Pleiku nỗ lực “phủ sóng” bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến cuối tháng 2-2023, TP. Pleiku có 220.530 người (không bao gồm lực lượng vũ trang) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 80,93% dân số. Để đạt chỉ tiêu đến cuối năm 2023 số người tham gia BHYT đạt 93,5%, cả hệ thống chính trị thành phố đang nỗ lực vào cuộc với nhiều giải pháp cụ thể.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, đến cuối tháng 2-2023, nhiều xã, phường thuộc TP. Pleiku có tỷ lệ người tham gia BHYT đạt thấp như: xã Gào (45,55%), Chư Á (50,75%), Diên Phú (57,45%), Biển Hồ (61,52%), phường Thắng Lợi (61,69%)… Mặc dù các ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng tỷ lệ người tham gia BHYT vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Ông Trần Ngọc Tuấn-Phó Giám đốc BHXH tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) TP. Pleiku-đánh giá: Việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt thấp. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT mới đạt 93,48%. Một số xã, phường có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp so với mặt bằng chung, đặc biệt là địa bàn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, kinh tế gia đình khó khăn.

Thành phố Pleiku phấn đấu đến cuối năm 2023, số người tham gia BHYT đạt 93,5%. Ảnh: Như Nguyện

Thành phố Pleiku phấn đấu đến cuối năm 2023, số người tham gia BHYT đạt 93,5%. Ảnh: Như Nguyện

Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-thông tin: Tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn xã đạt thấp. Vì vậy, UBND xã tiếp tục rà soát các đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, nhất là các hộ nông-lâm-ngư nghiệp. Đồng thời, xã cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Còn bà Lê Thị Hoài Phương-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi thì thông tin: Phường có 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT còn thấp. Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tăng cường tuyên truyền, vận động giúp người dân thấy rõ lợi ích của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó chủ động tham gia.

“Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các Mạnh Thường Quân ủng hộ kinh phí hỗ trợ các trường hợp khó khăn, người dân tộc thiểu số tham gia BHYT. Các ban, ngành, đoàn thể thành lập các tổ hỗ trợ tham gia BHYT để tạo điều kiện cho bà con vay tiền mua thẻ BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn”-bà Phương nói.

Theo bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku: Nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh trên địa bàn thành phố tham gia BHYT, thời gian qua, Phòng đã giao chỉ tiêu về từng đơn vị trường học, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh mua BHYT cho học sinh. Các trường học cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn mua BHYT.

“Nhìn chung, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn thành phố đã tăng qua từng năm học. Tuy nhiên, bên cạnh những trường đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT thì vẫn còn một số đơn vị chưa đạt tỷ lệ như mong muốn, nhất là các trường có đông học sinh người dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương trong tuyên truyền, vận động để nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia BHYT”-bà Thoa cho hay.

UBND phường Thắng Lợi phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến người dân trên địa bàn ngày 26-3. Ảnh: Như Nguyện

UBND phường Thắng Lợi phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến người dân trên địa bàn ngày 26-3. Ảnh: Như Nguyện

Về giải pháp nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT, ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: Quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa cơ quan BHXH tỉnh và các đơn vị, xã, phường để có số liệu thống kê chính xác. Trong quá trình thực hiện, nếu cơ quan BHXH tỉnh phát hiện vấn đề vướng mắc thì nhanh chóng thông tin để UBND thành phố tháo gỡ kịp thời nhằm triển khai công tác này hiệu quả. Các địa phương cần rà soát nắm chắc các đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND để hỗ trợ giúp các đối tượng được thụ hưởng theo quy định.

Cũng theo ông Sung, UBND thành phố đã giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT cho các xã, phường và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần chủ động, quyết tâm thực hiện, làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ người tham gia BHYT đạt thấp.

Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; tập trung triển khai các nhóm giải pháp phát triển người tham gia BHYT, đi đôi tuyên truyền, vận động, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.