Năm 1999, ông Lê Đình Hưng (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) bắt đầu đưa giống nhãn ở Hưng Yên vào trồng trên vùng đất này. Cây nhãn phát triển tốt và cho thu hoạch sau hơn 2 năm xuống giống. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, vườn nhãn của ông có năm bị mất mùa, năm lại mất giá. Ông Hưng chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi có 1.800 cây nhãn nhưng mới cho thu hoạch trên 300 cây. Năm nay, nhờ đầu tư đúng cách cùng với thời tiết thuận lợi, sản lượng nhãn đạt 30 tấn. Điều đáng mừng hơn là giá nhãn năm nay tăng lên mức 25-30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 600 triệu đồng”.
Tương tự, ông Lê Văn Sơn (làng Đek, xã Hbông) cũng vừa kết thúc vụ thu hoạch nhãn trong niềm phấn khởi. Mặc dù chi phí đầu tư có tăng hơn so với mọi năm do giá phân bón tăng cao, song bù lại, vườn nhãn sai trĩu cành, quả to, đẹp, cơm dày, giá bán ổn định. Thương lái vào thu mua nhãn tại vườn với giá dao động 20-25 ngàn đồng/kg. Với 6 sào nhãn, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về khoảng 60 triệu đồng. “Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn được xử lý ra hoa đúng thời điểm nên đạt năng suất cao. Nhờ đó, gia đình tôi cũng có thêm vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”-ông Sơn cho biết.
Ông Lê Đình Hưng (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) phấn khởi khi nhãn được mùa, được giá. Ảnh: Mai Ka |
Theo ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông, toàn xã hiện có trên 16 ha nhãn, chủ yếu là giống nhãn lồng Hương Chi. Hiện nay, hầu hết các vườn nhãn đang vào vụ thu hoạch rộ, thương lái đến tận vườn mua với giá cao hơn mọi năm. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhãn tương đối ổn định, giá tăng hơn trước nên người dân rất phấn khởi. Việc trồng nhãn không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Chư Sê là một trong những địa phương có diện tích nhãn lớn của tỉnh với gần 130 ha. Năm nay, năng suất nhãn bình quân đạt 165 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Pal, Hbông và xã Dun. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: “Năm nay, năng suất nhãn tăng vượt trội so với năm ngoái. Ngoài sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật cao vào canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nên nhãn có vị ngon, ngọt, có màu vàng đặc trưng, tỷ lệ thịt trái cao vượt trội”.
Nông dân phấn khởi thu hoạch nhãn trái vụ. Ảnh: Mai Ka |
Cũng theo ông Hợp, trước thực trạng các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn đang dần mất vị thế, huyện đã không ngừng tìm kiếm giải pháp để đồng hành với người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, nhãn đang là cây trồng mang lại hiệu quả cao. Huyện đang phối hợp với Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân (trụ sở tại huyện Ia Pa) để xúc tiến triển khai chuỗi liên kết trồng nhãn cho người dân, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Ngoài hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật, Hợp tác xã sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.