Những người tâm huyết với cồng chiêng ở Ia Yok

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ghé thăm nhà anh Rơ Châm Van (làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) đúng lúc anh cùng các thành viên “gạo cội” của đội cồng chiêng ở làng đang chỉnh những chiếc chiêng sau chuyến đi trình diễn trở về, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự tâm huyết của họ với văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong căn nhà nhỏ ngay đầu làng Bồ, tiếng chiêng vang vọng nhẹ nhàng giữa buổi tối tháng 6 mưa rả rích. Anh Van tháo từng chiếc chiêng được bọc cẩn thận ra lau chùi tỉ mỉ, rồi dùng cái búa nhỏ gõ nhẹ vào vành chiêng để chỉnh âm.

Bên cạnh anh còn có vài người đàn ông nữa. Họ ngồi thành vòng tròn quanh bộ chiêng, hầu như không nói nhiều mà chỉ chăm chú lắng nghe thanh âm và trao đổi bằng ánh mắt. Thỉnh thoảng, họ chỉ vào chiếc chiêng nào đó rồi lắc đầu hoặc gật nhẹ.

doi-cong-chieng-lang-bo-dai-dien-xa-ia-yok-tham-gia-lien-hoan-van-hoa-cong-chieng-huyen-ia-grai-nam-2024-anh-hh.jpg
Đội cồng chiêng làng Bồ đại diện xã Ia Yok tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024. Ảnh H.H

Anh Van cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã theo chân cha mình đi chỉnh chiêng khắp các buôn làng trong vùng. Thấy cha chỉnh chiêng, tôi mê lắm, cố gắng học hỏi từng chút một để giỏi như ông ấy. Khi chỉnh chiêng, phải nghe bằng tai, cảm bằng tim mới biết chỗ nào lệch, chỗ nào hỏng âm”.

Ở tuổi ngoài 60, ông Rơ Châm Ới vẫn đều đặn có mặt trong các buổi tập của đội như một cách truyền cảm hứng, giữ lửa cồng chiêng truyền thống cho lớp trẻ trong làng. Ông Ới không nhớ mình biết đánh chiêng từ khi nào, chỉ nhớ rằng từ thuở niên thiếu đã mê mẩn theo các bậc cha chú của mình đến biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội trong làng.

Nhờ kinh nghiệm qua hàng chục năm gắn bó với cồng chiêng, ông Ới rất “tỉnh tai” trong việc phát hiện những chiếc chiêng bị lệch âm, sai tiếng. “Chiêng đánh lâu ngày, di chuyển xa dễ bị va đập khiến sai âm, chao tiếng. Vì vậy, mình buộc phải chỉnh lại thì âm thanh khi đánh lên mới chuẩn, đúng hồn cốt của chiêng làng mình”-ông Ới nói.

nguoi-tre-o-lang-bo-ngay-nay-dang-tiep-noi-ngon-lua-yeu-van-hoa-cong-chieng-cua-cac-nghe-nhan-gao-coi-anh-hh.jpg
Người trẻ ở làng Bồ ngày nay đang tiếp nối ngọn lửa yêu văn hóa cồng chiêng của các nghệ nhân gạo cội. Ảnh H.H

Tương tự, ông Rơ Châm Hít-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Bồ cũng là người đặc biệt tâm huyết với cồng chiêng. Hầu như những buổi chỉnh chiêng hay tập luyện của đội cồng chiêng, ông đều có mặt đầy đủ để tham gia và tận tình hướng dẫn cho lớp trẻ. “Không đi thì trong lòng mình lại thấy thiếu, bứt rứt bởi chiêng không chỉ là truyền thống của dân tộc mà như là máu thịt của mình rồi”-ông khẳng định.

Dứt lời, ông Hít quay sang hướng dẫn đánh chiêng cho cậu bé tầm 3-4 tuổi là con trai anh Rơ Châm Ták đang thích thú ngồi bên cạnh. Đứa trẻ đứng nép bên chiêng, mắt chăm chú không rời từng động tác của các ông, các bác. “Thằng bé khoái chiêng lắm, cứ hễ nhìn thấy chiêng là mê, sáp lại đánh ngay. Vậy nên mỗi khi tập luyện hay dịp làng có lễ hội, mình đều dắt con đi theo để nó quen, nó yêu văn hóa, sau này lớn lên thay mình đánh chiêng, tiếp nối truyền thống buôn làng”-anh Ták bày tỏ.

anh-ro-cham-van-nguoi-duy-nhat-o-lang-bo-biet-chinh-chieng-anh-rh.jpg
Anh Rơ Châm Van người duy nhất ở làng Bồ biết chỉnh chiêng. Ảnh R.H

Chính từ những người tâm huyết, trách nhiệm với di sản của dân tộc như anh Van, ông Ới, ông Hít, anh Ták..., những năm qua, phong trào tập luyện cồng chiêng ở làng Bồ luôn được duy trì và không ngừng phát triển. Đội cồng chiêng của làng cũng thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu tại các chương trình, hội diễn văn hóa lớn, nhỏ. Gần nhất, hơn 30 thành viên (bao gồm đội cồng chiêng và đội xoang) làng Bồ đã đại diện xã Ia Yok tham gia Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 và xuất sắc đạt giải nhì.

“Chiêng phải sống trong sinh hoạt đời thường, trong đêm hội, trong lòng người làng. Không thể để chiêng chỉ còn trên sân khấu hay trong bảo tàng. Do đó, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng là điều chúng tôi cần làm và phải làm”-anh Van nêu quyết tâm.

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

null