Pleiku phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng ưu đãi trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên nông dân TP. Pleiku đã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.
“Tiếp sức” cho nông dân
Năm 2020, 15 thành viên của Nông hội trồng rau an toàn làng Wâu (xã Chư Á) được vay 600 triệu đồng (40 triệu đồng/người) từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam để phát triển sản xuất. Ông Trần Duy Bách-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Với nguồn vốn hỗ trợ, các thành viên Nông hội đã đầu tư mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… để phát triển diện tích rau an toàn. Qua kiểm tra cho thấy, việc sử dụng vốn của các hội viên đều đúng mục đích. Hiện nay, các thành viên Nông hội đã có thu nhập ổn định”.
Vừa chăm sóc vườn rau, anh Vi Văn Dậu phấn khởi chia sẻ: “Nông hội trồng rau an toàn là ngôi nhà chung để chúng tôi trao đổi, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, sau khi được vay vốn, tôi đã mua phân bón và sửa sang hệ thống tưới cho 3 sào rau. Nhờ vậy, vườn rau phát triển tốt và đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Anh Vi Văn Dậu (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) phấn khởi vì được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ảnh: Trần Dung
Anh Vi Văn Dậu (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) phấn khởi vì được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ảnh: Trần Dung
Nông hội mía xã Ia Kênh được thành lập vào tháng 5-2020. Ông Kpă Pyui (làng Nhao 1) cũng được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ông cho hay: “Trước đây, chúng tôi trồng mía nhỏ lẻ do thiếu vốn và kỹ thuật. Khi tham gia Nông hội, ngoài học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và hướng dẫn kỹ thuật trồng mía, tôi còn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP. Pleiku. Đầu năm 2021, tôi vay 25 triệu đồng mua máy móc để phục vụ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch mía tím. Nhờ vậy, ruộng mía của gia đình phát triển tốt, dự kiến năng suất cao hơn năm ngoái”.
Bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kênh-cho hay: Hội Nông dân xã có 442 hội viên, trong đó, hội viên người dân tộc thiểu số chiếm gần 96%. Vì vậy, nhu cầu tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân rất lớn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2018, từ 200 triệu đồng của Quỹ Hội nông dân TP. Pleiku phân bổ, Hội Nông dân xã đã cho 8 hộ tại làng Mơ Nú và làng Nhao 1 vay để chăm sóc và phát triển vườn cà phê. “Năm 2021, chúng tôi tiếp tục được nhận 200 triệu đồng từ nguồn quỹ này để 8 hội viên thuộc Nông hội mía tím làng Nhao 1 và làng Nhao 2 vay đầu tư sản xuất. Đây là điều kiện khích lệ để các hội viên nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”-bà Liễu thông tin.
Quan tâm xây dựng nguồn quỹ
Toàn thành phố có hơn 13.300 hộ làm nông nghiệp (trong đó, tổng số hội viên nông dân là 11.885, chiếm 89,34%). Công tác xây dựng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Hội Nông dân thành phố phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai thực hiện việc xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn; tích cực chỉ đạo cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ năm 2018 đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố đạt gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn trung ương ủy thác là 600 triệu đồng, ngân sách thành phố cấp 1,9 tỷ đồng, Hội Nông dân huy động 40 triệu đồng, cơ sở Hội vận động hơn 373 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Nông dân thành phố đã giải ngân cho 88 lượt hộ vay để thực hiện 10 dự án chăn nuôi bò và 28 hộ vay theo nhóm hộ gia đình để trồng, chăm sóc cà phê, rau xanh các loại, trồng mía, chăn nuôi... Bên cạnh việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cơ sở Hội còn vận động hội viên xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế do chi hội quản lý với số tiền trên 2 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội đã phối hợp tổ chức được 271 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 8.600 lượt hội viên, nông dân. Trong đó, có 70% số hội viên tham gia thực hiện các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn ủy thác qua các ngân hàng. Qua đó đã giúp hàng ngàn hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, hàng trăm hộ trở thành nông dân sản xuất giỏi.
Hội Nông dân thành phố cùng chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các hộ trồng mía tím có nhu cầu tham gia vay vốn. Ảnh: Trần Dung
Hội Nông dân TP. Pleiku cùng chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các hộ trồng mía tím có nhu cầu tham gia vay vốn. Ảnh: Trần Dung
Bà Nguyễn Thị Bích Vân-Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku-cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, thời gian qua, Hội Nông dân TP. Pleiku đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn quỹ. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu, trong đó ưu tiên lựa chọn những hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.
“Mặc dù số hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay này chưa nhiều nhưng Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống”-Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku khẳng định.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.