Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Ngày 30-4-1975, tiếng súng ngưng, miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải. Từ giây phút lịch sử đó, Sài Gòn - TPHCM, nơi từng in dấu bao đau thương và hy vọng - lại tiếp tục là nơi khởi đầu cho một hành trình mới. Hành trình ấy không chỉ là xây dựng lại những ngôi nhà, những tuyến phố hay các khu công nghiệp, mà còn là quá trình âm thầm nhưng mãnh liệt: hồi sinh và phát triển những giá trị văn hóa đã bị che phủ bởi khói lửa chiến tranh.

Nửa thế kỷ đi qua, TPHCM giờ đây là đô thị sôi động bậc nhất cả nước - một trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và tinh thần đổi mới. Nhưng trong nhịp sống ấy, có một dòng chảy lặng lẽ mà sâu sắc đang lan tỏa: hành trình gìn giữ và phát huy di sản văn hóa bằng công nghệ. Đó là cách mà TPHCM đang bước vào thời đại số vẫn không quên quá khứ, làm cho quá khứ “sống” lại theo một cách hiện đại, gần gũi và lan tỏa hơn bao giờ hết.

Gìn giữ và phát huy di sản bằng công nghệ không phải là một hành trình đơn độc của một địa phương mà nó còn được soi đường bằng tư duy chiến lược. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, từng nói đầy tâm huyết: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Tinh thần ấy tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (diễn ra tại Hà Nội ngày 13-1-2025). Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đưa văn hóa thành một nguồn lực nội sinh trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như việc ứng dụng công nghệ số để kết nối dữ liệu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, bảo tồn di sản...

TPHCM, với bản lĩnh của một đô thị đi đầu cả nước, đã chủ động biến định hướng ấy thành hành động cụ thể. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt với dự án “Số hóa không gian bảo tàng”, mở ra mô hình tham quan hoàn toàn mới trên nền tảng trực tuyến, một bảo tàng không tường, không khoảng cách. Hay như ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, nơi lưu giữ hàng ngàn đầu sách, báo và tư liệu quý giá từ thế kỷ 18, cũng đang bước vào hành trình số hóa với tốc độ đáng kinh ngạc. Những tờ báo từ năm 1954, những bài viết về phong tục người Sài Gòn, những hồi ký chiến sĩ cách mạng… giờ đây được lưu trữ trong không gian mạng, truy cập tự do, thân thiện và sống động. Hay một nhóm nghệ sĩ trẻ ở TPHCM đang phát triển dự án “Vietnam Time Travel” - cho phép người dùng trải nghiệm thành phố trong các mốc lịch sử khác nhau bằng kính thực tế ảo. Du khách có thể đứng tại vòng xoay Lê Lợi - Nguyễn Huệ hôm nay, đeo kính lên và nhìn thấy cảnh đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Những dự án như thế không chỉ phục dựng không gian mà còn đánh thức cảm xúc - làm cho lịch sử trở nên gần gũi và đáng nhớ.

Đặc biệt, những sáng kiến trên không chỉ nằm ở một vài cơ quan tiên phong mà đã lan rộng ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, như cách ngành giáo dục, du lịch, công nghệ, truyền thông cùng bắt tay với văn hóa tạo nên những chuỗi giá trị mới. Chuyển đổi số để lưu giữ và sinh sôi - để di sản văn hóa trở thành nguồn nguyên liệu cho sáng tạo, nguồn lực cho phát triển và nền tảng cho bản sắc.

Giữa dòng chảy số hóa đang lan rộng trên toàn cầu, TPHCM đã chọn một cách đi riêng - không phải chạy theo công nghệ như một xu hướng, mà đưa công nghệ vào phục dựng ký ức, bảo tồn bản sắc, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam một cách chủ động, có chiều sâu. Thành phố hiểu rằng, trong cuộc đua toàn cầu hôm nay, ai giữ được bản sắc người đó giữ được chỗ đứng. Và muốn giữ bản sắc, không thể đứng yên.

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa. Ngược lại, một thế hệ được tiếp cận với di sản qua công nghệ hiện đại, như trải nghiệm thực tế ảo, qua podcast lịch sử, phim hoạt hình truyền thống hay các nền tảng dữ liệu văn hóa mở… sẽ tiếp nhận truyền thống không như một món nợ phải mang mà như một món quà để khám phá, kế thừa và sáng tạo. Hiện tại và tương lai, di sản số chính là hành trang bền vững nhất của một thành phố có bản sắc. TPHCM đang đi trên con đường ấy, không ồn ào nhưng đầy quyết tâm, với niềm tin rằng, khi quá khứ được gìn giữ bằng công nghệ, tương lai sẽ được viết nên từ bản lĩnh văn hóa.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội

(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Chặn thuốc giả lên 'chợ mạng'

Khi một viên thuốc không rõ nguồn gốc dễ dàng được rao bán trên mạng chỉ bằng vài dòng quảng cáo và một đoạn video 'review' nhiều lượt thích, điều bị xâm phạm không chỉ là sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là niềm tin bị đánh tráo, trách nhiệm bị bỏ trống.

Làm giàu đừng bất nhẫn

Làm giàu đừng bất nhẫn

(GLO)- Có những người làm giàu được cả xã hội nể phục, bởi không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn góp sức để cộng đồng cùng phát triển. Họ chia sẻ lợi nhuận để làm công tác xã hội, giúp người nghèo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, các địa phương trên cả nước đang gấp rút sắp xếp đơn vị cấp cơ sở và sáp nhập tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. 

Mệnh lệnh vì sự phát triển

Mệnh lệnh vì sự phát triển

8 lần tới công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thị sát, kiểm tra, động viên và trong lần cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thời hạn về đích cụ thể cho tuyến cao tốc này là ngày 19.12 tới.

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

(GLO)- Có những lời xin lỗi khiến người ta cảm động, song cũng có những lời xin lỗi mãi mãi không nhận được sự chia sẻ. Trường hợp của MC Bích Hồng-gương mặt từng quen thuộc trên sóng SCTV-là một ví dụ rõ ràng. Lời xin lỗi cô đưa ra không mang lại cảm thông mà chỉ khoét sâu thêm nỗi thất vọng.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.