Nỗi nhớ ngày mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau những ngày chịu ảnh hưởng bởi mưa bão, đất trời rũ bỏ vẻ âm u, trở về sự tươi mới, khoáng đạt. Mấy ngày cuối tuần, tôi lại thong thả theo chân lũ bò lên núi và trở về nhà trong ánh hoàng hôn vừa khuất nẻo. Và, mỗi lần lên núi là mỗi lần tôi nhớ về tuổi thơ.

Còn nhớ, khi tôi 9 tuổi, cả gia đình dọn đến nơi này. Ba mẹ tôi dựng một căn nhà bằng gỗ thông được xếp từng miếng ván gỗ khin khít nhau. Những ngày mưa bão, mẹ đứng cuối nhà, tay bế em tôi, mắt đưa đưa nhìn lên phía núi. Mẹ nhìn mái nhà đơn sơ, nén tiếng thở dài. “Giờ ba mầy còn trông coi đàn bò trên núi, không biết có kịp tránh mưa không”. Tôi cũng thở dài theo mẹ, mường tượng cảnh ba tôi di chuyển một căn chòi bé con trên chiếc xe thồ leo núi, chòi trú mưa này nhìn chòi kia nhiều khi chỉ qua mấy vách đá. Nhìn dưới mưa gió cái gì cũng xa ngái, cái gì cũng hắt hiu, cái gì cũng trập trùng trôi.

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Ngày mưa bão, cơm nhà toàn rau rừng với măng tre, vài con cá nục khô mẹ kho cho hai anh em tôi đổi bữa. Vậy thôi mà ấm áp và ngon đến lạ lùng. Nhiều lúc, tôi ước mơ phép nhiệm màu có thật, mơ ba không phải leo núi với lũ bò, du ca miền nào xa lắm. Dưới mái tôn màu nâu đen cánh gián, trong từng cơn gió rin rít thổi qua, ba tôi sau khi cơm nước xong xuôi, lấy cuốn truyện đọc cho chúng tôi nghe trong ánh đèn dầu lập lòe, trong tiếng côn trùng ngái ngủ, dưới lấp lóa chấp chới những vệt của núi cao. Cái bóng đèn ám ảnh đến tận bây giờ trong giấc mơ rời xa thị thành của tôi. Những Lưu Bị, Tào Tháo, Quan Vũ… tôi đã sống với ký ức nào đang có hay tôi của ngày xưa đó đang bung bay trong giấc ngủ say sưa chìm đắm. Giọng đọc từ tốn của ba ẩn nhòa trong mưa làm ấm sáng cả căn nhà, thắp lên gương mặt các anh chị em tôi trong thích thú, tò mò và háo hức. Bây giờ, mọi thứ đã xa. Từ lúc ba mất, tôi đã không còn thích đọc tiểu thuyết nữa. Chén trà ba uống vẫn còn đây, phảng phất hương thơm dịu nhẹ, len lỏi vào trong cả những đêm không ngủ, cứ thế vừa gần, vừa xa âm ỉ cháy mãi trong tim tôi.

Tôi đã chứng kiến những đợt mưa gió, thấm thía những vất vả gian nan của người sống dưới núi nhưng vẫn lo âu về cơn bão ngang qua. Đã quen với những ngày mưa bão chỉ biết nấp kín trong căn nhà nghe gió rít từng cơn dữ dội. Đi qua những ngày gian khó ấy, mấy anh em tôi đã quen với việc chia nhau một miếng củ lùi góc bếp, tô mì tôm chan nước. Mấy đợt, xã đề nghị mẹ chuyển về dưới núi mà ở rồi canh tác luôn. Nhưng mẹ một mực chối từ. Chân mẹ quen chân dưới núi, tay mẹ loay hoay với lũ bò, mắt mẹ quen nhìn màu rừng, tai mẹ quen nghe tiếng lục lạc vọng lại, mẹ chăn mấy con bò ba để lại, mẹ quen với mùi núi rừng của xứ này rồi, mẹ chẳng đi đâu được.

Thoắt cái đã hơn chục năm trôi qua. Đứng trên đỉnh núi nhìn về ngày cũ, cũng qua không ít giông gió trôi ngang cuộc đời. Có những đêm lạnh nằm nghe mưa, tôi vẫn thường bị giật mình thảng thốt. Lại nhớ về lần đầu tiên trong đời, tôi theo mẹ lên rẫy, sau một cơn bão kéo qua làng. Mẹ tôi cặm cụi trồng lại từng vạt bắp, từng luống khoai. Rồi mẹ bảo, chỉ nay mai thôi, khoai bắp sẽ phủ màu xanh bên triền núi. Ngày mới sẽ dần trở lại trên những tán lá xanh um kia. Sau giông gió là nắng ửng hồng, sau đêm về là ngày mai tới, là nụ cười hiền hòa, bao dung sớm mai.  

 

 NGUYỄN THỊ DIỄM

 

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.