
Ngày 14/7, tại xã Khổng Lào, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu và Ủy ban Nhân dân xã Khổng Lào tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025 cho tỉnh Lai Châu.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố các quyết định và trao chứng nhận cho 4 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Then Kin Pang của dân tộc Thái; Tri thức dân gian về chữa bệnh của người Dao; Ẩm thực truyền thống dân tộc Thái; Lễ Cấp sắc của người Dao Tuyển.
Ngay sau lễ công bố, tại Nhà Then, các đại biểu và khách mời đã tham dự phần trình diễn nghi thức cúng Then trong Lễ hội Then Kin Pang của người Thái, đồng thời được giới thiệu về tri thức dân gian trong ẩm thực truyền thống dân tộc Thái.
Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng tại khu vực Mường So - Khổng Lào được tổ chức thường niên vào đầu tháng 4 Dương lịch. Đây là nét văn hóa đặc sắc, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo được cộng đồng lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Lễ hội gồm nhiều hoạt động và nghi thức như dâng hương tại Nhà Then, tái hiện tục gội đầu, trình diễn trang phục truyền thống, trình diễn sáu điệu xòe cổ, trưng bày không gian văn hóa dân tộc Thái và thi bảo tồn văn hóa truyền thống như kéo sợi, đan lưới...
Nghệ nhân Nhân dân Nông Văn Nảo ở xã Phong Thổ năm nay 84 tuổi, người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu văn hóa Thái tại khu vực Mường So-Khổng Lào đánh giá: Để Lễ hội Then Kin Pang được công nhận như ngày hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng dân cư, của các nghệ nhân cùng chính quyền các cấp đã bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa của người Thái trắng.
Ông đề xuất cần có đầu tư mạnh mẽ hơn để đưa di sản trở thành sinh kế, kết hợp cùng du lịch nhằm thu hút du khách, không chỉ dừng lại ở giá trị truyền thống.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành khẳng định, việc công nhận các di sản không chỉ là sự ghi nhận giá trị văn hóa đặc sắc được cộng đồng lưu truyền mà còn là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc thực hành, phát huy di sản trong đời sống hiện đại.
Cần có giải pháp và định hướng cụ thể để “trao quyền” thực chất cho cộng đồng, giúp người dân trực tiếp tham gia bảo tồn, truyền dạy và sáng tạo di sản một cách hiệu quả, bền vững.
Năm 2025, tỉnh Lai Châu có thêm 8 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản được ghi danh trên địa bàn tỉnh lên 13. Trong đó, 3 di sản còn lại gồm: Nghệ thuật xòe của người Hà Nhì, Diễn xướng Xa Nhà Ca của người Hà Nhì và Nghề dệt của người Lự sẽ được trao chứng nhận trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Mạnh Hùng cho biết: Việc ghi danh các di sản không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc, mà còn đặt ra trách nhiệm lớn lao trong việc bảo vệ, truyền dạy và phát huy giá trị. Đưa di sản vào đời sống đương đại là hướng đi quan trọng, gắn với phát triển du lịch bền vững, giáo dục thế hệ trẻ và tạo sinh kế cho người dân.
Lai Châu là tỉnh biên giới có 20 dân tộc sinh sống như: Thái, Giáy, Lào, Lự, Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Mông, Dao... với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng.
Việc các di sản được công nhận không chỉ góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội để tỉnh khai thác giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch cộng đồng, giáo dục truyền thống và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Theo Nguyễn Oanh (TTXVN/Vietnam+)