Phòng cháy, chữa cháy mía với phương châm “4 tại chỗ”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước tình hình cháy mía ngày càng diễn biến phức tạp tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh, ngày 2-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cùng đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông-Vận tải đã đến kiểm tra thực tế tình hình sản xuất mía đường tại huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa.

Số vụ cháy mía tăng đột biến

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, niên vụ 2022-2023, toàn tỉnh có 36.900 ha mía (tăng hơn 15% so với kế hoạch đề ra) tập trung tại khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh. Năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 67 tấn/ha, sản lượng mía ước đạt hơn 2,4 triệu tấn. Năm nay, giá mía được 2 nhà máy đường thu mua ở mức gần 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, tình hình cháy mía lại diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xảy ra 99 vụ cháy mía của 205 hộ với diện tích hơn 315 ha. Việc mía bị cháy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của các nhà máy. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện: Phú Thiện 63 vụ cháy với diện tích hơn 251 ha, Kông Chro 17 vụ/51 ha, Chư Sê 1 vụ/27 ha, Ia Pa 15 vụ/24 ha…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình cháy mía tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Nguyễn Diệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình cháy mía tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Toàn huyện có khoảng 2.734 ha mía. Đến ngày 1-3, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTCS Gia Lai) đã thu mua 1.562 ha với sản lượng gần 121 ngàn tấn. Năm nay, số vụ cháy mía trên địa bàn huyện tăng đột biến so với những năm trước.

Theo thông tin từ TTCS Gia Lai, đến nay, Công ty đã thu hoạch được khoảng 7.000 ha mía trong vùng nguyên liệu. Trong vụ ép năm nay, tình hình cháy mía diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho người trồng mía mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Công ty. Đến nay, tổng diện tích mía cháy trong vùng nguyên liệu của Công ty là hơn 269 ha, ước thiệt hại 15 triệu đồng/ha. Những diện tích mía cháy đã được TTCS Gia Lai thu mua sớm cho người dân với giá giảm 50 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường so với mía tươi.

Không chỉ khu vực Đông Nam tỉnh mà tại khu vực phía Đông, diện tích mía cháy cũng tăng so với vụ trước. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Đến thời điểm này, toàn huyện đã xảy ra 17 vụ cháy mía với diện tích thiệt hại 51,3 ha.

Cần làm rõ nguyên nhân cháy mía

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh ngày 2-3, lãnh đạo các địa phương đều có chung nhận định nguyên nhân mía cháy chủ yếu do một số người dân chưa cẩn thận trong vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch dẫn đến cháy lan sang ruộng mía khác. Còn một số vụ khác, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Bà Vũ Thị Lan-Chủ tịch kiêm Giám đốc TTCS Gia Lai-cho hay: Những năm gần đây, chúng tôi áp dụng chính sách hỗ trợ không hoàn lại và giải pháp canh tác mới trong vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất, tăng thời gian lưu gốc. Nhờ đó, năng suất mía bình quân trong vụ ép năm nay ước đạt 80 tấn/ha. Đặc biệt, bảo hiểm đã thu mua với giá thấp nhất là 850 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp làm rõ nguyên nhân những vụ cháy mía để giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.

Ruộng mía tại xã Ia Piar( huyện Phú Thiện) bị cháy chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ruộng mía tại xã Ia Piar( huyện Phú Thiện) bị cháy chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân cháy mía để xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá hoại. Các địa phương trồng mía cần tuyên truyền nâng cao ý thức người trồng mía; đẩy mạnh công tác khảo nghiệm đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất ngành mía đường theo hướng bền vững…

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh): Các vụ cháy mía hiện chưa tìm ra nguyên nhân do hiện trường rộng và động nên khó xác định để điều tra. Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm giảm thiểu tình trạng cháy mía gây thiệt hại cho người dân và nhà máy.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy mía như: thời tiết bất thường, sự bất cẩn của người sản xuất trong khi công tác phòng cháy chưa tốt, hạ tầng giao thông nội đồng trong vùng nguyên liệu mía còn yếu và thiếu khiến việc chữa cháy gặp khó khăn. Trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần làm rõ có hay không việc người dân đốt mía để được thu hoạch sớm hoặc đốt do thù hằn cá nhân, tránh tiền lệ xấu khiến năm sau số vụ cháy cao hơn năm trước. Tập trung đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó phòng cháy là chính. Các địa phương cũng cần rà soát phương án chữa cháy mía, nếu chưa đảm bảo thì bổ sung. Công an tỉnh và các huyện khẩn trương điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân cháy mía, nếu phát hiện đối tượng đốt mía đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để làm điểm.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.