Nhiều diện tích mía cháy bất thường, người dân không rõ nguyên nhân. Ảnh: Hà Phương |
Theo đó, tính đến ngày 15-2, trên địa bàn tỉnh xảy ra 99 vụ cháy mía, cụ thể tại các địa phương: huyện Kbang xảy ra 3 vụ, cháy 7,2 ha; Kông Chro 17 vụ, cháy 51,3 ha; Chư Sê 1 vụ, cháy 27 ha; Đak Pơ 5 vụ, cháy 6,7 ha; Ia Pa 15 vụ, cháy 24,4 ha; Krông Pa 7 vụ, cháy 10,7 ha; Phú Thiện 46 vụ, cháy 180 ha; thị xã Ayun Pa 4 vụ, cháy 6,9 ha và thị xã An Khê 1 vụ, cháy 0,9 ha.
Nhằm chỉ đạo tăng cường công tác phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định sản xuất và phòng-chống cháy mía trong mùa khô, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các hướng dẫn nhằm tăng cường công tác thu mua, phòng-chống cháy mía niên vụ 2022-2023 (Văn bản số 4987/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 29/11/2022 về việc phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hoạch, vận chuyển mía niên vụ 2022-2023; Văn bản số 187/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 16/01/2023 về việc tập trung chỉ đạo sản xuất trồng trọt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023).
Đồng thời, đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng mía cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về phòng-chống cháy mía; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải thông báo cho chính quyền địa phương cấp xã để cử cán bộ theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ mía cháy trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi có vụ cháy mía xảy ra cần tổ chức huy động ngay lực lượng tại chỗ để ứng phó, kịp thời dập tắt đám cháy, không để lan rộng.