Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời cử tri Gia Lai vấn đề liên quan đến cây điều, cây mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời cử tri Gia Lai về việc đưa cây điều vào danh mục cây trồng lâm nghiệp chính, điều chỉnh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu. Báo Gia Lai điện tử xin trích đăng nội dung trả lời trên.


Kiến nghị:

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, đưa cây điều vào danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Vì hiện nay, một số giống cây trồng trong danh mục chưa phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai trồng rừng theo kế hoạch được phân bổ hàng năm trên địa bàn.

Trả lời:

Cây điều là cây đa mục đích có thể trồng trên đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp; tại Quyết định số 2008/QĐ-BNN-KHCN ngày 17-7-2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phân công trách nhiệm quản lý cây trồng đa mục đích trong nông nghiệp thì cây điều thuộc danh mục cây trồng nông nghiệp. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện nhiệm vụ đặt hàng chọn tạo giống điều, xây dựng chương trình phát triển giống điều, xây dựng các quy trình kỹ thuật, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật... về cây điều và hệ thống các đơn vị nghiên cứu. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, hướng dẫn địa phương lựa chọn các loại cây trồng trong danh mục phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng để triển khai trồng rừng trên địa bàn.

Kiến nghị:

Từ thực tế cho thấy Quy chuẩn QCVN 01-98:2012/BNNPTNT đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có việc lấy mẫu bằng phương pháp rút xác suất và một số phương pháp xác định chữ đường không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, dẫn đến phát sinh những nghi ngờ của các hộ dân trồng mía về tính chính xác, trung thực, khách quan trong đánh giá chữ đường. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm rà soát, điều chỉnh, sửa đổi Quy chuẩn QCVN 01-98:2012/BNNPTNT để đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch trong việc đánh giá chữ đường, đem lại lợi ích thiết thực, công bằng giữa các nhà máy đường và các hộ dân trồng mía.

Trả lời:

Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quy chuẩn QCVN 01-98:2012-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu (Quy chuẩn). Sau 10 năm thực hiện, Quy chuẩn đã góp phần đưa sản xuất, mua bán mía vào nền nếp, nâng cao chất lượng mía trong quá trình chăm sóc, thu hoạch; góp phần đưa giá mua bán mía phản ánh thực chất chất lượng mía, đảm bảo sự công bằng giữa những người trồng mía.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng Quy chuẩn đến nay đã phát sinh một số bất cập như kiến nghị của cử tri đã nêu, dẫn đến sự nghi ngại của người dân về tính khách quan của kết quả chất lượng mía do nhà máy kiểm định và qua đó, định giá mua mía cho nông dân. Bên cạnh đó, công tác giám sát, quản lý việc thực hiện Quy chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu trong việc tạo sự an tâm cho doanh nghiệp và người dân.

Để khắc phục các tồn tại trên, trong kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát, sửa đổi Quy chuẩn, trong đó chú trọng các quy định về khâu lấy mẫu, phân tích mẫu, công bố kết quả và tổ chức quản lý nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng về quyền lợi của nông dân và các doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng mía, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững ngành mía đường.

Dự thảo Quy chuẩn đã được lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận của các địa phương, đơn vị. Hiện đơn vị chủ trì đang hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trước khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành theo quy định.

GLO

 

Có thể bạn quan tâm

Thác Phú Cường giờ không còn... cường nữa

Thác Phú Cường giờ không còn... cường nữa

(GLO)- Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại thác Phú Cường. Đi cùng tôi là 1 lãnh đạo UBND huyện Chư Sê. Khi đứng trước dòng thác không còn nước, đá trơ ra, nhiều cây cổ thụ chẳng còn tươi tốt, những bãi cỏ, hoa vốn xanh tươi quanh năm giờ khô héo vì thiếu nước, gương mặt anh lộ rõ nét buồn.

Một bé gái bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Gia Lai

Một bé gái bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Gia Lai

(GLO)- Tin từ Bệnh viện Nhi Gia Lai, khoảng 10 giờ ngày 16-4, bảo vệ Bệnh viện Nhi phát hiện một bé gái khoảng 8 đến 9 tháng tuổi bị bỏ rơi ở sảnh khám bệnh viện trong tình trạng hoảng sợ, khóc đòi mẹ. Bảo vệ đã thông báo vụ việc cho ban lãnh đạo bệnh viện nắm thông tin. 

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

(GLO)- Sáng 15-4, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho 3 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ia Hrung.