Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Ia Pa: Thực chất và lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo các tầng lớp nhân dân huyện Ia Pa hưởng ứng tích cực. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Xác định gia đình là tế bào của xã hội, môi trường văn hóa trong gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành tư tưởng, đạo đức và lối sống của mỗi con người, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp ở huyện Ia Pa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng gia đình trong khu dân cư tích cực đăng ký và phấn đấu thực hiện các tiêu chuẩn để đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Công tác bình xét gia đình văn hóa được thực hiện chặt chẽ, công khai, dân chủ. Những nội dung được chú ý khi bình xét gia đình văn hóa là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, gia đình hòa thuận, không có người mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực, tích cực tham gia sinh hoạt thôn, làng và tương trợ cộng đồng… Kết quả, năm 2020, toàn huyện có 7.857 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 60,3%.
Hộ bà Ksor H’Pam (buôn Biah A, xã Ia Tul) là điển hình về xây dựng gia đình văn hóa. Chồng bỏ nhà đi từ năm 1999, một mình bà làm lụng nuôi 5 người con ăn học. Hiện tại, cả 5 người con của bà đều thành đạt, trong đó, người con út có bằng thạc sĩ. Bà H’Pam cũng là người tiên phong trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà vận động người thân, bà con làng xóm di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, trồng con đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.
Bà H’Pam chia sẻ: “Nhớ lại những vất vả, thăng trầm của cuộc đời mình, nhiều khi tôi vẫn rơi nước mắt. Nhưng càng khổ bao nhiêu, tôi càng cố gắng nuôi con ăn học bấy nhiêu bởi có con chữ mới giúp các con đỡ khổ. Cũng may, các con đều thuận hòa, biết thương mẹ, cố gắng học hành. Các con nay đều có gia đình riêng nhưng cứ đầu tháng lại tập trung đông đủ tại nhà mẹ nấu ăn, động viên nhau, không khí gia đình ấm cúng lắm”.
Bà Ksor H'Pam (bìa phải, buôn Biah A, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) trò chuyện, động viên con, cháu phát huy truyền thống hiếu học của gia đình.Ảnh.Vũ Chi
Bà Ksor H'Pam (bìa phải, buôn Biah A, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) luôn động viên con, cháu phát huy truyền thống hiếu học của gia đình. Ảnh: Vũ Chi
Cùng với xây dựng gia đình văn hóa, công tác xây dựng thôn, làng văn hóa đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống của Nhân dân, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Năm 2020, toàn huyện có 44 thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 86,2%.
Buôn Thăm (xã Ia Trok) nhiều năm liền được công nhận danh hiệu văn hóa. Hiện 100% số hộ trong buôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 50% số hộ sử dụng nước sạch, 82,4% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Các tuyến đường luôn được vệ sinh sạch sẽ. Người dân tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Buôn Thăm đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng thôn Rmah Bun cho hay: Trên cơ sở những tiêu chí xây dựng làng văn hóa, hệ thống chính trị của buôn đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hầu hết các đám cưới được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, tang lễ được tổ chức tiết kiệm, việc sử dụng hệ thống loa đài với âm lượng lớn hầu như không còn, các tập tục lạc hậu giảm đáng kể. Thời gian tổ chức tang lễ thực hiện đúng quy định, không quá 2 ngày.
Các tuyến đường tại buôn Thăm (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) đã được bê tông hóa. Ảnh: Vũ Chi
Các tuyến đường tại buôn Thăm (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) đã được bê tông hóa. Ảnh: Vũ Chi
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện hưởng ứng tích cực. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh công sở. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo”, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả, năm 2020, toàn huyện có 57/61 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu công sở văn hóa, chiếm 93,4%.
Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa-đánh giá: Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đi đôi với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. “Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, Ban Chỉ đạo huyện xác định đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời, huy động sự chung tay thực hiện của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân. Phấn đấu cuối năm 2021, toàn huyện sẽ có 8.000 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 46/51 thôn, làng đạt văn hóa, 59/61 công sở đạt văn hóa”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện nhấn mạnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), huyện Chư Pưh đã triển khai các dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo liên kết sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo.