Nhìn trên bản đồ, buôn Ako Đhong (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mà mọi người phiên âm ra tiếng Việt rất trữ tình: buôn Cô Thôn, nằm ngay lòng phố. Con đường Phan Chu Trinh đi mãi là chạm gặp đường Trần Nhật Duật, nơi của những nhà dài còn lưu giữ hay làm mới lại của một bộ phận người Ê Đê sinh sống tại đây. Nếu bạn từng đi đến các buôn làng, bạn luôn tưởng tượng ra những ngôi nhà dài rất cũ kỹ, những con gà, con heo chạy tứ tung, hình ảnh những người dân tộc đeo gùi đi trên đường, và tất nhiên có lũ trẻ nhỏ chơi đùa.
Trước là nhà dài sau là nhà gạch. |
Buôn Ako Đhong, “Ako” tiếng Ê Đê có nghĩa là đầu nguồn, “Đhong” là lũng - đúng nghĩa một buôn làng du lịch hầu như giữ mọi tập tục truyền thống, là một buôn làng khác biệt, một buôn làng giàu có. Ako Đhong được hình thành vào năm 1956, khi đó một số người dân Ê Đê tụ lại lập nghiệp và nơi đây vẫn còn là một cánh rừng. Ama H hèrin, trưởng làng, là một trong những người đầu tiên đã khai hoang và hướng dẫn cho người dân làm kinh tế. Sau bao năm, một nền kinh tế đặc thù được khai thác tạo ra công ăn việc làm cho các hộ dân với nguyên tắc là giữ nguyên bản sắc và giữ các nhà dài truyền thống. Bởi chính hai yếu tố căn bản này mới thu hút người tìm đến.
Buôn Ako Đhong rất nổi danh, dẫu con đường Trần Nhật Duật rất dài, và buôn chỉ là một phần của con đường. Anh tài xế taxi đã đưa tôi đến ngay trung tâm buôn, một điểm đến chính là ARUL Coffee. Nhủ là anh đưa lầm chỗ, nhưng anh bảo nơi đây rất đẹp. Cánh cửa nhỏ vừa đủ cho chúng tôi bước vào, và đi sâu vào trong quả thật là một không gian đầy hấp dẫn. Những ngôi nhà dài còn nguyên trạng, chum vại cổ, cả những tượng khắc gỗ nhà mồ đã phai theo thời gian, một chiếc bàn dài bằng gỗ. Khách uống cà phê phải bỏ giày dép bên dưới, đi chân không lên ngôi nhà dài có rất nhiều trang trí, có những cột có dây thừng bó lại như gợi hình ảnh của tục săn bắt voi. Toàn bộ nhân viên ở đây là các cô gái Ê Đê, tất nhiên mặc trang phục Ê Đê và nói tiêng Ê Đê nhuần nhuyễn.
Con đường Trần Nhật Duật, nơi thuộc buôn Ako Đhong rất đẹp, những ngôi nhà dài cũng rất đẹp, những cánh cổng nhà luôn mở cửa, nhiệt tình đón khách. Tôi vào một nhà tình cờ, trước là nhà dài, lại nuôi thêm chim bồ câu, phía sau nhà dài là nhà xây gạch. Người đàn ông ngồi trước nhà cho biết nơi này còn khoảng 30 nhà dài, riêng ông có hai nhà. Ông đã chia phần cho ba đứa con gái, con trai thì không chia. Chia có nghĩa là nối ngôi nhà dài dài thêm.
Trong vẻ đẹp của một buôn làng giàu có, nắng chiều loang trên những hàng cây, tôi đi và chạm gặp. Có ngôi nhà rộn rả tiếng cười vui là Nhà cộng đồng cho các em thanh thiếu niên sinh hoạt tập thể, một ngôi nhà dài dẫu nhuốm màu thời gian nhưng vẻ đẹp vẫn không giảm đi. Một căn nhà khác như một nhà hàng, tận dụng giới thiệu các món đặc sản của người Ê Đê: Rượu cần, cơm lam và có cả thịt nướng… Bao nhiêu đó thôi cũng đủ hấp dẫn du khách khi ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà, ăn thịt nướng với cơm lam đúng bản gốc, uống rượu cần. Nhà khác lại trưng bày các hàng lưu niệm, bán thêm những món cần thiết cho khách. Có một khu nhà dài đang thi công của già làng, với một nhà đã hoàn thành và hai nhà dang dỡ. Cách thiết kế chắc chắn và nguyên bản. Ngay ngã rẻ con đường là con đường mòn nhỏ xuống suối. Dẫu bây giờ tiện nghi nước máy, nhưng các cô gái Ê Đê vẫn ra suối lấy nước, tắm giặt.
Chỉ là đi ngang qua, nơi ngày xưa là buôn làng khởi đầu cho một cuộc sinh tồn, nay trở thành một buôn Ako Đhong du lịch, là điểm nhấn trên bản đồ du lịch Tây Nguyên. Tôi mang trong mình một cảm giác rất lạ, cảm giác của sự tìm đến và mang đầy niềm vui. Buôn Ako Đhong đẹp như cổ tích.
http://baolamdong.vn/dulich/202207/doc-duong-dat-nuoc-ako-dhong-buon-dep-nhu-co-tich-3125272/
Theo NHƯỢC QUÂN (LĐ online)