(GLO)- Sáng ngày 28-10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông-lâm nghiệp giai đoạn 2015-2017. Tại điểm cầu Gia Lai có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết số 30- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/ 2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông-lâm nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp duy trì mô hình doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích. Chuyển Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp thành công ty cổ phần. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của 252 công ty nông, lâm nghiệp của 40 tỉnh, thành phố, Tập đoàn và Tổng công ty. Các Công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại bước đầu sản xuất, kinh doanh ổn định. Đặc biệt, mô hình cổ phần hóa các chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu đều tăng so với trước đây.
Tại Gia Lai hiện có 11 Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới duy trì, củng cố phát triển tái cơ cấu các công ty lâm nghiệp. 3 Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp sắp xếp theo hướng cổ phần hóa, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc nắm giữ cổ phần.
Đến nay đã có 12 Công ty được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới gồm 11 Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp. Hoàn thành cổ phần hóa Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn thành công mang lại hiệu quả rất lớn.
Quá trình thực hiện gặp không ít những khó khăn như hiệu quả sử dụng đất còn quá thấp, tình trạng lấn chiếm đất giữa hộ dân với các Công ty nông-lâm nghiệp còn xảy ra, giao khoán vườn cây chậm thực hiện. Bên cạnh đó, các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp vốn rất nhỏ, tài sản quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên ở vùng sâu, hoạt động từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp, chưa có chiến lược sản xuất kinh doanh... nên công tác sắp xếp, đổi mới các Công ty nông, lâm nghiệp còn chậm so với mục tiêu đề ra. UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương một số vấn đề như bổ sung vốn điều lệ từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp,...
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Sau khi sắp xếp, đổi mới bước đầu các công ty nông-lâm nghiệp hoạt động hiệu quả hơn về kinh tế và quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên quá trình sắp xếp đổi mới tại một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt,... Trong thời gian tới các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2018. Các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, cổ phần hóa... hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, hoàn thành công tác đo đạc cắm mốc, phê duyệt phương án sử dụng đất của các Công ty nông-lâm nghiệp. Cac địa phương có kế hoạch tiếp nhận đất đai của các Công ty nông-lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng,...
Nguyễn Diệp