội.

“Không chỉ truyền dạy cho người dân trong xã, tôi còn dạy cho người dân trên địa bàn huyện. Tôi dạy bằng tất cả sự nhiệt huyết với khát khao làm sao càng nhiều người biết để cùng chung tay bảo tồn văn hóa. Tính ra, tôi đã truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho hơn 100 người. Trong các buổi biểu diễn văn hóa, liên hoan, lễ hội, nghe tiếng nhạc cụ dân tộc được ngân vang từ đôi bàn tay của học trò, tôi rất xúc động, hạnh phúc. Sự cố gắng của tôi trong việc truyền dạy đã phát huy hiệu quả khi văn hóa Xơ Đăng được lan truyền. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục truyền dạy miễn phí để văn hóa Xơ Đăng được tiếp tục trường tồn”, A Ngự nói.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho biết, trước đây, địa phương có nỗi lo lớn là văn hóa Xơ Đăng bị thất truyền do lớp nghệ nhân già mất đi, còn lớp trẻ lại bị cuốn theo những thú vui mới. Trước tình hình đó, A Ngự xung phong đào tạo, truyền dạy, dẫn dắt xây dựng các đội nghệ nhân để bảo tồn văn hóa đồng bào Xơ Đăng. Nhờ đó, xã đã xây dựng được thế hệ trẻ kế thừa xứng đáng. A Ngự còn tích cực tham gia các lễ hội, sự kiện văn hóa để biểu diễn, quảng bá âm nhạc truyền thống của người Xơ Đăng đến với bạn bè khắp nơi. Nhờ sự đóng góp âm thầm nhưng đầy ý nghĩa ấy, tinh thần văn hóa dân tộc ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ trong cộng đồng. Người dân trong vùng đều kính trọng, gọi anh là người giữ hồn văn hóa Xơ Đăng. Việc làm của A Ngự không chỉ là hành động mang tính cá nhân mà còn là tấm gương sáng, lan tỏa ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho cả cộng đồng.

“Địa phương tri ân đóng góp của A Ngự trong việc góp phần bảo tồn văn hóa Xơ Đăng. Xã sẽ tiếp tục phối hợp với A Ngự và các nghệ nhân khác trong việc quảng bá văn hóa Xơ Đăng đến du khách, để văn hóa Xơ Đăng sẽ được lưu truyền rộng khắp”, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết.

Theo HỮU PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở Kon Plông

Thực hiện Chỉ thị số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn (làng) đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã nỗ lực, tập trung hiện thực các chỉ đạo, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Con đường huyền thoại và xa lộ hôm nay

Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, có ý nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.