Vụ mùa 2023, gia đình bà Đinh Thị Ngung (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) trồng 2 ha mía, 5 sào đậu đen trắng lòng và 2 sào đậu xanh. Hiện gia đình đang tập trung thu hoạch đậu xanh và đậu đen.
Bà Ngung cho biết: 2 năm nay, bà chuyển 7 sào mì sang trồng đậu nhằm cải tạo đất. Trồng đậu không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí tiền giống, phân bón chỉ khoảng 500-600 ngàn đồng/ha và hơn 2 tháng là cho thu hoạch.
“Với 7 sào đậu, năm ngoái, gia đình thu được 4 tạ, thương lái thu mua giá 22-30 ngàn đồng/kg. Năm nay, tôi thu 5,5 tạ, giá bán dao động 25-45 ngàn đồng/kg. Nhờ trúng giá, được mùa nên gia đình lãi gần 16 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với năm trước. Sắp tới, tôi chuyển sang trồng toàn bộ đậu đen xanh lòng vì giá bán cao hơn”-bà Ngung chia sẻ.
Gia đình bà Đinh Thị Ngung (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) hong phơi đậu đen. Ảnh: N.M |
Những ngày này, người trồng mía cũng đang tất bật thu hoạch. Anh Nguyễn Duy Vân (thôn 6, xã An Trung) cho hay: Gia đình anh có 10 ha mía lưu gốc và 6 ha mía tơ. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và thời tiết thuận lợi nên cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất mía lưu gốc đạt 70-80 tấn/ha, mía tơ đạt 90-100 tấn/ha, cao hơn 5-7 tấn/ha so với năm trước.
“Đầu vụ, Nhà máy Đường An Khê thu mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, cao hơn 50 ngàn đồng/tấn so với đầu niên vụ 2022-2023. Dù tiền phân bón, chi phí chăm sóc khá cao nhưng bù lại mía được giá, được mùa nên gia đình vẫn lãi 40-45 triệu đồng/ha, cao hơn vụ trước 5 triệu đồng/ha.
Đầu vụ, lượng nước trong cây mía còn nhiều nên chữ đường chưa cao. Qua Tết Nguyên đán, cây mía chín hơn, cộng với giá cả ổn định thì thu nhập của tôi cũng như nhiều hộ trồng mía trong xã còn tăng cao hơn”-anh Vân cho biết.
Những hộ trồng mì cũng chung niềm vui trúng mùa, được giá. Chỉ tay về rẫy mì có hơn chục nhân công đang thu hoạch, ông Đinh Gươt (làng Hưng Dơng, xã Kông Yang) cho hay: Gia đình ông có hơn 14 ha mì, phải thuê nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch. Từ tháng 11-2023 đến nay, ông đã thu hoạch được 10 ha, năng suất đạt 17-19 tấn/ha, bán với giá 2,9-3,9 triệu đồng/tấn, cao hơn năm ngoái 500 ngàn đồng đến 1,3 triệu đồng/tấn.
“Mấy năm nay, tôi trồng giống mì K94 nên hạn chế được bệnh khảm lá, năng suất ổn định. Chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha, gồm công trồng, chăm sóc và phân bón. Tôi sử dụng hom từ cây mì sau khi thu hoạch để tiết kiệm tiền giống. Giá bán tăng, năng suất cao nên năm nay lãi gần 50 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện tôi đã trồng mới được gần 4 ha mì”-ông Gươt tâm sự.
Nông dân huyện Kông Chro vui mừng khi nông sản được mùa, được giá. Ảnh: N.M |
Theo ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang, mì là một trong những cây trồng chủ lực của xã. Đến nay, người dân đã thu hoạch được 987/1.418 ha, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha, cao hơn năm trước 2 tấn/ha. Với giá bán bình quân cao hơn 600 ngàn đồng/tấn, lợi nhuận của người dân tăng khoảng 10 triệu đồng/ha so với năm trước.
“Nguyên nhân giá mì tăng là do diện tích bị thu hẹp, nhiều nhà máy, đại lý mì cạnh tranh thu mua. Thông thường, vào thời điểm chính vụ, giá mì thường hạ. Tuy nhiên năm nay, giá được đẩy lên cao, có thời điểm tới 3,5-4 triệu đồng/tấn. Ngoài cây mì, giá một số nông sản như lúa, bắp, ớt, rau màu đều tăng so với năm trước đã giúp người dân nâng cao thu nhập”-ông Định cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho hay: Năm 2023, người dân trong huyện xuống giống hơn 43.299 ha cây trồng các loại. Trong đó có 3.668 ha lúa, 7.549 ha bắp, 9.399 ha mía, 11.922 ha mì, 4.505 ha đậu, còn lại là rau, cây dược liệu và cây trồng khác.
Bà con đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho hơn 3.968 ha cây trồng; chuyển đổi 140 ha đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Đầu năm, thời tiết không mấy thuận lợi, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, mưa thuận gió hòa, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. Giá cả một số nông sản không những ổn định mà còn tăng so với năm trước góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Từ tháng 10-2023 đến nay, Phòng phối hợp với cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đôn đốc người dân thu hoạch cây trồng vụ mùa; tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm đất, chuẩn bị giống, phân bón, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; theo sát lịch thời vụ khi xuống giống gieo trồng vụ Đông Xuân 2023-2024 để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra vào cuối vụ”-ông Quốc thông tin thêm.