Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và người sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt về môi trường xanh, nông sản sạch và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương giai đoạn 2023-2030; xác định các nhiệm vụ và giải pháp cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh.
Các hộ dân tham gia hội thảo đầu bờ Dự án hỗ trợ giống lúa mới TBR-1 tại cánh đồng xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi |
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Về đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên: có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu có trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh ứng dụng IPHM; trên 70% diện tích cây ngô ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt trên 70% diện tích ứng dụng IPHM, qua đó giảm ít nhất 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.
Để triển khai thực hiện thành công các nội dung của kế hoạch, UBND tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; rà soát, đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM.
Kinh phí thực hiện kế hoạch do ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định, được phân bổ từ các nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, kinh phí sự nghiệp giai đoạn 2023-2030; kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan; kinh phí tự có của các tổ chức kinh tế-xã hội; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp từ các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao cho các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được phân công. Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch.
: Kế hoạch thực hiện kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2030