Nông dân Chư Prông chặt bỏ cây điều vì mất mùa, mất giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 3 năm trở lại đây, thời tiết bất lợi khiến cây điều liên tục mất mùa, giảm năng suất. Do vậy, nhiều hộ dân ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Hơn 10 năm nay, gia đình anh Lục Văn Quyết (thôn Pác Bó, xã Ia Lâu) gắn bó với cây điều. Tuy nhiên, 3 năm qua, do ảnh hưởng bởi thời tiết, cây điều liên tục mất mùa, thu không đủ bù chi. Vì vậy, anh Quyết đã chặt bỏ 1 ha.

Anh cho biết: “Những năm trước, gia đình thu được 1,4 tấn hạt điều/năm, có năm thu gần 2 tấn, thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 năm nay, thời tiết thường xuyên mưa trái mùa, trời trở lạnh bất thường khiến hoa bị thối và rụng nhiều, năng suất giảm chỉ còn vài tạ. Không những thế, giá hạt điều ở mức thấp, dao động 17-22 ngàn đồng/kg, thấp hơn so với nhiều loại nông sản khác. Vì thế, gia đình quyết định phá bỏ vườn cây để chuyển sang trồng mì”.

Nhiều người dân xã Ia Lâu phá bỏ diện tích điều để chuyển sang trồng cây khác. Ảnh: Sang Phương

Nhiều người dân xã Ia Lâu phá bỏ diện tích điều để chuyển sang trồng cây khác. Ảnh: Sang Phương

Còn ông Hà Văn Mừng (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) thì cho hay: Vụ thu hoạch năm nay, 3 ha điều của gia đình ông chỉ thu được gần 1 tấn. “Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và tác động nhiều lên cây điều. Nếu như những năm trước, gia đình thu 4-6 tấn hạt điều, đem về trên dưới 200 triệu đồng/năm thì năm nay chỉ còn khoảng 20 triệu đồng, nếu thuê nhân công thu hái thì cũng chỉ đủ trả tiền công. Nhận thấy cây điều không còn phù hợp nên gia đình phá bỏ để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn”-ông Mừng chia sẻ.

Cũng theo ông Mừng, thời gian qua, gần 500 m kênh mương dẫn nước từ hồ thủy lợi Plei Pai được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp đã đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Ngoài trồng điều, gia đình ông còn trồng thêm 2 ha lúa nước. Nhờ có nguồn nước thủy lợi mà ruộng lúa phát triển tốt, cho năng suất 6 tạ/sào, giá cả lại ổn định nên gia đình có nguồn thu khá. Do đó, gia đình quyết định phá bỏ vườn điều để chuyển sang trồng lúa nước và mì.

Tại các xã: Ia Mơr, Ia Me, Ia Ga, Ia Piơr… người dân cũng chặt bỏ hàng trăm héc ta điều để chuyển đổi cây trồng. Anh Bùi Văn Trung (thôn 6, xã Ia Piơr) cho hay: Năm ngoái, 2,5 ha điều của gia đình anh thu được 1 tấn, nhưng năm nay chỉ được 4 tạ. Giá điều năm ngoái hơn 30 ngàn đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 17-20 ngàn đồng/kg. Gia đình vừa cắt hạ toàn bộ vườn điều, đồng thời thay thế bằng cây mì và bắp để có nguồn thu nhập tốt hơn.

Một điểm tập kết gỗ điều ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) chờ xe tải đến chở đi tiêu thụ. Ảnh: Sang Phương

Một điểm tập kết gỗ điều ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) chờ xe tải đến chở đi tiêu thụ. Ảnh: Sang Phương

Theo thống kê, xã Ia Piơr có 1.282 ha điều. Những năm gần đây, cây điều liên tục mất mùa, cùng với đó là giá xuống thấp. Do vậy, người dân đã phá bỏ 281 ha để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Bùi Văn Tiến-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: “Người dân phá bỏ cây điều là do một số diện tích già cỗi, kèm theo tình hình thời tiết bất lợi nên xuất hiện sâu bệnh và cách chăm sóc vườn cây chưa tốt, dẫn đến mất mùa, có những diện tích gần như mất trắng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do giá cả xuống thấp, một năm người dân chỉ thu được hơn 20 triệu đồng/ha, chưa tính chi phí đầu tư, công chăm sóc, thậm chí lỗ vốn. Do đó, người dân đã phá bỏ cây điều chuyển sang trồng mì, bắp, đậu đỗ. Xã cũng đã khuyến cáo bà con khi chuyển đổi cần chọn những cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với nhu cầu của thị trường”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho hay: Toàn huyện có 5.890 ha điều. Trước thông tin người dân chặt bỏ cây điều do mất mùa, mất giá, UBND huyện yêu cầu các xã báo cáo nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê đầy đủ những diện tích bị phá bỏ. Huyện định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần tạo thu nhập ổn định trên diện tích sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Anh Thuế bên vườn cà phê tái canh của gia đình

Kiểm soát vật tư đầu vào phục vụ tái canh cà phê

(GLO)- Gia Lai hiện có hơn 106 ngàn ha cà phê. Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng các vật tư đầu vào nhằm giúp nông dân thực hiện chương trình tái canh hiệu quả.

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

Xuất khẩu nông sản: Từ lợi thế địa phương đến sân chơi toàn cầu

(GLO)- Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, cần chuyển hóa lợi thế nông sản địa phương thành năng lực cạnh tranh thực thụ để đủ sức vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.