Ông Phan Văn Vĩnh báo cáo gian dối Bộ trưởng về công ty bình phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty bình phong CNC liên kết vận hành "chui" 2 cổng game đánh bạc nhưng ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ trưởng Công an rằng 2 game bài trên đã được cấp phép.
Ngày 31/8, VKSND tỉnh Phú Thọ hoàn tất cáo trạng truy tố 92 bị can trong vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Bản cáo trạng dài 235 trang nêu rõ việc ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) lợi dụng việc Bộ Công an cho thành lập công ty bình phong để biến Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương thành công ty bình phong trái quy định.
Từ đây, đường dây đánh bạc quy mô lớn nhất từ trước đến nay có sự chống lưng của một số cán bộ công an cao cấp được hình thành.
C50 hưởng 20% doanh thu của công ty bình phong
Năm 2011, ông Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50 Bộ Công an) và một số cán bộ dưới quyền lập đề án xây dựng công ty bình phong thuộc C50 phục vụ hoạt động nghiệp vụ và công ích.
Sau đó, ông Vĩnh ký tờ trình xin ý kiến cấp trên về việc thành lập công ty bình phong theo mô hình TNHH, C50 đóng góp 20% cổ phần và cử cán bộ đại diện cổ phần phụ trách công nghệ thông tin. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975) gặp Nguyễn Thanh Hóa để lập Công ty CNC làm công ty bình phong.
Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Bá Chiêm.
Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: Bá Chiêm.
Theo biên bản ghi nhớ và hợp đồng ủy quyền, C50 có trách nhiệm tạo điều kiện khi CNC đề xuất những lĩnh vực kinh doanh mang tính chất thí điểm về thông tin và công nghệ cao, ủy quyền cho Dương lập, ký các giấy tờ, tài liệu. Đổi lại, công ty của Nguyễn Văn Dương phải đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, phân phối 20% lợi nhuận cho C50…
Được sự đồng ý của Phan Văn Vĩnh, Công ty CNC đã sử dụng trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Dù chưa chính thức trở thành công ty bình phong của C50 nhưng công ty của Dương đã đề xuất phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet nhằm “tìm hiểu, đưa ra đề xuất thực tế để quản lý và tạo nguồn thu để CNC xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ được giao”.
Cũng có lần Nguyễn Văn Dương báo cáo đã hoàn thành cổng thanh tuyến trực tuyến Sspay. Để nắm dòng tiền của các trang đánh bạc qua mạng, CNC đề nghị C50 đưa các game bất hợp pháp sử dụng Sspay làm cổng thanh toán trực tiếp. Khi đó, ông Nguyễn Thanh Hóa giao cấp dưới nghiên cứu. Nhưng ông Võ Tuấn Dũng (nguyên Cục phó C50) cho rằng đề xuất này vi phạm pháp luật nên C50 không ra văn bản trả lời công ty bình phong.
Đầu năm 2015, Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc VTC online) biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game bài đánh bạc Rikvip. Thực tế, phải vài tháng sau, ông Phan Văn Vĩnh mới ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong.
Trong báo cáo CNC gửi về, nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa biết công ty bình phong vận hành game đổi thưởng có dấu hiệu đánh bạc trá hình nhưng không chỉ đạo quyết liệt. Khi Nguyễn Văn Dương đề xuất được thí điểm mô hình kinh doanh đặt cược bằng hình thức game đổi thưởng trên Internet, ông Hóa biết vi phạm quy định của Chính phủ nhung vẫn giao cấp dưới nghiên cứu.
Ông Nguyễn Thanh Hóa. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Ông Nguyễn Thanh Hóa. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Biết vi phạm nhưng không điều tra
Năm 2016, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh có ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng. Được giao thực hiện, CNC xây dựng trò chơi trực tuyến thí điểm cho phép chuyển đổi một phần tài khoản. Nguồn thu từ hoạt động này dùng để đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng. Nhưng hơn 2 năm tổ chức đánh bạc, CNC hầu như không đầu tư cho hệ thống phòng thủ quốc gia.
Đáng chú ý, thấy công ty bình phong liên kết vận hành chui 2 game đánh bạc Rikvip.com và 23zdo.com, ông Vĩnh đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông hợp pháp hóa 2 cổng game trên. Khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do CNC phát hành.
Game bài Rikvip có hàng chục trò chơi đánh bạc trá hình.
Game bài Rikvip có hàng chục trò chơi đánh bạc trá hình.
Tháng 5/2016, thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Tổng cục cảnh sát báo cáo hoạt động của Công ty CNC và việc công ty bình phong này hợp tác điều hành game bài Rikvip và 23dzo không phép, mang tính chất đánh bạc trá hình. Tuy nhiên, ông Vĩnh không báo cáo lãnh đạo bộ hay chỉ đạo đơn vị chức năng điều tra, xử lý.
Sau đó, Phan Văn Vĩnh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông “hỗ trợ công ty nghiệp vụ của Tổng cục cảnh sát”, nhưng game bài vẫn không được cấp phép do có tác động tiêu cực đến xã hội.
Đến tháng 7/2016, C50 soạn công văn để ông Vĩnh ký báo cáo Bộ trưởng Công an về 2 cổng game không phép liên quan đến CNC. Sau khi xem, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo chỉnh sửa để cấp phó ký, trong đó khẳng định 2 game bài Rikvip và 23zdo đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Phải đến khi nhận được yêu cầu lần 2 báo cáo thứ trưởng Lê Quý Vương, ông Vĩnh mới chỉ đạo C50 soạn văn bản yêu cầu công ty bình phong chấm dứt hoạt động 2 website: Rikvip.com và 23zdo.com.
Cuối tháng 8/2016, Nguyễn Thanh Hóa đề xuất Tổng cục cảnh sát về việc điều tra các cá nhân, tổ chức vận hành game bài đánh bạc trá hình. Ông Phan Văn Vĩnh bút phê “đồng ý đề xuất báo cáo lãnh đạo bộ xây dựng kế hoạch bóc dỡ”. Nhưng thực tế, Tổng cục cảnh sát sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo bộ, không điều tra xác minh về Rikvip.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ truy tố 92 bị can về Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Mua bán trái phép hóa đơn, Đánh bạc và Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố theo khoản 2 Điều 356 (Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ) có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Bị can cầm đầu Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm Phan Sào Nam cùng bị truy tố về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.

Bá Chiêm (ZING.VN)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.