Phú Thiện: Chi hội, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân ở huyện Phú Thiện cho ra mắt 3 chi hội, tổ hội nghề nghiệp tập hợp những nông dân cùng chung sở thích để liên kết phát triển nghề nghiệp, tạo ra chuỗi sản phẩm giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.



Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện-cho biết, 3 chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập gồm: tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn thị trấn Phú Thiện, chi hội nghề nghiệp nuôi cá giống xã Ia Peng và chi hội nghề nghiệp phong lan Phú Thiện. Đây không chỉ là nơi tập hợp, thu hút hội viên nông dân cùng chung sở thích mà còn thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. “Nhờ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực nên sau một thời gian đi vào hoạt động, 3 chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái tìm đến thu mua sản phẩm”-ông Thắng chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Thủy (bìa phải) cùng Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện bên vườn rau của mình. Ảnh: Đinh Yến
Ông Hoàng Văn Thủy (bìa phải) cùng Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện bên vườn rau của mình. Ảnh: Đinh Yến



Tháng 8-2018, Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện đã chọn tổ dân phố 10 thí điểm xây dựng tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn. Đây là nơi người dân có nhiều kinh nghiệm trồng rau, có điều kiện đất đai màu mỡ, chủ động được nguồn nước tưới nên phù hợp để triển khai mô hình trồng rau an toàn. Là một trong những thành viên đi đầu tham gia tổ hội, ông Hoàng Văn Thủy cho biết: Trước đây, gia đình ông cũng trồng 2 sào rau nhưng hiệu quả không cao, trung bình mỗi tháng cho thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng. Từ khi trồng rau an toàn, mỗi tháng, vườn rau này thu nhập hơn 10 triệu đồng. “Trồng rau an toàn không quá khó, chỉ cần siêng năng, tuân thủ quy trình, có sổ ghi chép lịch thời vụ. Mọi thứ từ nhà lưới, giống cây trồng, phân bón đến đường ống dẫn nước tưới... đều được hướng dẫn đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm thu hoạch phải sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”-ông Thủy chia sẻ. Cũng theo ông Thủy, hiện nay, ở nhiều nơi, người dân chưa tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi trồng rau an toàn trong nhà kính sẽ hạn chế sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sâu bệnh gây hại, năng suất thu được cao gấp 3-4 lần so với phương thức sản xuất truyền thống lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Bùi Trung Thành-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện, khi mới thành lập, tổ hội nghề nghiệp trồng rau an toàn chỉ có 3 hộ đăng ký tham gia với diện tích 6 sào. Cùng với chính quyền, Hội Nông dân thị trấn, cán bộ kỹ thuật đi sâu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn để cung cấp cho thị trường những sản phẩm rau sạch, chất lượng. Trước mỗi vụ trồng mới, các thành viên trong tổ họp thống nhất phân chia trồng từng loại rau khác nhau nhằm đa dạng sản phẩm để thuận lợi khi tiêu thụ. “Nhờ vậy, đến nay, tổ hội có 9 hộ tham gia với diện tích hơn 1 ha. Các sản phẩm rau an toàn của tổ hội cung cấp cho các trường học, một số nhà hàng trong huyện, thị xã Ayun Pa và thương lái đưa đi tiêu thụ ở nơi khác”-ông Thành cho hay.

Chi hội nghề nghiệp cá giống xã Ia Peng sau khi thành lập vào tháng 8-2019 cũng đã phát huy lợi ích khá rõ. Bà Đàm Kim Liên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Peng-cho biết: Chi hội hiện có 31 hội viên. Hoạt động của chi hội đã giúp các hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ cá giống. Hiện một số hội viên của chi hội được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vay tổng cộng 400 triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi cá giống.

Ông Trần Văn Sô (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) cho cá giống ăn. Ảnh: H.T
Ông Trần Văn Sô (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) cho cá giống ăn. Ảnh: H.T



Ông Trần Văn Sô (thôn Thanh Bình, xã Ia Peng) tham gia chi  hội nghề nghiệp cá giống vào cuối năm 2019. Không những được các hộ đi trước chia sẻ nhiều kinh nghiệm nhân nuôi cá giống, ông Sô còn được Hội Nông dân xã giới thiệu vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Có vốn, ông đầu tư nuôi giống cá trắm, chép, mè, trôi, diêu hồng, thác lác, rô đồng… trên diện tích hơn 2,5 ha. Mỗi lứa cá giống, ông bán ra thị trường 3,5 tấn cá các loại, giá trung bình 70-90 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 100 triệu đồng/lứa. Mỗi năm nuôi 3 lứa cá giống, gia đình ông lãi gần 400 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện khẳng định, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp không chỉ giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn tạo nên sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, đây là tổ chức tự nguyện, không tài chính, không con dấu và không trụ sở nên việc duy trì sinh hoạt, tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn. “Mong muốn lớn nhất của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp là được hỗ trợ hơn nữa về vốn vay, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Khi giải quyết được vấn đề nêu trên thì các chi hội, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện còn phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc thu hút hội viên, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn”-ông Thắng nhấn mạnh.

Hà Tây

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.