Nới lỏng điều kiện cho vay trả lương ngừng việc: "Tiếp sức" cho người sử dụng lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Bỏ điều kiện về nợ xấu, tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) là điểm mới nhất tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8-10-2021 của Chính phủ. Xung quanh nội dung này, ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Gia Lai điện tử.

* P.V: So với các quy định trước đây, điều kiện cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng CSXH có điểm gì mới, thưa ông?

- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cần đáp ứng các điều kiện như: Có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm phải ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đối với người sử dụng lao động vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh, cần phải đáp ứng điều kiện như phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh. Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để phục hồi sản xuất kinh doanh thì cần đáp ứng thêm điều kiện đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.  

 Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa giải ngân cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Ảnh: Sơn Ca
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Đoa giải ngân cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Ảnh: Sơn Ca


Theo quy định tại Nghị quyết số 126, nhóm chính sách cho vay vốn tại Ngân hàng CSXH có sự thay đổi về điều kiện cho vay. Theo đó, bỏ điều kiện về nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Về hồ sơ thủ tục, bỏ điều kiện về thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Đây là những điểm thay đổi mới nhất được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

* P.V: Vậy, nhóm chính sách cho vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đã được Ngân hành CSXH tỉnh triển khai như thế nào?

- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Ngay sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh đã khẩn trương triển khai. Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì trong vòng 4 ngày sẽ được giải ngân. Tính đến ngày 18-10, Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện đã giải ngân hơn 3,1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 54 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 987 lượt lao động trên địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Krông Pa, Chư Sê, Chư Păh, Chư Pưh, Kông Chro và Mang Yang.

* P.V: Khi điều kiện cho vay đã nới lỏng, Ngân hàng CSXH tỉnh có giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ người sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn thuận lợi nhất, thưa ông?

- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Theo quy định, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25-3-2022, việc giải ngân kéo dài đến hết ngày 5-4-2022 hoặc khi Ngân hàng CSXH giải ngân hết gói cho vay 7.500 tỷ đồng. Từ thực tế triển khai chính sách cho vay này trong gần 4 tháng qua, hầu hết đối tượng vay là doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính có hạn nên rất cần hỗ trợ tiếp sức bằng gói tín dụng lãi suất 0% trong thời gian ngắn. Điều này không chỉ giúp người sử dụng lao động có thể cân đối nguồn lực tài chính trong ngắn hạn mà còn giúp người lao động yên tâm duy trì và ổn định đời sống trong thời gian tới.

Gói tín dụng này sẽ kéo dài đến quý I-2022. Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn của các đơn vị, doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng, chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân và UBND xã, phường, thị trấn để tuyên truyền về những điểm mới của chính sách. Mặt khác, chủ động tiếp cận, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ thủ tục vay vốn trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện giải ngân nhanh nhất ngay sau khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

SƠN CA (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.