Đó cũng là lý do mà nhiều người góp tay làm văn nghệ dân gian ở Gia Lai không phải vì được đào tạo ở chuyên ngành này, mà bởi trong quá trình làm việc, đối tượng tiếp cận của họ là những giá trị văn hóa cổ truyền của người Bahnar, Jrai.
Mảnh đất màu mỡ cho văn nghệ dân gian
Từ tháng 11-1975, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được sáp nhập thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum (GL-KT) với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (2,6 triệu ha). Trên sơn nguyên bao la ấy, có 6/11 dân tộc tại chỗ của Tây Nguyên sinh sống.
Văn hóa của các dân tộc Bahnar, Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Brâu và Rơmăm lúc ấy còn nhiều dấu ấn của xã hội nguyên thủy, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người làm văn hóa-văn nghệ dân gian. Năm 1979, tỉnh GL-KT có dân số là 584.000 người thì các dân tộc tại chỗ có 333.669 người, chiếm trên 57% dân số toàn tỉnh.

Năm 1991, sau khi chia tách, Kon Tum vẫn giữ số lượng 6 dân tộc tại chỗ; Gia Lai chỉ còn lại 2 dân tộc là Bahnar và Jrai. Vậy nhưng, thế mạnh của văn nghệ dân gian của Gia Lai vẫn vẹn nguyên vì người Bahnar có dân số đứng đầu các dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Môn-Khmer; còn người Jrai có dân số đứng đầu trong các dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Malayo-Polinesia ở Tây Nguyên.
Mặt khác, Gia Lai lại là khu vực cư trú tập trung của cả 2 dân tộc này, hay nói cách khác, Gia Lai là vùng lõi của cả 2 tộc người Bahnar và Jrai. Mà thường thì giá trị văn hóa dân gian của một dân tộc sẽ được bảo lưu vẹn nguyên nhất ở vùng lõi, nhạt dần và chịu tác động bởi văn hóa của các dân tộc khác ở vùng biên.
Không ít rào cản
Sau 30 năm chiến tranh ác liệt, mạng lưới đường sá của tỉnh bị tê liệt do cầu cống, mặt đường bị phá hủy; các đường liên huyện, trục huyện cũng trong tình trạng tương tự. Những cây cầu lớn như: Ayun, Sông Ba (đường 19), Đăk Bla, Đăk Cấm, Diên Bình, Ia Hleo (đường 14), Ake, Sông Bờ, Lệ Bắc, Cà Lúi (đường liên tỉnh 7), Kon Rẫy (đường liên tỉnh 5)… đã bị đánh sập.
Thời điểm đó, những người đã một lần đến huyện Đăk Glei công tác đều được coi như “anh hùng” bởi những khó khăn mà họ trải qua trên cung đường khoảng 200 km ấy.
Không chỉ khó khăn về giao thông hay thiếu lương thực, những người làm văn học nghệ thuật nói chung, văn nghệ dân gian nói riêng lúc bấy giờ còn phải đối mặt với rào cản về ngôn ngữ. Chuyến công tác đầu tiên xuống làng của tôi khi vừa ra trường (năm 1986) là vào xã Ngọk Réo (thị xã Kon Tum). Lúc đi, tôi được ngồi cùng xe với chú Vũ-Bí thư Thị ủy Kon Tum. Làm việc xong, chú trở về cơ quan.
Trước lúc ra xe, chú hỏi tôi: “Cháu làm việc bao lâu thì xong để chú bố trí xe đón?”. Tôi nói: “Dạ, chắc 2 tuần chú ạ!”. Không thể ngờ rằng, từ lúc xe của chú về, tôi hoàn toàn bất lực, bởi Ngọk Réo (căn cứ của H5-thị xã Kon Tum trong kháng chiến) có 100% dân số là người Xê Đăng. Ngôi làng tôi ở chỉ có vài người nói được với tôi câu “ăn cơm đi”.
Không thể làm việc được nhưng cũng không biết đi đường nào để trở lại trung tâm thị xã Kon Tum, tôi vừa buồn vừa lo lắng. Lúc ấy, tôi chỉ biết đi ăn cơm khi chủ nhà vẫy vào ngồi cạnh nồi cơm bên bếp lửa; chiều lặn mặt trời lại ra bờ suối thút thít; đêm xuống, cuốn chặt trong chiếc võng mắc vào 2 cột nhà sàn ở góc nhà.
Từ bóng tối, tôi nhìn ra quan sát dân làng uống rượu, trò chuyện, hò hát… Phải hơn 1 tuần sau, khi có anh bộ đội người làng về thăm nhà rồi trở lại đơn vị, tôi mới bám theo đi bộ ra thị xã.
Nhiều tên tuổi, công trình nổi bật
Những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất, Ty Văn hóa-Thông tin GL-KT đón nhận một số con em người dân tộc thiểu số của Gia Lai trở về sau một thời gian tập kết, học tập ở miền Bắc. Trong số họ, người có đóng góp nhiều cho văn nghệ dân gian là cử nhân ngôn ngữ Rơmăh Del (dân tộc Jrai) và họa sĩ Xu Man (người Bahnar).
Ông Rơmăh Del có công trình để đời là “Từ điển Việt-Giarai” được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành lần đầu vào năm 1977. Về quê hương, ông sưu tầm và công bố nhiều truyện cổ Jrai, viết nhiều bài nghiên cứu cho các hội thảo khoa học, đáng chú ý là những bài viết về cồng chiêng.

Họa sĩ Xu Man có hàng trăm bức tranh sơn dầu vẽ về đồng bào mình. Trong tranh của ông, hình tượng Bác Hồ cùng đồng bào Tây Nguyên chiếm số lượng đáng kể. Năm 1981, nhân kỷ niệm 51 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Tân Dậu, ngành Văn hóa-Thông tin tổ chức triển lãm Mỹ thuật lần thứ nhất. Trong số 250 tác phẩm được trưng bày, tranh của họa sĩ Xu Man chiếm một nửa với hơn 120 tác phẩm. Ông xứng danh là “cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Tây Nguyên”.
Tham gia hoạt động văn nghệ dân gian trong những ngày đầu của chặng đường 50 năm sau giải phóng còn có Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La (lĩnh vực múa dân gian), Nay Pharr, Y Tư (nhạc cụ), Y Ben (dân ca)…
Năm 1982, Ty Văn hóa-Thông tin GL-KT ấn hành cuốn “Hơ mon Đăm Noi”-sử thi đầu tiên của dân tộc Bahnar. Công trình này do Phạm Thị Hà sưu tầm và biên dịch. Người chuyển ngữ chính từ tiếng Bahnar sang tiếng Việt là anh Khuyên Đông (người Bahnar), con đẻ của vùng đất Kông Chro giàu sử thi.

Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, đội ngũ những người làm văn nghệ dân gian được đào tạo bài bản về với Bắc Tây Nguyên tăng dần. Ngày ấy, họ là những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học ở các thành phố lớn. Mỗi người có một chuyên môn riêng, làm những công việc khác nhau nhưng điểm chung là đều miệt mài từ những bước ban đầu; cặm cụi nhặt nhạnh, phân tích, tích góp… những mảnh vụn từ kho tàng di sản.
Và chắc chắn, không ai trong số họ nghĩ rằng những gì mình làm sẽ tạo nên tên tuổi; những gì mình tích góp sẽ là một phần của “cái bồ” di sản văn nghệ dân gian Gia Lai giàu có hôm nay. Họ là Chử Anh Đào, Văn Công Hùng, Trần Phương Nguyên (văn học dân gian); Trần Phong (nhiếp ảnh); Đào Huy Quyền, Lê Xuân Hoan, Phạm Cao Đạt (âm nhạc)…
Nhìn lại chặng đường đã qua cùng kho tàng di sản văn nghệ dân gian Gia Lai, chúng ta thêm vui, thêm hy vọng ở các thế hệ tiếp nối.