Phú Thiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đạt được những kết quả ấn tượng, đời sống người dân từng bước được nâng cao.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

Những năm qua, huyện Phú Thiện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực và phát huy vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM. Từ đầu năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá toàn diện các tiêu chí; ưu tiên đầu tư những công trình thiết yếu; đồng thời, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia.

3t.jpg
Các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch khoai lang đều được cơ giới hóa giúp người nông dân tiết kiệm sức lao động. Ảnh: B.A

Ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-thông tin: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, UBND huyện yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện các chương trình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Đến nay, toàn huyện có 6/9 xã và 22 thôn, buôn đạt chuẩn NTM. Năm 2025, huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng 3 xã Ia Hiao, Chư A Thai, Ia Yeng đạt chuẩn NTM, tiến tới mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra.

Một trong những điểm nhấn rõ nét trong chương trình xây dựng NTM là việc thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo rà soát, toàn huyện còn 355 căn nhà tạm, nhà dột nát cần xây dựng, sửa chữa với tổng kinh phí 18,3 tỷ đồng, trong đó, xây dựng 254 nhà, sửa chữa 101 nhà. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, các địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và công sức người dân để triển khai.

Ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Piar-cho biết: “Xã được giao xóa 49 căn nhà tạm, nhà dột nát. Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, tổ chức các nhóm thợ hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kế hoạch huyện giao”.

Nhờ cách làm bài bản và quyết tâm cao, đến ngày 30-4, huyện đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch của tỉnh. Đại đa số căn nhà có diện tích 70-75 m2, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, nhà bếp và nhà vệ sinh khép kín, bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho hộ dân. Bà Nay Hdoănh (buôn Mơ Nai Trang, xã Ia Piar) xúc động chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi bị dột nát. Giờ được về nhà mới, tôi mừng lắm. Gia đình biết ơn các cấp chính quyền rất nhiều”.

2-pthien1.jpg
Xã Ayun Hạ khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Ảnh: V.C

Theo ông Trần Trung Hiếu-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện: “Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có ý nghĩa rất nhân văn. Huyện đã chủ động xây dựng mô hình, phối hợp với người dân chọn mẫu nhà phù hợp, đảm bảo diện tích và công năng. Với quyết tâm cao, chúng tôi đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra và bàn giao toàn bộ nhà cho các hộ dân. Qua đó, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có chỗ ở ổn định để vươn lên trong cuộc sống”.

Bên cạnh hạ tầng dân cư, hạ tầng giao thông cũng được huyện ưu tiên đầu tư. Từ năm 2021 đến 2024, Phú Thiện đã dành hơn 183,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để phát triển hệ thống giao thông; riêng năm 2024 là 46,4 tỷ đồng. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã đã được bê tông hóa, không còn tình trạng lầy lội vào mùa mưa.

Ông Ngô Văn Hiếu-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho biết: “Việc đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM mà còn thúc đẩy sản xuất, giao thương thuận lợi hơn. Đến nay, các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã không còn lầy lội vào mùa mưa và đủ điều kiện để đạt chuẩn NTM”.

Nâng cao đời sống người dân

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, huyện Phú Thiện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, gắn với đầu tư hạ tầng và thị trường tiêu thụ. Năm 2024, người dân trong huyện đã chuyển đổi hơn 1.800 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai lang, mía, mì, thuốc lá…

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường-cho hay: “Việc chuyển đổi giống mì cũ sang các giống mới như HN5, HN1 đã mang lại hiệu quả bước đầu. Để đảm bảo ổn định sản xuất, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường kết nối doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”; đồng thời, định hướng để bà con tham gia canh tác gắn với chuỗi giá trị, đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nhằm có thu nhập ổn định, bền vững”. Dự kiến trong năm 2025, huyện tiếp tục chuyển đổi thêm hơn 840 ha cây trồng khác nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, huyện Phú Thiện còn triển khai hiệu quả các chương trình, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… được đầu tư xây dựng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.

Bà Ngô Thị Thanh Diệp-Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Phú Thiện-đánh giá: “Thời gian qua, huyện triển khai hơn 10 dự án với 32 nội dung và tiểu dự án thành phần. Kết quả đạt được rõ ràng nhất của chương trình là dự án 1 về cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho bà con và dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên cho vùng khó khăn”.

Cùng với nông nghiệp, hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ cũng có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước thực hiện 64,4 tỷ đồng, đạt 25,2% so với kế hoạch năm. Nhiều ngành nghề thế mạnh của địa phương như sản xuất vật liệu xây dựng, gia công hạt điều, sửa chữa máy móc, xay xát gạo… tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Ngoài ra, Chương trình OCOP cũng được huyện triển khai tích cực. Huyện hiện có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mặt khác, huyện cũng đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân, giữ gìn an ninh trật tự; các chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

1-pthien2.jpg
Trung tâm hành chính huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T

Năm 2025, huyện Phú Thiện tiếp tục xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nông-lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, mở rộng cánh đồng lớn, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” và các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, huyện huy động các nguồn lực xây dựng NTM bền vững, phấn đấu thêm 3 xã và 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn NTM. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, phát triển chăn nuôi công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

“Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo và giữ vững tiêu chí đã đạt được”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhớ về Kbang

Nhớ về Kbang

(GLO)- Tháng 5-1992, tôi rời giảng đường trường đại học sư phạm với tương lai mờ mịt, bởi đó là năm ngành Giáo dục tinh giản biên chế rất nhiều. 

Báo Gia Lai sẽ truyền hình trực tiếp lễ viếng, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ

Báo Gia Lai sẽ truyền hình trực tiếp lễ viếng, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ

(GLO)- Chương trình lễ viếng, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng truyền hình và livestream trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Gia Lai vào lúc 9 giờ ngày 23-5. Mời quý vị khán giả đón xem.

Lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng

Lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng

(GLO)- Hội Thích trồng cây Gia Lai không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng nhiều loại rau và hoa, mà còn là cầu nối để mọi người trao đổi cây với giá…0 đồng. Nhờ đó đã khuyến khích cộng đồng tham gia trồng cây, góp phần bảo vệ môi trường.

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

Krông Pa tổ chức tập huấn xây dựng mã số vùng trồng

(GLO)- Trong 2 ngày (13 và 14-5), Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Pa phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai tổ chức 2 lớp tập huấn xây dựng mã số vùng trồng cho gần 200 cán bộ, công chức cấp xã, các hộ dân, doanh nghiệp và HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

(GLO)- Khi tiếng ve gọi hè, trên những tán cây xanh và ở dưới mặt đất ẩm ướt sau những cơn mưa giông đầu mùa trên phố núi Pleiku lập lòe ánh sáng đom đóm. Tất cả báo hiệu một mùa đom đóm bay-mùa bình yên ở thành phố trên cao nguyên xanh.

Gia Lai thành lập tổ công tác liên ngành triển khai chuyển tiếp quản lý về đầu tư công

Gia Lai thành lập tổ công tác liên ngành triển khai chuyển tiếp quản lý về đầu tư công

(GLO)- Ngày 12-5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký Quyết định số 256/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Kỷ niệm với Chư Păh

Kỷ niệm với Chư Păh

(GLO)- Trước đây, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) được đặt tên là Khu 4. Khu 4 bao gồm cả vùng phía Bắc đường 19B, Đông giáp thị xã Pleiku và phía Tây đường 14, Bắc giáp tỉnh Kon Tum, Tây giáp nước bạn Campuchia.