Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ 6: Mặt thật ma quỷ buôn người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nguồn lực quốc gia về nạn buôn người (Mỹ), bọn buôn người bóc lột nạn nhân để thu lợi chủ yếu từ lao động cưỡng bức và kinh doanh tình dục.
 
Cảnh sát giải cứu các cô gái nghèo Nigeria bị bọn buôn người lừa vào “nhà máy đẻ” - Ảnh: legit.ng
Cảnh sát giải cứu các cô gái nghèo Nigeria bị bọn buôn người lừa vào “nhà máy đẻ” - Ảnh: legit.ng
Hồi đầu năm ngoái, cô bé Miriam, 16 tuổi, rời khỏi lều đi lấy nước gần trại tản cư Madinatu ở Maiduguri, thủ phủ bang Borno (Nigeria). Một phụ nữ tuổi trung niên mà Miriam hay gọi là "dì Kiki" gạ xem em có muốn đến Enugu giúp việc nhà có lương hay không.
Miriam đồng ý ngay, sau đó còn rủ rê thêm cô em họ Roda 17 tuổi. Roda đến gặp dì Kiki và cũng được hứa hẹn công việc.
Tụi em sống khổ bốn năm nay rồi nên rất vui khi được đến chỗ mới để bắt đầu cuộc sống mới.
Nạn nhân MIRIAM
Hành trình dài 1.100km đến "nhà máy đẻ"
Trước đây, Miriam và Roda sống chung một khu phố ở thị trấn Bama. Năm 2017, khi tổ chức khủng bố Hồi giáo Boko Haram tấn công, đốt nhà, bắt cóc phụ nữ và trẻ em, các em bỏ chạy mà không rõ số phận những người còn lại trong gia đình ra sao.
Hai em đi bộ nhiều ngày đến trại Madinatu, nơi có khoảng 5.000 người tản cư chạy trốn Boko Haram tạm trú. Miriam và Roda sống chung trong túp lều nhỏ. Cuộc sống khó khăn, thực phẩm thiếu thốn, nhiều người dân tản cư phải đi ăn xin. Vì vậy các em rất hào hứng khi nghĩ đến chuyện đi làm ở Enugu.
Chặng đường từ Maiduguri đến Enugu xa hơn 1.100km. Miriam và Roda đi cùng "dì Kiki" ròng rã hai ngày mới tới nơi. Bà ta dẫn các em vào một khu nhà khép kín bàn giao lại cho một bà lớn tuổi được gọi là "Mma". Khu nhà có hai căn, mỗi căn ba phòng ngủ. Phòng nào cũng đầy các cô gái trẻ, trong đó có một số người mang thai.
Ban đầu Miriam và Roda cứ nghĩ đi giúp việc nhà như "dì Kiki" hứa hẹn nhưng sự thật còn khủng khiếp hơn. Miriam kể lại với nhà báo Philip Obaji Jr (người Nigeria): "Mma nói tụi em tách ra ngủ ở phòng riêng trong đêm đầu tiên. Tụi em rất ngạc nhiên vì các chị khác vẫn ở chung phòng".
Khuya hôm đó, một người đàn ông vào phòng bắt buộc Miriam cởi hết quần áo, giữ chặt tay rồi cưỡng bức. Roda cũng bị như vậy nhưng tên hiếp dâm hung hãn hơn nhiều. Roda rấm rứt: "Khi em cố hét lên, nó bịt miệng em lại và tát. Cứ thấy em khóc là nó đánh".
Hôm sau, hai em được chuyển qua phòng chung và chỉ sang phòng riêng khi có lệnh "làm việc". Hầu như ngày nào các em cũng bị vài tên cưỡng bức. Đến lúc này, Miriam và Roda tin chắc Mma và "dì Kiki" là đồng bọn thuộc băng nhóm buôn người, trong đó Mma là kẻ cầm đầu.
Trong vòng một tháng, cả hai mang thai nhưng vẫn bị hành hạ. Các em không thể bỏ trốn vì quanh khu nhà có nhiều tên mang súng bảo vệ.
Miriam hạ sinh một bé trai. Ba ngày sau, em bị bịt mắt dẫn ra trạm xe buýt. Bọn buôn người đẩy em về lại Maiduguri. Roda cũng rơi vào cảnh tương tự. Hai em gặp lại nhau tại Maiduguri, sau đó làm một căn nhà nhỏ vách bùn gần trại tản cư và làm bánh bông lan bán kiếm sống qua ngày.
Theo điều tra của nhà báo Philip Obaji Jr, bọn buôn người Nigeria giam cầm phụ nữ để bắt ép sinh con, sau đó mang trẻ bán lại cho cha mẹ nuôi hoặc nuôi lớn lên để ép làm lao động trẻ em, mại dâm hoặc bị sát hại theo hủ tục thờ cúng.
Bé trai đắt hơn bé gái, có giá từ 700.000 naira (2.000 USD) đến 1 triệu naira (2.700 USD) trong khi bé gái chỉ từ 500.000 naira (1.350 USD) đến 700.000 naira. Miriam và Roda được tự do vì bọn buôn người cho rằng nếu giữ nạn nhân lại quá lâu, họ có thể nghĩ cách tố cáo chúng.
Để tránh địa phương nghi ngờ, bọn buôn người khoác vỏ bọc cho các "nhà máy đẻ" là nhà nuôi dạy trẻ mồ côi. Phần lớn người mua trẻ là các cặp vợ chồng vô sinh và họ cũng không quan tâm đó có thật là trẻ mồ côi hay không. Trong trại tản cư Madinatu đã xảy ra nhiều vụ bán phụ nữ trong nước và ra nước ngoài như Ý, Libya, Niger, Saudi Arabia.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nguồn lực quốc gia về nạn buôn người (Mỹ), bọn buôn người bóc lột nạn nhân để thu lợi chủ yếu từ lao động cưỡng bức và kinh doanh tình dục.
Chúng gài bẫy nạn nhân bằng cách khai thác các điểm yếu như đang nghèo khổ mong muốn có cuộc sống khấm khá hơn, thiếu cơ hội xin việc làm, gia đình lộn xộn hoặc có tiền sử lạm dụng tình dục, sử dụng bạo lực.
Chúng hứa hẹn việc nhẹ lương cao, hôn nhân tốt đẹp hoặc vẽ vời ra nhiều cơ hội đổi đời, sau đó khống chế và kiểm soát nạn nhân. Trường hợp hai bé gái Miriam và Roda ở Nigeria là ví dụ tiêu biểu.
 
Bọn buôn người Trung Quốc chuyên lừa phụ nữ Pakistan kết hôn giả bị áp giải ra tòa án Lahore ngày 11-5-2019 - Ảnh: AP
Bọn buôn người Trung Quốc chuyên lừa phụ nữ Pakistan kết hôn giả bị áp giải ra tòa án Lahore ngày 11-5-2019 - Ảnh: AP
Núp bóng doanh nghiệp hợp pháp
Trung tâm Nguồn lực quốc gia về nạn buôn người (NHTRC thuộc tổ chức phi chính phủ Polaris ở Washington, D.C) ghi nhận bọn buôn người có thể là một cá nhân đơn lẻ hoặc một băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Thông thường kẻ buôn người và nạn nhân cùng chung một quốc tịch, một dân tộc hoặc văn hóa, nhờ vậy chúng có thể nắm thóp nạn nhân để khai thác điểm yếu. Bộ mặt thật của chúng rất đa dạng.
Chúng có thể là nam hoặc nữ, là người thân trong gia đình, đối tác thân thiết, dân giang hồ, ma cô, có thể là người trong nước cũng như người nước ngoài.
Qua phân tích các hồ sơ buôn người bị phát hiện, NHTRC có thể nhận dạng chân dung cụ thể của bọn buôn người bao gồm các đối tượng như sau: chủ và người quản lý nhà chứa và tiệm mátxa trá hình, chủ cơ sở giúp việc nhà, băng nhóm tội phạm, nông dân và trưởng nhóm trong nông trại, người thân trong gia đình, người môi giới lao động, chủ nhà máy và chủ công ty, kẻ dắt gái, chủ doanh nghiệp nhỏ...
Hoạt động buôn người thường được thực hiện đan xen hoặc bên cạnh các doanh nghiệp hợp pháp để tránh bị phát hiện. Bọn buôn người lợi dụng các doanh nghiệp hợp pháp để tạo điều kiện về không gian hoạt động, quảng bá, vận chuyển và đáp ứng dịch vụ tài chính.
Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp hợp pháp không biết các cơ sở hoặc dịch vụ của họ bị biến thành vỏ bọc buôn người. Ngược lại, một số doanh nghiệp khác biết nhưng nhắm mắt làm ngơ để lấy tiền bỏ túi.
Theo nghiên cứu của NHTRC, các lĩnh vực kinh doanh hoặc dịch vụ sau đây thường bị bọn buôn người lợi dụng để che giấu tội phạm buôn người hoặc cản trở nạn nhân buôn người muốn tìm người cứu giúp: các hãng hàng không, xe buýt, đường sắt và taxi; các tổ chức tài chính và dịch vụ chuyển tiền; khách sạn và nhà nghỉ; quảng cáo; chủ nhà; môi giới lao động, cơ quan tuyển dụng hoặc người tuyển dụng độc lập; du lịch và dịch vụ visa/hộ chiếu.
NHTRC đánh giá các doanh nghiệp hợp pháp kinh doanh hoặc cung cấp các dịch vụ nêu trên giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống buôn người. Bước đầu tiên ngăn chặn chúng là hiểu rõ hoạt động buôn người và cách thức chúng lợi dụng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm lấy cơ hội xác định được nạn nhân và đi trình báo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần củng cố nội bộ và tăng cường tính minh bạch để tránh bị bọn buôn người lợi dụng. Cô lập và ngăn chặn bọn buôn người lợi dụng các doanh nghiệp hợp pháp mới có nhiều cơ hội tóm cổ bọn buôn người.
Trung tâm Nguồn lực quốc gia về nạn buôn người đánh giá buôn người là hoạt động có khả năng sinh lợi cao và mức độ rủi ro thấp. Hai yếu tố này kết hợp với nhau là nguyên nhân chính thúc đẩy nạn buôn người như khối u ung thư phát triển tràn lan, biến buôn người trở thành một trong những ngành công nghiệp tội phạm mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới.
Trong đại dịch COVID-19, nhiều cô gái "buôn phấn bán son" đã lâm vào cảnh cùng kiệt. Bọn buôn người do mất thu nhập càng kiểm soát họ chặt hơn.
Kỳ tới: Phận "gái bán hoa" thời COVID-19
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.