Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Đây là “cần câu” để các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Buôn Ling (xã Ia Hiao) có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Buôn hiện có 219 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào cây lúa nước, mì và chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống còn khó khăn. Trong đó, 33 hộ nghèo hầu hết đều thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND xã đã chủ động phối hợp với các phòng, ban của huyện hỗ trợ 19 con bò sinh sản cho 19 hộ nghèo, cận nghèo ở buôn Ling. Đồng thời, xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh trên đàn bò. Nhờ vậy, đến nay, số bò này sinh trưởng, phát triển ổn định. Đây là động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bà Ksor H’Truên (buôn Ling) cho biết: Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Thu nhập của 2 mẹ con bà chủ yếu dựa vào 3 sào đất trồng mì và công việc làm thuê. Vì vậy, cái nghèo thường xuyên đeo bám gia đình.

“Cuối năm 2023, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Từ khi nhận bò, hàng ngày, tôi cắt cỏ ngoài đồng, mua thêm rơm dự trữ vào mùa khô và trồng thêm cỏ voi quanh vườn nhà để làm thức ăn cho bò. Đến nay, bò phát triển tốt. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để sớm thoát nghèo”-bà H’Truên chia sẻ.

Bà Ksor H’Truên (buôn Ling, xã Ia Hiao) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Bà Ksor H’Truên (buôn Ling, xã Ia Hiao) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Ông Siu Vy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hiao kiêm Bí thư Chi bộ buôn Ling-cho hay: Để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế, cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên đến từng hộ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Trên cơ sở đề xuất nhu cầu của các hộ, buôn tổ chức họp dân thống nhất lựa chọn cây trồng hay vật nuôi để hỗ trợ.

“Từ khi cấp bò đến nay, cán bộ trong buôn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và cán bộ thú y xã đến từng hộ gia đình kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Người dân rất kỳ vọng đây sẽ là nguồn sinh kế để vươn lên thoát nghèo trong những năm tới”-ông Vy cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hiao kiêm Bí thư Chi bộ Bôn Ling thăm hỏi hộ nghèo được hỗ trợ nuôi dê sinh sản. Ảnh: N.D

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hiao kiêm Bí thư Chi bộ Bôn Ling thăm hỏi hộ nghèo được hỗ trợ nuôi dê sinh sản. Ảnh: N.D

Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2023, huyện được phân bổ 1,1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế.

Dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, huyện đã triển khai hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, xã Ia Hiao có 19 hộ, xã Ia Piar có 34 hộ được hỗ trợ bò (mỗi hộ 1 con).

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Phòng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ được hỗ trợ bò ở xã Ia Hiao và Ia Piar; phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình chăn nuôi của các hộ để có hướng dẫn kịp thời; kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Phòng tìm hiểu những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ các địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền, nhân rộng trên địa bàn.

“Năm 2024, cũng từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ hỗ trợ 46 con bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại 3 xã Ia Piar, Ia Hiao và Chrôh Pơnan. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hộ ở vùng đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.