Nô lệ tình dục thời hiện đại - Mafia, tiền và máu - Kỳ 1: Yêu râu xanh tỉnh Ardennes

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Interpol nhận định nạn bóc lột tình dục tiếp tục là hình thức mafia buôn người phổ biến, man rợ và siêu lợi nhuận.
Cạm bẫy bóc lột tình dục chực chờ các cô gái trẻ để làm trò mua vui cho bọn nhà giàu hoang dâm ở Mỹ, đáp ứng nhu cầu cô dâu ở Trung Quốc, trở thành "máy đẻ" ở Nigeria hoặc đám "du khách" chuyên đi tìm sex lạ. 

Yêu râu xanh Michel Fourniret - Ảnh: MaxPPP
Yêu râu xanh Michel Fourniret - Ảnh: MaxPPP
Ngày 25-6-2020, công tác tìm kiếm thi thể bé Estelle Mouzin mất tích hơn 17 năm về trước kết thúc sau bốn ngày làm việc. Thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy dù cơ quan điều tra Pháp huy động lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát, hiến binh, chuyên gia nhận dạng tội phạm cùng máy xúc, thợ lặn, máy bay không người lái "chà xát" hai khu đất cũ của Michel Fourniret. 
Gã đàn ông 78 tuổi này được mệnh danh là "tên yêu tinh tỉnh Ardennes" (miền bắc nước Pháp giáp với Bỉ), một trong năm tên giết người hàng loạt khét tiếng nhất trong lịch sử tội phạm Pháp.

Tôi không tin Michel Fourniret. Đối với tôi, lời khai của hắn vô nghĩa cho đến khi có đầy đủ chứng cứ.

Ông ERIC MOUZIN
Bị tóm từ một vụ bắt cóc tình dục không thành
Ngày 9-1-2003 tại thị trấn Guermantes (cách Paris 32km), cô bé Estelle Mouzin 9 tuổi nhí nhảnh rời trường đi bộ về nhà. Trời sập tối. Thời tiết rất tệ. Bà mẹ (đã ly hôn) đi làm về không thấy con gái bèn trình báo cảnh sát. Bé Estelle được nhìn thấy lần gần nhất lúc 18 giờ 15 trước tiệm bán bánh mì cách nhà 750m.
Vụ bé Estelle Mouzin mất tích chấn động nước Pháp. Báo chí đăng tin rầm rộ. Thông báo truy tìm được dán khắp nơi. Văn phòng công tố mở cuộc điều tra. Thợ lặn rà soát khắp vùng. Binh sĩ được huy động tìm kiếm trong rừng. Cảnh sát khám xét hơn 300 căn nhà trong thị trấn và truy vấn 1.400 cư dân về thời gian sinh hoạt. Thế nhưng bé Estelle vẫn bặt vô âm tín!
Gần nửa năm sau, vào cuối tháng 6-2003, Michel Fourniret bị bắt ở Bỉ sau khi một bé gái 13 tuổi bị bắt cóc trốn thoát thành công khỏi xe tải của hắn. Đầu năm sau, Bỉ giải giao Fourniret cho Pháp. Cơ quan điều tra Pháp rà soát lại vụ án bé Estelle mất tích, nhưng Fourniret khai lúc 20 giờ 08 vào ngày bé Estelle mất tích, hắn đang gọi điện thoại chúc mừng sinh nhật con trai từ một buồng điện thoại công cộng ở Bỉ cách nhà nạn nhân đến 290km.
Bốn năm sau, từ trong tù Fourniret gửi thư cho tòa đề nghị khai báo về vụ án bé Estelle. Hắn không khai nhận tội mà chỉ yêu cầu gặp cha mẹ nạn nhân. Yêu cầu bị bác. Cuộc điều tra rơi vào bế tắc. Tháng 1-2010, do cha mẹ bé Estelle kiên trì đấu tranh, cơ quan điều tra mở lại hồ sơ vụ án. Cảnh sát công bố số điện thoại mới và chân dung nạn nhân để tìm kiếm nhân chứng.
Các luật sư gia đình nạn nhân đề nghị tòa kiểm tra lại các bút lục và giám định ba vật chứng gồm các mảnh dây buộc và găng tay được cảnh sát Bỉ thu giữ lúc bắt Fourniret bởi bé Estelle mang giày cột dây màu trắng và đeo đôi găng tay đen. Tháng 10-2014, phòng xét nghiệm thông báo không tìm thấy ADN bé Estelle trong các mẫu xét nghiệm trên tóc và lông lấy trên xe tải của Fourniret.
Ngày 9-1-2018, gia đình bé Estelle quá nóng ruột cho biết sẽ đi kiện cơ quan nhà nước về hành vi tắc trách trong hoạt động điều tra. Các luật sư khẳng định không tin lời khai về chứng cứ ngoại phạm của Fourniret vì hắn không còn giữ liên lạc với con trai và có thể hắn đã dùng thủ thuật chuyển hướng cuộc gọi.
Tháng 7-2019, hồ sơ vụ án được chuyển giao cho Paris. Quá trình điều tra "chạy" nhanh hơn. Đến lúc này, đồng phạm Monique Olivier (vợ cũ của Fourniret đã ly hôn năm 2010) thay đổi lời khai, xác nhận mình là người gọi điện thoại cho con trai hôm bé Estelle mất tích, còn Fourniret lấy xe đi khảo sát địa hình rồi bắt cóc bé Estelle. 
Ngày 6-3-2020, Fourniret nhận tội. Hơn 17 năm sau, nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ. Dù vậy, ông Eric Mouzin - cha nạn nhân - rất thất vọng vì Fourniret vẫn chưa khai đúng nơi chôn giấu thi thể con gái ông.

Cuộc tuần hành tại Guermantes hôm 11-1-2020 để tưởng nhớ bé Estelle. Cha nạn nhân hàng đầu (thứ ba từ phải sang) - Ảnh: LP
Cuộc tuần hành tại Guermantes hôm 11-1-2020 để tưởng nhớ bé Estelle. Cha nạn nhân hàng đầu (thứ ba từ phải sang) - Ảnh: LP
Kẻ thống trị và nô lệ tình dục
Michel Fourniret khai nhận đã bắt cóc và sát hại tổng cộng 11 cô gái, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em. Bác sĩ tâm lý Jean-Luc Ployé đã từng thực hiện hơn 13.000 cuộc giám định tư pháp trong hơn 30 năm hành nghề. Theo yêu cầu của dự thẩm, năm 2005 ông đã kiểm tra tâm lý "tên yêu tinh tỉnh Ardennes" Michel Fourniret cùng đồng phạm Monique Olivier. 
Trong tác phẩm Tiếp cận cái ác dày 272 trang xuất bản vào tháng 11-2019, ông cho biết Fourniret đã mô tả rất chi tiết việc sát hại các nạn nhân nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu làm nhục các nạn nhân như nô lệ.
Bác sĩ bệnh học tâm thần Daniel Zagury đánh giá Fourniret là "tên giết người hàng loạt thành công nhất ở Pháp". Ông phân tích: "Không chỉ là người điều khiển cuộc chơi, Fourniret đã cố định mọi thứ theo hai chiều gồm kẻ thống trị và người bị thống trị. Trong thế giới của Fourniret, đó là phép biện chứng của chủ nhân và nô lệ". 
Những tên thủ ác khác thường khai nhận hành vi giết người là xung động nhất thời không thể kiểm soát nên rất xấu hổ và khó mô tả cụ thể tội ác. Ngược lại, Fourniret nhớ mọi chi tiết và biện bạch hành vi giết người "nhân danh điều tốt, nhân danh công bằng và tìm kiếm trinh bạch".
Fourniret xuất thân từ gia đình có nguồn gốc xã hội khiêm tốn ở tỉnh Ardennes. Cha làm công nhân luyện kim bị nghiện rượu, còn mẹ làm tạp vụ. Chính vì thế, hắn mong muốn đảo lộn các giá trị như bác sĩ Zagury nhận định: "Fourniret liên kết lòng kiêu ngạo vô biên của hắn với nguồn gốc khiêm tốn và muốn xóa tì vết thành sự trong trắng". Hắn luôn chọn nạn nhân là người hiện thân của sự trong trắng thông qua dáng đi hay quần áo.
Trong quá trình thẩm vấn, hắn kể lại tường tận "nghi thức thống trị" để khuất phục các cô gái trẻ bị bắt cóc. Trước phiên tòa năm 2008, thậm chí hắn còn đề nghị chánh án chọn bồi thẩm đoàn phải là trinh nữ trước khi kết hôn để họ hiểu được hành trình tìm kiếm trinh bạch của hắn nơi các nạn nhân vô tội.
Nỗi ám ảnh của hắn về trinh bạch bắt nguồn từ cuộc hôn nhân đầu tiên năm 1962. Người vợ đầu Annette không còn trinh trắng. Vài năm sau kết hôn, hắn bắt đầu hành trình của một gã săn mồi tình dục. Fourniret phân trần với bác sĩ tâm lý Jean-Luc Ployé: "Những từ ngữ đó (trinh bạch) như đạn pháo nổ trong đầu và ám ảnh tôi".
Nếu Fourniret là bấc, người vợ thứ hai Monique Olivier chính là diêm như luật sư của bên bị hại so sánh. Cả hai cùng ký một thỏa thuận bệnh hoạn: Monique sẽ giúp Fourniret săn lùng trinh nữ, bù lại Fourniret sẽ xử lý chồng cũ và người quen của Monique.

Năm 25 tuổi, yêu râu xanh Michel Fourniret đã bị kết án 8 tháng tù treo vì tấn công một cô gái trẻ. 10 năm sau, hắn bị bắt sau 11 vụ tấn công phụ nữ trẻ tuổi và bị kết án 7 năm tù. Đến năm 2008, hắn bị kết án tù chung thân không giảm án về tội giết người và hiếp dâm đối với 7 nạn nhân nữ ở Pháp và Bỉ từ năm 1987-2001. Sau đó, hắn khai giết thêm bốn nạn nhân nữa. Đồng phạm Monique Olivier (72 tuổi) bị kết án tù chung thân về tội đồng phạm giết người và không tố giác tội phạm.

Fourniret là người thứ tư ở Pháp bị kết án tù chung thân không giảm án. Đây là hình phạt cao nhất được áp dụng từ năm 1994. Với hình phạt này, sau 30 năm giam giữ phạm nhân mới có quyền xin trả tự do có điều kiện.

Nỗi ám ảnh bóc lột tình dục không chừa một ai. Dân nhà giàu hay giới diễn viên ở Mỹ cũng rơi vào ổ sa đọa.
Kỳ tới: Nhà giàu sa đọa
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.