Ô nhiễm môi trường vì chăn nuôi trong khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại thị xã An Khê hiện nay vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù tác động tới đời sống nhiều người nhưng việc xử lý vấn đề này hết sức nan giải…

 Chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: K.N.B
Chăn nuôi heo trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)


Trao đổi với P.V, cô Phạm Thị Thúy Phương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) không giấu nổi bức xúc: “Một số hộ dân ở sát vách với nhà trường nuôi heo nên mùi hôi thối lúc nào cũng bao trùm một góc trường học. Giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng, nhất là vào mùa khô nóng. Nhà trường đã kiến nghị nhiều lần với lãnh đạo phường nhờ can thiệp nhưng tình trạng này vẫn kéo dài suốt các năm học trước. Năm học mới sắp bắt đầu, chúng tôi đang lo lắng, liệu tình trạng đó còn tái diễn hay không?”. Theo mô tả của cô Phương, chuồng heo của các hộ sát vách nhà trường dựa ngay vào hệ thống tường bao của trường, có hộ còn tận dụng luôn hệ thống tường rào của trường làm tường sau của chuồng heo. Mùi hôi thối bay qua khu vực trường học là điều khó tránh khỏi.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Anh-cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường phường Tây Sơn (thị xã An Khê) hiện nay, mặc dù là phường trung tâm của thị xã nhưng vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư không xử lý tốt chất thải, gây ô nhiễm cho các hộ dân xung quanh. Thậm chí, còn có 3 đơn vị trường học bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối trong quá trình chăn nuôi: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường Mầm non Họa Mi và Trường Tiểu học Lê Lợi (cùng ở tổ 4, phường Tây Sơn). Đại diện lãnh đạo các trường, các hộ dân xung quanh khu vực này từng phản ánh nhiều lần về tình trạng mùi hôi thối ảnh hưởng đến việc dạy học, sức khỏe của các cháu học sinh cũng như sinh hoạt thường ngày của người dân nhưng vẫn chưa được cải thiện vì nhiều lý do. “Trước đây, một hộ chăn nuôi với số lượng khoảng 300 con heo thịt, chất thải gây ô nhiễm, người dân phản ứng quá gay gắt nên hộ này đã chuyển tới địa điểm khác xa khu dân cư. Có nhiều cơ sở chăn nuôi bị phạt 1 triệu đồng/lần nhưng họ vẫn… chấp nhận phạt chứ không chịu giảm đàn, di dời chuồng trại. Thực tế nhiều hộ dù lắp hệ thống hầm biogas nhưng vẫn không hạn chế được mùi hôi”-chị Anh cho biết.

Tương tự, tại phường An Phú (thị xã An Khê), theo thống kê có khoảng 500 hộ chăn nuôi, hầu hết là chăn nuôi quy mô nhỏ, nằm xen lẫn trong các khu dân cư, tập trung nhiều nhất tại tổ dân phố 3 và tổ dân phố 4. Để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do việc chăn nuôi gây ra, các hộ chăn nuôi phải ký cam kết giữ vệ sinh môi trường trong khu dân cư, đồng thời phường thường xuyên tổ chức kiểm tra luân phiên hàng tháng tại các tổ dân phố. Hộ nào gây ô nhiễm, để người dân xung quanh phản ánh sẽ bị nhắc nhở, nếu nhiều lần tái phạm sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt 100-300 ngàn đồng/trường hợp tùy mức độ. “Từ đầu năm đến nay, phường đã xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp vì gây mùi hôi thối, ảnh hưởng tới các hộ xung quanh. Trong đó, trường hợp bị xử phạt cao nhất là một hộ dân chuyên mua bán bò trên địa bàn với mức phạt 2,5 triệu đồng. Hộ này lúc kiểm tra đang nuôi nhốt khoảng 20 con bò”-chị Nguyễn Thị Hồng Vân-cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường phường An Phú cho biết.

Thực tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm khó tránh khỏi gây mùi hôi thối ra môi trường xung quanh. Việc hạn chế mùi hôi tới mức nào phụ thuộc phần lớn vào ý thức người chăn nuôi. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này lại rất khó. “Thứ nhất, họ chỉ là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Nếu cứ xử phạt sẽ gây tâm lý không tốt trong nhân dân. Với những hộ này bắt buộc họ chuyển địa điểm chăn nuôi lại càng không thể bởi họ thông thường là người già, người không có công việc thu nhập ổn định, tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi, tạo thêm thu nhập. Nuôi vài ba con heo mà bỏ ra mười mấy triệu đồng làm hầm biogas thì họ không đầu tư. Thứ hai và cũng là cái khó nhất chính là quy định xử phạt còn chưa rõ ràng, còn lỏng lẻo, khó áp dụng”-chị Nguyễn Thị Ngọc Anh-cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường phường Tây Sơn cho biết. Theo chị Anh, cụ thể quy định còn chưa rõ ràng, đó chính là tỉnh chưa có hướng dẫn quy định cụ thể, chẳng hạn như khu chăn nuôi phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ… khoảng cách là bao nhiêu? Cán bộ không có thiết bị đo đạc, đánh giá cụ thể mức độ ô nhiễm dùng làm căn cứ chiếu theo quy định để xử phạt, mà chỉ bằng trực quan đánh giá. Đây là đánh giá chủ quan, không có cơ sở thuyết phục nên nếu người dân bắt bẻ lại thì rõ ràng, sẽ khó xử phạt được người vi phạm.

Bên cạnh, quy định còn có nhiều điểm chưa rõ ràng. Ví dụ, điểm C, khoản 1, Điều 12 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định “Phạt tiền 1,5-2 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường” lại không nói rõ là quy chuẩn nào thì địa phương cũng chẳng biết căn cứ để đối chiếu.

 Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.