Xa dần tiếng trống hơ gơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Các gia đình thường để trống ở phòng khách và cấm con cháu không được tự ý vỗ vào mặt trống hoặc để những vật dụng cá nhân lên trống. Nếu là trống của buôn làng, họ để ở nhà rông hoặc nhà dài của già làng. Khi có việc hoặc lễ hội cần mang trống ra khỏi nhà, họ phải cúng xin thần trống. Quan trọng là vậy, thế nhưng ngày nay, tiếng trống hơ gơr dần xa vắng ở các buôn làng.

1bqv.jpg
Trống hơ gơr tại không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” (Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku) năm 2023. Ảnh: B.Q.V

Ngày xưa, người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chế tác trống hơ gơr hết sức kỳ công. Với người Kinh, việc chế tác trống trở thành một nghề kinh doanh và có làng nghề. Còn với các dân tộc ở Tây Nguyên, làm trống là để sử dụng như một loại nhạc cụ trong cộng đồng. Tang trống do người Kinh làm hầu hết bằng những mảnh gỗ ghép lại, mặt trống thì chủ yếu làm bằng da bò hoặc da trâu.

Còn đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, họ chế tác tang trống bằng gỗ nguyên khối, khoét đục rỗng ruột, lớn nhỏ cũng vậy, để lại độ dày nhất định. Mặt trống đa phần được bọc bằng da trâu đực hoặc da bò; có khi được bọc bằng da con nai, sơn dương hoặc bò, trâu rừng săn bắn được.

Các già làng kể rằng: Để chế tác một cái trống lớn, từ lúc chuẩn bị vật liệu cho đến khi bắt tay vào làm hoàn chỉnh có khi phải mất vài mùa rẫy. Vì công đoạn đi tìm cây gỗ lớn ở rừng không hề dễ dàng. Gỗ được lựa chọn để làm trống thường là sao, dổi, thông...

Việc chọn lựa những cây gỗ tốt, không bị sâu mọt, đủ độ lớn, nhất là những cây gỗ có đường kính 1 m trở lên thì không phải rừng nào cũng có. Khi đã tìm được cây gỗ phù hợp, họ phải làm lễ cúng xin thần rừng để hạ cây lấy gỗ. Sau đó, để cho gỗ khô đến độ vừa phải, họ mới tiến hành đục thủng ruột và chế tác tang trống. Những nghệ nhân có kinh nghiệm, khéo tay mới có thể chế tác tang trống bền, đẹp, tiếng trống có độ trầm, rung vang xa.

Da trống bịt ở 2 đầu phải là da của con trâu đực lớn (thường dùng cho trống cái), phơi khô vừa phải để căng trùm lên mặt trống, phủ xuống tang trống độ 10-15 cm và dùng chốt tre già đóng xung quanh 2-3 hàng để giữ mặt trống được căng. Nghệ nhân chế tác trống cạo sạch lông trên 2 mặt trống rồi liên tục dùng dùi gõ vào mặt trống để điều chỉnh độ rung vang của tiếng trống, khi nào nghe lọt “lỗ tai” mới thôi.

Khi hoàn chỉnh trống hơ gơr, họ phải làm lễ cúng thần trống bằng heo, bò, rồi mới rước trống về buôn làng. Người Jrai, Bahnar, Ê Đê, M’Nông thường sở hữu những trống cái lớn (mặt trống có kích thước gần 1 m trở lên) và xem nó như vật thiêng, là tài sản quý của buôn làng hoặc gia đình. Buôn làng hoặc gia đình nào có trống hơ gơr càng to, đẹp thì càng được mọi người tôn trọng, được xem là giàu có, thịnh vượng.

Trống hơ gơr chỉ được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Trong dàn cồng chiêng ở các lễ hội quan trọng như: mừng nhà rông mới, mừng chiến thắng, mừng lúa mới… thường không thể thiếu tiếng trống hòa âm, giữ nhịp, khiến không gian lễ hội thêm hoành tráng.

Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như vắng tiếng trống hơ gơr. Các loại trống hơ gơr có đường kính từ 1 m trở lên chỉ còn nhìn thấy ở các bảo tàng dân tộc địa phương hoặc các nhà sưu tập đồ cổ. Các nghệ nhân chế tác trống ở buôn làng cũng ngày càng thưa dần. Nguyên nhân sâu xa là nguồn vật liệu để chế tác trống truyền thống ngày càng khan hiếm.

Các buôn làng còn bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc bản địa, nhất là các đội cồng chiêng truyền thống đã cố gắng duy trì các loại trống nhỏ hơn như nhạc cụ để phối âm, điều khiển sự ngừng nghỉ, nhịp điệu trong đội hình cồng chiêng.

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

null