"Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi biết mình sẽ ghé thăm Đất Mũi, anh bạn đồng nghiệp luôn ngân nga bài hát “Áo mới Cà Mau” với những giai điệu mượt mà, sâu lắng: “Nghe nói Cà Mau xa lắm/Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới/Về để nói với nhau mấy lời…”.
Con đường từ TP. Cà Mau về cực Nam của Tổ quốc dài gần 100 km. Trên hành trình ấy, rừng đước mở ra trong tầm mắt dày đặc, che kín mặt trời và trùng trùng, điệp điệp, dưới những tán rừng là những chú thòi lòi, còng gió, ba khía đang đùa giỡn. Cô bạn đồng nghiệp Băng Thanh ở Báo Cà Mau khái quát: Xung quanh Mũi Cà Mau là vùng biển cạn. Mỗi năm đất lấn ra biển hàng trăm thước. Vì vậy mà bao đời nay, người dân Cà Mau thường bảo rằng: Nơi đây, “Mắm đi trước, đước theo sau”.
Trên hành trình lấn biển, cây mắm mọc lên trên đất bồi, rễ cây đâm tua tủa để giữ đất, sau đó là đước và những cây rừng ngập mặn khác như sú, vẹt… đua nhau mọc lên làm cho bãi bồi ngày càng chắc chắn, mạnh mẽ vươn ra biển như một thời cha ông ta tiến về phương Nam mở cõi. Năm 2010, Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích hơn 370.000 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn nơi đây tập trung chủ yếu ở huyện Ngọc Hiển kéo dài xuống Mũi Cà Mau. Nhiều người từng ví nó như những cánh rừng ở cửa sông Amazon của Nam Mỹ.
Đoàn công tác Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Mũi Cà Mau. Ảnh: Đ.T
Đoàn công tác Báo Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Mũi Cà Mau. Ảnh: Đ.T
Con đường dẫn về Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển vẫn đang được nâng cấp nên nhiều đoạn còn gồ ghề. Ngồi trong xe phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy rừng đước và những vuông tôm kéo dài đến bất tận. Sau hành trình gần 2 giờ đồng hồ ấy, chúng tôi cũng đến Đất Mũi. Đến với Mũi Cà Mau là đến với một quần thể di tích lịch sử, thiên nhiên. Đó là di tích quốc gia cột mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên bộ mang ký hiệu 2436. Gần bên cột mốc là những công trình đồ sộ. Đặc biệt là cột mốc cuối cùng tọa độ quốc gia, số hiệu GPS0001. Cột mốc nằm trong khuôn viên rộng được trang trí bằng những biểu tượng của sản vật Mũi Cà Mau như: cua biển, ốc len, cá thòi lòi… và mô hình con tàu đang căng buồm vươn khơi đón gió, đợi ánh mặt trời.
Như muốn chúng tôi hiểu thêm về những công trình nơi cực Nam Tổ quốc, Tuyết Mĩnh-phóng viên của Báo Cà Mau giới thiệu: Điểm nhấn trong Khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là cột cờ Cà Mau. Đây là công trình hoành tráng, ngang tầm với cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang). Nó thể hiện chủ quyền biển đảo và sự thống nhất đất nước từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Cột cờ cao hơn 40 m. Từ phía Tây của Biển Đông nhìn vào, ta thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Cột cờ còn có một cái tên khác là cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, vì kinh phí đầu tư 149 tỷ đồng do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội trao tặng. Cột cờ Cà Mau phỏng theo mô hình cột cờ Hà Nội, là biểu tượng của ý chí tự cường, truyền thống văn hóa không chỉ trong lòng Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam.
Về Đất Mũi du khách có thể lựa chọn những sản vật của miền sông nước. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Về Đất Mũi, du khách có cơ hội tham quan, mua sắm những sản vật của miền sông nước. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đứng ở Đất Mũi vươn tầm mắt ra xa phía Biển Đông là hòn đảo nhỏ mang tên Hòn Khoai, cách đất liền 14,6 km. Nơi ấy là trụ sở của Chi bộ Đảng Cà Mau do ông Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã ra quyết định hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940. Để ghi nhớ công lao của ông, ở Cà Mau, có một huyện mang tên Ngọc Hiển. Điều đặc biệt, dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền mang tên Đất Mũi là nơi có thể ngắm mặt trời mọc lên ở phía Đông vào buổi sáng và lặn xuống ở phía Tây vào buổi chiều. “Buổi sáng từ đất Mũi ngắm bình minh có thể thấy mặt trời ngay gần trước mặt, chiều về hoàng hôn nhuộm nguyên cả vùng biển một màu đỏ rực rỡ”-Tuyết Mĩnh chia sẻ.
Đến Đất Mũi là du khách được dịp thưởng thức những món ăn dân dã, không cầu kỳ, đậm chất Nam Bộ trong rừng U Minh Hạ. Chúng tôi xuống ghe xuôi theo những con lạch, đến với một gia đình làm du lịch trên miền sông nước. Giữa trưa hè, dưới những mái nhà lợp lá dừa nước, xung quanh gió mát rười rượi, những hàng đước xanh ngát, được hòa mình với tự nhiên nên người rất thư thái. Những món ăn dân dã được chào mời không kém phần hấp dẫn như: cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, rau rừng, lẩu mắm ăn với rau choại, rau đắng, ba khía, thòi lòi nướng… Những món ăn ấy với người Cà Mau đâu mấy xa lạ, thế nhưng với du khách phương xa thì không thể nào quên.
Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng một lần ao ước được về thăm Đất Mũi nơi điểm dừng chân cuối cùng của người Việt đi mở cõi. Riêng với bản thân tôi, mong muốn thêm một lần đến Cà Mau để khám phá miền di sản sông nước với cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp và những con người nghĩa tình, mến khách, hào sảng, thủy chung, son sắt nơi đây.
VĨNH HOÀNG
 

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Khởi sắc Bar Măih

Khởi sắc Bar Măih

(GLO)- Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo xã Bar Măih (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc.