Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Xây dựng công chức, viên chức cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Chiều 31-7, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên thứ 5 để đánh giá công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Tú

Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyễn Tú

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung-Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng-Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp và các thành viên Ban chỉ đạo.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác cải cách tư pháp, bám sát mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một số nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch có liên quan của Trung ương, Tỉnh ủy và Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh năm 2023; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan tư pháp của tỉnh kiện toàn bộ máy, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng lên. Cụ thể, Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo giải quyết 41 vụ án, vụ việc theo quy định. Lực lượng Công an tỉnh tập trung đấu tranh các loại tội phạm, không để xảy ra tội phạm băng nhóm hoạt động có tổ chức, theo kiểu “xã hội đen”, tỷ lệ phá án đạt 82,4%. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án nhân dân 2 cấp tổ chức 42 cuộc họp liên ngành để bàn bạc, thống nhất giải quyết nguồn tin tội phạm, các vụ án có khó khăn, vướng mắc phát sinh, yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 4 vụ, 6 bị can, trưng cầu giám định pháp y 43 lần; xác định 49 vụ án điểm, 5 vụ án theo thủ tục rút gọn và ban hành 160 kiến nghị, 2 kháng nghị, 215 kết luận; phối hợp với Toà án nhân dân 2 cấp tổ chức 98 phiên toà rút kinh nghiệm, 76 phiên toà áp dụng số hoá hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ hình ảnh tại các phiên toà. Toà án nhân dân hai cấp thụ lý giải quyết 5.193 vụ việc, giải quyết 2.912 vụ việc. Cục Thi hành án dân sự tỉnh thụ lý giải quyết 13.352 việc với số tiền là 2.390,4 tỷ đồng và đã thi hành xong 4.154 việc với số tiền 194,8 tỷ đồng…

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung-Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 nhấn mạnh: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện với hoạt động tư pháp; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng và thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, kịp thời xử lý sai phạm, thay thế cán bộ, công chức vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý tư pháp. Ban Nội chính Tỉnh ủy và UBND tỉnh rà soát, theo dõi việc xét xử các vụ án hành chính trong thời gian tới...

Có thể bạn quan tâm