Nỗi buồn buôn cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Có lịch sử gần 100 năm, buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được Bộ VH-TT-DL công nhận là buôn cổ nhất Tây Nguyên với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhưng thời gian qua, không gian văn hóa nhà dài của buôn Buôr đã dần biến mất, những giá trị văn hóa của người Ê Đê ngày càng phai nhạt.

Vắng bóng nhà dài

Từ trước những năm 1975, hàng trăm hộ dân là người đồng bào dân tộc Ê Đê đã di chuyển từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến khu vực bên dòng sông Sêrêpốk (xã Tâm Thắng) để sinh sống. Họ định cư, quần tụ bên nhau thành một cộng đồng dân cư, mưu sinh bằng nghề đánh cá, trồng lúa. Họ sống chan hòa, đùm bọc nhau và những giá trị văn hóa của cộng đồng người Ê Đê được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Năm 2007, buôn Buôr được Bộ VH-TT-DL công nhận là buôn đồng bào Ê Đê cổ nhất Tây Nguyên, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu truyền. Thế nhưng, hơn 17 năm thực hiện đề án bảo tồn buôn cổ, khi chúng tôi trở lại, cảnh vật thật buồn. Buôn Buôr không còn dáng dấp buôn cổ của người Tây Nguyên.

Trước đây, buôn Buôr có hàng chục căn nhà dài, là không gian sinh hoạt chung của nhiều thế hệ, nét đặc trưng văn hóa mẫu hệ của đồng bào Ê Đê. Nay rong ruổi hết cả buôn, số lượng nhà dài hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, có khoảng 7 căn nhà được người dân sử dụng thường xuyên, số còn lại một phần đã hư hỏng, không sử dụng được hoặc người dân đưa ra rẫy làm chòi.

Nhìn về phía cuối buôn với ánh mắt lặng buồn, ông Y Jút Byă, Bí thư Chi bộ buôn Buôr, cho biết, ông đã trải qua 69 mùa rẫy, chứng kiến sự hình thành, phát triển của buôn và cũng chứng kiến nét văn hóa của chính dân tộc mình đang dần bị thay đổi. Ông Y Jút Byă kể, trước đây buôn có hàng chục ngôi nhà dài, trong đó có những ngôi nhà dài lớn của những gia đình phải thực hiện cả 2 đến 3 mùa rẫy mới xong. Vì là không gian sinh hoạt chung, nơi lưu giữ tinh hoa, văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê nên cả gia đình, dòng tộc đều gìn giữ và tôn kính.

Chúng tôi ghé thăm nhà của anh Y Vỹ Ktul - một trong số ít gia đình giữ lại nhà dài để sinh sống. Anh Y Vỹ nói rằng đang có ý định bán căn nhà dài của mình vì đã quá cũ kỹ và không còn phù hợp với gia đình. Đây là căn nhà anh được cha mẹ vợ làm từ ngày mới cưới, đến nay đã trải qua hơn 30 năm. “Bây giờ muốn sửa lại nhà như hiện trạng ban đầu phải mất đến 400-500 triệu đồng”, anh Y Vỹ Ktul chia sẻ.

Sớm có giải pháp bảo tồn

Ông Y Jút Byă tâm sự, nhà dài ở buôn dần vắng bóng khiến không gian văn hóa của người Ê Đê cũng phai nhạt. “Bán nhà dài, người dân bán cả chiêng, trống, chum, chóe... Các cổ vật của người Ê Đê ở buôn về tay chủ mới. Nếu như trước đây trai trẻ trong làng ai cũng biết đánh chiêng, thì giờ chỉ còn người già mới thể hiện được. Các ngành nghề đan lát, dệt thổ cẩm giờ đây cũng hiếm truyền nhân vì thanh niên không mặn mà học nữa và sản phẩm làm ra không tiêu thụ được”, ông Y Jút buồn bã nói.

Thực vậy, khi chúng tôi đến nhà bà H’Waih, bắt gặp người phụ nữ ngoài 70 tuổi này miệt mài ngồi bên khung cửi để dệt một bức thổ cẩm. Khi có thời gian rảnh, bà đều dệt thổ cẩm tặng con cháu. Mấy chục năm qua, sản phẩm bà làm ra rất nhiều nhưng chủ yếu phục vụ gia đình vì chẳng có khách nào đặt mua.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, thông tin, từ năm 2007, UBND tỉnh Đắk Nông đã có đề án bảo tồn buôn Buôr thành buôn cổ của người Ê Đê. Ban đầu, ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để tôn tạo, sửa chữa những ngôi nhà dài cho người dân, nhưng sau đó kinh phí hạn hẹp nên phải tạm ngưng. Từ đó, nhà dài ở buôn Buôr dần hư hỏng và bị người dân bán dần. Nếu ngành chức năng không sớm có biện pháp bảo tồn những căn nhà dài, mai này buôn Buôr sẽ chỉ còn nhà bê tông. Mất nhà dài, không gian văn hóa của người Ê Đê sẽ dần biến mất, buôn Buôr sẽ không còn là buôn cổ.

Cũng theo ông Trần Thế Quang, hiện nay buôn Buôr được chọn là 1 trong 44 điểm tham quan thuộc 3 tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tổ chức và đang được đoàn chuyên gia của UNESCO tái thẩm định. Hy vọng rằng, thời gian tới, ngành chức năng sẽ quan tâm, hỗ trợ đưa buôn Buôr trở thành buôn du lịch, từ đó có những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn buôn cổ của người Ê Đê ở tỉnh Đắk Nông.

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.