Nữ sinh mồ côi nuôi em khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sớm mồ côi cha, mẹ có gia đình mới nhưng em H'Khương (dân tộc Jrai, lớp 11A5, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn nỗ lực học tập để tốt nghiệp THPT và học nghề. Tuy nhiên, hoàn cảnh của em quá khó khăn khiến ước mơ ấy trở nên xa vời.

Chúng tôi hẹn gặp H'Khương tại nhà ở làng Bui (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) vào buổi chiều muộn, lúc em vừa ở chợ về. H'Khương bảo, em ra chợ bán ít ốc vừa bắt được, kiếm thêm ít tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng em H'Khương (ở giữa) luôn nỗ lực trong học tập. Ảnh: T.B

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng em H'Khương (ở giữa) luôn nỗ lực trong học tập. Ảnh: T.B

Kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình, giọng H'Khương như nghẹn lại: “Mẹ bỏ đi từ lúc em mới 5 tuổi, nay thì mẹ đã có gia đình mới. Sau đó, bố em lấy vợ khác, sinh được 1 em trai nhưng bị khuyết tật bẩm sinh phải nằm một chỗ. Tưởng rằng cuộc sống gia đình sẽ yên vui, nhưng rồi không chịu được khó khăn, dì lại bỏ đi. Bố buồn rầu sinh bệnh và qua đời cách đây 2 năm”.

Em trai của H'Khương là Ksor Khưu bị khuyết tật phải nằm một chỗ nên cần người hỗ trợ ăn uống, vệ sinh. Không có bố mẹ, cuộc sống của các em khó khăn đủ bề, mọi gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của H'Khương. Bà nội của H'Khương lúc trước sống với chú, nay chuyển về để đỡ đần 2 chị em. Bà A Yam cho biết: “Tôi bị mù nên chỉ có thể trông Ksor Khưu những lúc H'Khương đi học hay đi làm. Thấy cháu gái vất vả nhưng tôi không giúp gì được”.

Gia đình HKhương chỉ có 200 cây cà phê đã già cỗi. Trong căn nhà không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi đời cũ. Vất vả nhưng H'Khương vẫn kiên trì học tập với mục tiêu tốt nghiệp THPT và có cơ hội học nghề. “Trên lớp, em tập trung nghe thầy-cô giáo giảng bài và ghi nhớ kiến thức. Buổi tối, em mới có thời gian ôn tập và xem lại bài mới. Thấy các bạn được bố mẹ quan tâm chăm sóc, em rất tủi thân, nhiều khi ngồi khóc một mình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng em không muốn nghỉ học, bởi bỏ học thì cái nghèo vẫn tiếp diễn. Em chọn học nghề vì thời gian học nhanh và tiết kiệm chi phí hơn học đại học, cao đẳng. Sau này có việc làm, em có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình”-H'Khương tâm sự.

Biết hoàn cảnh của H'Khương nên các thầy-cô giáo dành cho em sự cảm thông sâu sắc và luôn động viên để em nỗ lực vươn lên. Mỗi khi có những phần quà hỗ trợ học sinh của các Mạnh Thường Quân, nhà trường đều dành sự ưu tiên cho H'Khương. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Tú-Bí thư Đoàn trường THPT Mạc Đĩnh Chi-cho hay: “Là học sinh người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo, phải chăm em và chăm bà nhưng H'Khương luôn nỗ lực trong học tập. Em H'Khương là một trong những tấm gương về nghị lực vượt khó của trường”.

Thương hoàn cảnh của H'Khương, từ tháng 10-2022, Công an xã Nghĩa Hưng đã nhận đỡ đầu và hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng; vận động Mạnh Thường Quân trao tặng 1 chiếc xe máy 50 cc để em đi lại, học tập. Từ tháng 9-2023, Công an xã Nghĩa Hưng cùng 1 Mạnh Thường Quân hỗ trợ 800 ngàn đồng/tháng để H'Khương có thêm chi phí sinh hoạt. Đại úy Phạm Thành Luân-Trưởng Công an xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Nghị lực vượt khó của em H'Khương khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tin rằng, với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, ước mơ của nữ sinh mồ côi sẽ sớm thành hiện thực. Con đường phía trước của HKhương còn lắm chông gai, thử thách phải vượt qua. Để HKhương có thể hoàn thành ước mơ của mình, rất mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của mọi người”.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em H'Khương, quý độc giả vui lòng gửi về Báo Gia Lai, STK: 62110002425979 tại BIDV do chị Đoàn Lê Bích Hà-Phòng Hành chính-Quảng cáo Báo Gia Lai (số điện thoại 0986112277) phụ trách.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.