Phạt tù nhóm đối tượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tại Mường Nhé

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau 3 ngày xét xử, chiều 18/3, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã tuyên án Sùng A Sính và đồng phạm trong vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
 

 
 Bị cáo Sùng A Sính tại phiên tòa. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Bị cáo Sùng A Sính tại phiên tòa. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN



Theo Cáo trạng số 01, ngày 9/12/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, vụ án có 14 bị can gồm: Sùng A Sính (sinh năm 1982), Lầu A Lềnh (sinh năm 1970), Hờ A Hù (sinh năm 1988), Sùng A Sình (sinh năm 1986), Sùng A Dơ (sinh năm 1996), Giàng A Và (sinh năm 1990), Giàng A Dia (sinh năm 1993), cùng có hộ khẩu thường trú tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; Giàng A Sinh (sinh năm 1981), hộ khẩu thường trú huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; Thào A Khu (sinh năm 1990), Phàng A Minh (sinh năm 1979), Phàng A Lanh (sinh năm 1988), cùng có hộ khẩu thường trú huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; Chang A Súa (sinh năm 1987), hộ khẩu thường trú huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; Hoàng Văn Páo (sinh năm 1982), Hoàng Văn Chơ (sinh năm 1979), cùng có hộ khẩu thường trú huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.        

Trong đó, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh, Hoàng Văn Páo, Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia,Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Chang A Súa, Hoàng Văn Chơ bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; riêng Lầu A Lềnh bị truy tố thêm về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”.

Theo kết luận điều tra, năm 2010, Lầu A Lềnh tham gia tổ chức lập Nhà nước Mông, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị khởi tố sau đó bỏ trốn. Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2019, Sùng A Sính và Lầu A Lềnh bàn bạc với các đối tượng trên thống nhất xây dựng lại tổ chức lập Nhà nước Mông tại huyện Mường Nhé nhằm mục đích cướp đất, cướp chính quyền, thay thế chính quyền huyện Mường Nhé bằng một chính quyền riêng của người Mông, do người Mông làm chủ, có bộ máy tổ chức riêng, có chữ viết, con dấu, cờ, đồng tiền, lực lượng công an, quân đội riêng, có cương lĩnh riêng; nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị được Hiến pháp quy định.


 

Các bị cáo nghe tuyên án của Hội đồng xét xử. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Các bị cáo nghe tuyên án của Hội đồng xét xử. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN



Trong vụ án này, Sùng A Sính, Lầu A Lềnh với vai trò chủ mưu cầm đầu, là người khởi xướng việc lập Nhà nước Mông và trực tiếp soạn thảo điều lệ, cương lĩnh, mô hình tổ chức, đúc sao hàm; Hoàng Văn Páo hoạt động đắc lực; Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sính, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Chang A Súa, Hoàng Văn Chơ có vai trò đồng phạm là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Đối với Thào A Khu, Phàng A Lanh, Phàng A Minh biết rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trên nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương và còn gây cản trở quá trình điều tra nhằm che giấu hành vi phạm tội của các bị can trên.        

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã đủ các yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình năm 2015; tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và tội “Che giấu tội phạm” quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình năm 2015. Bởi vậy cần một áp dụng một hình phạt nghiêm minh tương xứng với từng hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra để cải tạo và giáo dục các bị cáo trong tình hình hiện nay là cần thiết.      

Kết luận tại phiên tòa, sau khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên quyết định: Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Khoản 1,2 Điều 109; Khoản 389 Bộ luật Hình năm 2015.

Về tội danh, các bị cáo Sùng A Sính, Hoàng Văn Páo, Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Chang A Súa, Hoàng Văn Chơ phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; bị cáo Lầu A Lềnh phạm hai tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; các bị cáo Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh phạm tội “Che giấu tội phạm”.


 

Chủ tọa phiên tòa đọc các khung hình phạt đối với các bị cáo. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN
Chủ tọa phiên tòa đọc các khung hình phạt đối với các bị cáo. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN



Về hình phạt, áp dụng Khoản 1 Điều 109; điểm s Khoản 1 Điều 51; điểm a Khoản 1 Điều 52, Điều 17; Điều 39, Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Sùng A Sính chịu mức án chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Áp dụng điểm c Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Khoản 1 Điều 109; điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; điểm a Khoản 1 Điều 52, Điều 17; Điều 39, Điều 55, Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Lầu A Lềnh mức án chung thân về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, tổng hình phạt chung là chung thân.

Áp dụng Khoản 1, Điều 109; điểm s Khoản 51; điểm a Khoản 1 Điều 51, Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Hoàng Văn Páo mức án 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Áp dụng Khoản 2 Điều 109; điểm s Khoản 1 Điều 51; điểm a Khoản 1 Điều 51, Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt các bị cáo Sùng A Dơ, Giàng A Và, Sùng A Sình, Giàng A Dia, Giàng A Sinh, Hờ A Hù, Cháng A Súa, Hoàng Văn Chơ cùng mức án 8 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Áp dụng Khoản 1 Điều 389; điểm s Khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt các bị cáo Thào A Khu, Phàng A Minh, Phàng A Lanh cùng mức án 24 tháng tù về tội “Che giấu tội phạm”.

 

Theo Xuân Tư (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm