Ông Kơ Pă Jiâu tiên phong đưa cây mía tím về Ia Kênh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hơn 15 năm nay, cây mía tím bén đất xã Ia Kênh (TP. Pleiku), góp phần đưa cuộc sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc.

Trong sự đổi thay ấy, người dân địa phương vẫn luôn nhắc nhớ chuyện ông Kơ Pă Jiâu (làng Nhao 2) tiên phong đưa cây mía tím về trồng trên đất lúa kém hiệu quả và vận động người làng làm theo.

Trước đây, người dân làng Nhao 2 chỉ trông chờ vào những hạt lúa ít ỏi trồng trên vùng đất khô cằn nên đói nghèo vẫn mãi đeo bám. Không cam chịu, ông Kơ Pă Jiâu đã tới những ngôi làng khá giả hơn ở TP. Pleiku để tìm hiểu, học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế của họ. Cho tới hôm ông về vùng đất An Phú-nơi đây ông Jiâu gặp được một người cựu chiến binh bày cho cách trồng mía tím.

“Mình thấy vườn rẫy nhà ông ấy trồng giống mía rất lạ. Thân mía màu tím ngắt nhưng cây thì to tròn, mập mạp. Mình tò mò hỏi thì được giới thiệu đó là giống mía tím-loài cây phù hợp với vùng đất khô hạn. Nhờ trồng giống cây này mà mỗi năm gia đình ông ấy thu về trên 50 triệu/sào. Ông ấy xây được nhà, mua được máy cày, ti vi… Lúc ấy, tâm trí mình bỗng sáng bừng lên. Mình quyết định đưa giống cây này về trồng thử trên đất lúa cằn cỗi của làng”- ông Jiâu kể lại.

Ông Kơ Pă Jiâu (bìa trái) hướng dẫn người dân cách trồng mía tím. Ảnh: Mai Ka

Ông Kơ Pă Jiâu (bìa trái) hướng dẫn người dân cách trồng mía tím. Ảnh: Mai Ka

Với niềm tin mãnh liệt vào sự đổi thay, ngày ấy, ông Jiâu đã mua một xe công nông ngọn mía về trồng thử nghiệm. Những ngọn mía đầu tiên trồng trên đất mới trong niềm khấp khởi của gia đình ông Jiâu. Để chứng minh cho dân làng thấy hướng đi của mình là đúng, ông ngày đêm cần mẫn học cách trồng và kinh nghiệm chăm sóc mía tím.

Không giống với trồng cây lúa hay cây cà phê, mía tím đòi hỏi khâu làm đất và xuống giống phải đúng kỹ thuật. Để cây mía tím phát triển tốt, trước khi trồng phải chú trọng chọn ngọn, mắt cây mía khỏe để làm giống. Sau đó, ngâm ngọn xuống nước nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng. Khi hom mía vươn mầm 20-30 cm thì bắt đầu bón phân cho cây phát triển, sinh trưởng. Khi cây mía bén đất được tầm 2 tháng, bắt đầu vươn lóng thì phải siêng bóc lá để lóng mía vươn cao hơn, kết hợp với giăng dây chống đổ ngã.

“7 tháng sau, mía lên tốt cao vượt đầu người, thân mía to, tròn và căng bóng. Tôi vui mừng vì mình đã thành công. Ngày thu hoạch, tôi chặt một ít mía biếu dân làng, phần còn lại, chất lên xe công nông chở xuống xã An Phú (TP. Pleiku) bán cho thương lái. Lúc ấy, với gần nửa sào mía trồng thử nghiệm, tôi bán được gần 10 triệu đồng. Thành công bước đầu càng tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục mua thêm ngọn giống về trồng trên diện tích 3 sào. Mấy năm sau, kinh tế gia đình tôi khá dần lên, xây được nhà, mua sắm xe cộ, ti vi, tủ lạnh… Khi đó, nhiều người làng bắt đầu tin và theo tôi trồng cây mía”-ông Jiâu cho biết.

Tiếng lành đồn xa, rồi không chỉ người dân trong làng mà nhiều hộ ở các làng khác của xã Ia Kênh cũng bắt đầu học theo ông Jiâu để trồng mía tím. Ông cũng không nề hà mà bỏ công hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con. Ông Kpă Pyui (làng Nhao 1) chuyển 2 sào đất lúa sang trồng mía tím. Ông Pyui cho hay: “Ban đầu để bỏ cây lúa, tôi cũng suy nghĩ lắm, nhưng nhìn thấy sự đổi thay cuộc sống của gia đình ông Jiâu thì cũng ưng cái bụng nên tìm cách thuyết phục vợ trồng mía tím. Nhờ ông Jiâu hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, chăm sóc, với 2 sào mía tím ở cánh đồng Bầu 3, gia đình tôi thu về gần 70 triệu đồng/vụ, cao gấp 5 lần trồng lúa”.

Theo ông Pyui thì trồng cây mía tím ít tốn công chăm sóc, chỉ vất vả ở khâu làm đất và chọn giống. Các thương lái từ huyện Đức Cơ, Chư Sê và tỉnh Đak Lak sang thu mua với giá 7.000-12.000 đồng/cây.

Ông Kơ Pă Đep (làng Nhao 2) bày tỏ: “Năm 2012, thấy giống cây này đem lại cuộc sống tốt hơn nên mình quyết định theo ông Jiâu trồng. Cây lúa trồng xuống mất bao công sức mà không đủ ăn. Sau khi trồng 2 sào mía tím, mỗi vụ cũng cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Cây mía tím đã giúp người làng thoát ra khỏi đói nghèo, làm giàu chính đáng trên vùng đất của mình”.

Kể từ năm 2019, cây mía tím bắt đầu phát triển mạnh tại vùng đất Ia Kênh. Mía tím không kén đất, có khả năng chịu hạn, sinh trưởng mạnh, có thể trồng mọi loại hình đất và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp. Thân mía mềm, ngọt, rất được khách hàng ưa chuộng. Khi mía đủ thời gian thu hoạch, hàng ngày, người dân sẽ dùng xe công nông chở ra cổng chợ làng Nhao 2 để bán cho thương lái.

Theo kinh nghiệm của ông Jiâu và nhiều người dân Ia Kênh, để cây mía tím phát triển tốt, phải trồng theo luống và đào hố để giâm hom mía với khoảng cách 1,3-1,4 m/hố; mỗi hố trồng 1-3 hom giống. Khi hom mía vươn mầm 20-30 cm thì bắt đầu bón phân, chủ yếu là phân chuồng ủ hoai. Sau 2 tháng xuống giống thì bắt đầu bóc lá để lóng mía vươn cao hơn. Do đặc tính là cây chịu hạn nên vào mùa khô mỗi tháng chỉ cần bơm tưới nước một lần.

Cây mía tím phát triển mạnh tại vùng đất Ia Kênh mang lại thu nhập ổn định và cho người dân. Ảnh: Mai Ka

Cây mía tím phát triển mạnh tại vùng đất Ia Kênh mang lại thu nhập ổn định và cho người dân. Ảnh: Mai Ka

Ông Lê Quang Toản-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh-cho biết: Mấy năm nay cây mía tím có đầu ra ổn định. Cho thấy việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím là hướng đi đúng, giúp người dân trong xã có thu nhập khá cao, bộ mặt nông thôn nơi đây đã dần thay đổi, đời sống ngày càng được nâng lên. Hiện mỗi ha mía đạt năng suất bình quân 700 tạ; sau khi trừ chi phí người dân thu về lợi nhuận trên 250 triệu đồng. Hiện nay, vùng đất Ia Kênh đã hình thành cánh đồng mía rộng 24 ha với hàng chục hộ trồng mía.

"Người Jrai nơi đây đã vươn lên làm giàu từ cây mía tím là điều mà không ai có thể phủ nhận. Xưa kia, diện tích đất này chỉ trồng cây lúa nhưng do thiếu nước tưới nên cây lúa kém phát triển, không đạt năng suất, đến vụ thu hoạch chẳng được là bao. Còn cây mía tím có khả năng chịu hạn tốt, đã thực sự làm thay đổi cơ bản phương thức sản xuất và giúp cải thiện đời sống của người dân"-ông Toản nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh: “Nhằm tạo điều kiện để người dân hợp tác, liên kết sản xuất, tăng giá trị cây mía tím trên thị trường, tháng 5-2020, xã Ia Kênh đã ra mắt Nông hội mía tím với 40 hội viên. Tham gia Nông hội, ngoài học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, bà con còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. Nhờ vậy, những niên vụ vừa qua, năng suất mía đạt khá cao, đem đến cuộc sống đủ đầy hơn cho hàng chục hộ nông dân trong xã”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.